Kênh truyền hình TRT Haber (Thổ Nhĩ Kỳ) ngày 11-3 dẫn lời ông Ibrahim Kalin – người phát ngôn của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan – cho biết Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga, mà thay vào đó sẽ nỗ lực duy trì đối thoại với Điện Kremlin.
Ông Kalin nói rõ rằng Ankara không có kế hoạch "áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga", đồng thời nói thêm rằng chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ mong muốn "giữ cho kênh lòng tin được mở".
Ông Kalin cũng chỉ ra rằng Thổ Nhĩ Kỳ muốn tránh bất kỳ tác động tiêu cực nào đối với nền kinh tế của chính họ trước các biện pháp trừng phạt.
Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không trừng phạt Nga bất chấp áp lực từ NATO. Ảnh: AP
Tuy lên án động thái của Nga nhằm vào Ukraine, song Thổ Nhĩ Kỳ, không giống hầu hết quốc gia Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) khác, đã ngừng áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với Nga.
Thay vào đó, Ankara đang tìm cách làm trung gian giữa hai bên với hy vọng thúc đẩy một thỏa thuận hòa bình, hoặc ít nhất là thỏa thuận ngừng bắn.
Trao đổi với truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ hôm 11-3, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết liên minh hy vọng "tất cả đồng minh của chúng tôi sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt" đối với Nga.
Ông Stoltenberg cho biết ông đã "chuyển vấn đề này" cho Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu trong cuộc họp tại thành phố Antalya (Thổ Nhĩ Kỳ).
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cũng đã có cuộc gặp với người đồng cấp Ukraine – ông Dmitry Kuleba - tại Antalya hôm 10-3. Đây là lần đầu tiên hai nhà ngoại giao hội đàm kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt nhằm vào Ukraine hôm 24-2.
Tuy các cuộc đàm phán không đạt được bất kỳ đột phá nào, song Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 11-3 lưu ý rằng đã có “những bước tiến triển tích cực nhất định”. Ba vòng đàm phán trước đó giữa Ukraine và Nga đã được tổ chức tại Belarus.
Trong cuộc điện đàm mới đây với Tổng thống Mỹ Joe Biden, Tổng thống Erdogan cho rằng cuộc gặp giữa hai ngoại trưởng Nga và Ukraine, ông Lavrov và ông Kuleba, là một thắng lợi ngoại giao.
Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ cũng nhắc lại rằng vai trò trung gian hòa giải giữa Kiev và Moscow của Ankara là rất quan trọng trong việc ngăn chặn xung đột vũ trang gia tăng thêm nữa.
Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga nhằm vào Ukraine đã khiến Mỹ, Canada, EU, Nhật, Úc và một số quốc gia khác áp đặt loạt lệnh trừng phạt đối với Moscow nhằm "làm tê liệt" nền kinh tế Nga.
Các biện pháp trừng phạt nhắm vào ngân hàng trung ương của Nga, cũng như một số ngân hàng thương mại lớn, các phương tiện truyền thông do nhà nước tài trợ và trực tiếp nhằm vào giới lãnh đạo của Nga.