Ngày 9-3, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Lâm Hải Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cho hay đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn chấn chỉnh việc thi công công trình xây dựng, tu bổ, tôn tạo, phát huy giá trị di tích tại tháp Bánh Ít ở xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước. Chỉ đạo này được đưa ra sau khi có nhiều ý kiến phản ánh, lo ngại việc thi công trên đang xâm hại di tích tháp cổ gần 1.000 năm tuổi.
Đưa cả máy múc vào bổ xuống chân tháp
Ghi nhận của PV cho thấy khu vực chính tháp đã bị san gạt, đào bới khắp nơi, xung quanh ngổn ngang gạch, đá, đất, cát… Nền gạch đá cổ dưới chân tháp đã bị bóc lên để thay thế, tường rào bằng gạch đã bị phá bỏ. Một số hạng mục bằng bê tông đang hình thành. Đơn vị thi công đào quanh tháp các cống rãnh để lát nền móng tường rào, hành lang gạch đá dưới chân tháp cũng được làm mới.
Đơn vị thi công đưa máy đến đào múc ngay dưới chân tháp Bánh Ít. Ảnh: PH
Được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia Theo Sở VH&TT tỉnh Bình Định, tháp Bánh Ít được xây dựng vào cuối thế kỷ 11 - đầu thế kỷ 12, trên đỉnh một ngọn đồi cao nằm giữa hai nhánh sông Kôn. Đây là quần thể bốn tháp, gồm tháp Cổng, tháp Hỏa, tháp Bia, tháp chính, từ xa trông giống chiếc bánh ít nên dân gian gọi là tháp Bánh Ít. Cụm tháp này được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia hồi năm 1982. |
Ngay sát chân tháp Cổng còn dấu vết bị phương tiện cơ giới, máy xúc đào xới, san gạt. Ở phía sau tháp Bia vừa hình thành một con đường lớn để xe cơ giới di chuyển, vận chuyển vật liệu xây dựng. Theo nhiều người dân địa phương, trong những ngày qua đơn vị thi công đã ồ ạt đưa nhiều phương tiện cơ giới, máy móc vào thi công ngay xung quanh tháp chính. Nhiều người lo ngại việc này gây rung chấn, ảnh hưởng đến tháp cổ. “Họ đưa cả máy đào múc lên, đào bổ ngay dưới chân tháp Bánh Ít. Trong khi đó khu vực tháp nằm ở triền núi, có nguy cơ sạt lở rất cao. Nhìn họ thi công, ai cũng lo lắng, thót ruột” - ông Nguyễn Văn Hân (ngụ xã Phước Hiệp) phản ánh.
Ông Đinh Bá Hòa, cựu Giám đốc Bảo tàng Bình Định, nói việc ồ ạt đưa máy móc, phương tiện cơ giới vào thi công, san gạt ở khu vực tháp Bánh Ít là không thể chấp nhận được. Theo quy định, tháp Bánh Ít là cụm tháp chỉ có một vùng bảo vệ nghiêm ngặt, không có khu vực cho phép điều chỉnh. “Với tháp Chăm cổ gần 1.000 năm tuổi, khi trùng tu, tôn tạo, tất cả phải được thực hiện thủ công dưới sự giám sát nghiêm ngặt của các chuyên gia di sản. Phải cân đo đong đếm từng vị trí, hòn đá cuội, bậc cấp cũ, cây bụi... chứ không thể đưa máy móc, phương tiện cơ giới vào ồ ạt san bạt, đào xúc xâm hại di tích như vậy” - ông Hòa nói.
Theo ông Hòa, chủ đầu tư (CĐT) là Sở VH&TT tỉnh Bình Định phải chịu trách nhiệm nếu di tích bị xâm hại. “CĐT quản lý toàn bộ dự án. Tại sao với một tháp Chăm gần 1.000 năm tuổi, một công trình kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia mà khi thi công trùng tu lại không hề có sự tham gia, giám sát của các chuyên gia di sản, chuyên gia khảo cổ học? Tại sao CĐT để đơn vị thi công làm tùy tiện như vậy? Thi công như vậy không khác gì phá hoại di tích” - ông Hòa bức xúc.
Đào bới ngổn ngang trong khu vực di tích tháp Bánh Ít. Ảnh: NO
Thi công sai thẩm định
Sau khi có ý kiến phản ánh, mới đây Thanh tra Sở Xây dựng tỉnh Bình Định phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan kiểm tra việc thi công công trình tu bổ, tôn tạo tháp Bánh Ít. Tại thời điểm kiểm tra, CĐT và các đơn vị liên quan chưa cung cấp đầy đủ các hồ sơ pháp lý liên quan đến công trình.
Kết quả kiểm tra cho thấy trong quá trình thi công, các nhà thầu huy động nhiều máy móc, thiết bị đến thi công trong cụm di tích tháp Bánh Ít. Điều này trái với thẩm định của Sở Xây dựng. Thanh tra Sở Xây dựng đã lập biên bản, yêu cầu CĐT, các đơn vị liên quan dừng ngay việc thi công san gạt sân phía trước và khuôn viên tháp chính, đồng thời đưa thiết bị, máy móc ra khỏi khu vực thi công. Biên bản nêu rõ: Theo hồ sơ đã được Sở Xây dựng thẩm tra, phần khối lượng đắp cát công trình bằng thủ công và máy đầm đất cầm tay.
Theo ông Trần Viết Bảo, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Định, việc nhà thầu thi công sử dụng máy đào để đào hố bê tông phía đông tháp chính và san gạt nền lát gạch là sai về biện pháp thi công. Sở Xây dựng đã yêu cầu tạm dừng thi công một hạng mục tại công trình trên.
Sở Xây dựng yêu cầu trong quá trình thi công xây dựng, các bên phải thực hiện theo đúng hồ sơ thiết kế đã được thẩm định, phê duyệt và có biện pháp thi công không ảnh hưởng đến hiện trạng di tích. CĐT cùng các đơn vị liên quan cần cung cấp đầy đủ hồ sơ pháp lý liên quan đến việc thi công xây dựng công trình, công tác an toàn lao động trên công trường để cơ quan chức năng kiểm tra, theo dõi…
Thông tin với báo chí, một lãnh đạo Cục Di sản văn hóa (Bộ VH-TT&DL) cho biết đã có văn bản yêu cầu Sở VH&TT tỉnh Bình Định kiểm tra thực tế, chỉ đạo các cơ quan liên quan khẩn trương có giải pháp bảo vệ di tích tháp Bánh Ít. Cục Di sản văn hóa yêu cầu Sở VH&TT căn cứ nội dung dự án đã được thẩm định, thỏa thuận để rà soát các biện pháp thi công đảm bảo không ảnh hưởng đến di tích gốc, cảnh quan, môi trường, sinh thái của di tích. Kết quả gửi báo cáo về Bộ VH-TT&DL trước ngày 11-3-2022.
PV nhiều lần liên lạc với ông Tạ Xuân Chánh, Giám đốc Sở VH&TT tỉnh Bình Định, để tìm hiểu thêm sự việc nhưng ông này không nghe máy.
Dự kiến hoàn thành trùng tu vào tháng 6-2022 Theo hồ sơ, công trình xây dựng, tu bổ, tôn tạo, phát huy giá trị di tích tại tháp Bánh Ít có tổng vốn đầu tư 25,6 tỉ đồng, được UBND tỉnh Bình Định giao cho Sở VH&TT làm CĐT. Đơn vị tư vấn quản lý dự án là Công ty TNHH Tư vấn, thiết kế, xây dựng Thiên Tường. Nhà thầu tư vấn thiết kế, giám sát là liên danh Công ty CP Đầu tư và xây dựng Nguyên Phú, Công ty Phát triển công nghệ Việt Long, Công ty TNHH Công trình văn hóa Tiên Long. Nhà thầu thi công là liên doanh Công ty TNHH Xây dựng Hiếu Ngọc, Công ty TNHH Xây dựng Thành Lộc, Công ty TNHH Hùng Phát. Công trình khởi công vào cuối tháng 12-2021, dự kiến hoàn thành vào tháng 6-2022. Ngày 27-10-2021, Bộ VH-TT&DL có công văn thẩm định dự án tu bổ, tôn tạo di tích tháp Bánh Ít, nêu rõ: Đề nghị UBND tỉnh Bình Định chỉ đạo các cơ quan liên quan hoàn thiện hồ sơ, công khai nội dung tu bổ, tôn tạo di tích tháp Bánh Ít trước nhân dân để tạo sự đồng thuận và triển khai các bước tiếp theo theo quy định hiện hành. |