Đây là đánh giá của Công ty chứng khoán Bảo Việt trong báo cáo mới phát hành.
Cụ thể, Bảo Việt cho rằng áp lực lạm phát sẽ cao hơn khi giá nhiều loại nguyên vật liệu đang có xu hướng tăng mạnh, đặc biệt là giá xăng dầu, cùng triển vọng mở cửa lại toàn bộ nền kinh tế. Áp lực này có thể sẽ khiến nhiều ngân hàng thương mại phải tăng lãi suất huy động.
Tuy nhiên, Bảo Việt cũng cho biết hiện lãi suất liên ngân hàng tiếp tục giảm, trong khi lãi suất huy động đi ngang.
Bảo Việt đánh giá thanh khoản dồi dào đã đẩy lãi suất liên ngân hàng giảm. Trong khi đó, lãi suất huy động trung bình thay đổi không đáng kể đối với cả hai kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng.
Nhóm ngân hàng thương mại quy mô lớn với số vốn trên 5.000 tỉ đồng là nhóm duy nhất nâng lãi suất đối với kỳ hạn 6 tháng, mức tăng 0,02 điểm phần trăm lên 4,56%/năm nhưng không thay đổi lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng, duy trì ở mức 5,307%/năm.
Ngược lại, nhóm ngân hàng thương mại quy mô nhỏ giảm 0,02 điểm phần trăm đối với cả hai loại kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng, xuống còn lần lượt 4,42%/năm và 6,04%. Trong khi đó, nhóm ngân hàng có gốc quốc doanh tiếp tục không điều chỉnh lãi suất trong tháng 2.
Lãi suất trung bình kỳ hạn 6 tháng tiếp tục được duy trì ở mức 3,775%/năm trong tháng thứ 9 liên tiếp; trong khi lãi suất kỳ hạn 12 tháng vẫn đang không thay đổi ở mức 4,95%/năm sau 7 tháng.
Bảo Việt đánh giá, chỉ số lạm phát CPI của Việt Nam đạt 1,68% sau hai tháng đầu năm 2022, mức lạm phát tương đối thấp so với các năm gần đây.
Yếu tố này sẽ tiếp tục cho phép Ngân hàng Nhà nước duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng cho các tháng đầu năm 2022 để kích thích nền kinh tế hồi phục.