Cần làm thủ tục gì và lưu ý chung cho việc mua xe cũ là gì?
Luật sư tư vấn
Theo quy định của Bộ luật dân sự 2015, Hợp đồng mua bán tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên bán chuyển quyền sở hữu tài sản cho bên mua và bên mua trả tiền cho bên bán; tài sản được quy định tại Bộ luật này đều có thể là đối tượng của hợp đồng mua bán. Trường hợp theo quy định của luật, tài sản bị cấm hoặc bị hạn chế chuyển nhượng thì tài sản là đối tượng của hợp đồng mua bán phải phù hợp với các quy định đó. Tài sản bán thuộc sở hữu của người bán hoặc người bán có quyền bán.
Như vậy, việc mua bán là sự thỏa thuận của các bên, bạn hoàn toàn có thể mua xe đã qua hai đời chủ.
Tuy nhiên bạn cần lưu ý ba điều:
Thứ nhất, từ ngày 1/8/2020, theo Thông tư 58/2020/TT-BCA ngày 16/6/2020, Bộ Công an cho phép người dân tiến hành sang tên xe qua nhiều đời chủ, kể cả khi không có giấy tờ chuyển quyền sở hữu (mua bán, tặng cho...).
Tuy nhiên, việc này chỉ cho phép giải quyết đăng ký, sang tên đến hết ngày 31/12/2021. Như vậy, kể từ ngày 1/1/2022, việc sang tên xe nếu không có giấy tờ mua bán và tìm được người đứng tên trên đăng ký xe về cơ bản không thực hiện được.
Người không thực hiện thủ tục sang tên xe sẽ bị xử phạt theo quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019. Cụ thể, mức phạt từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng áp dụng với chủ xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự xe ôtô không làm thủ tục đăng ký sang tên xe (để chuyển tên chủ xe trong Giấy đăng ký xe sang tên của mình) theo quy định khi mua, được cho, được tặng, được phân bổ, được điều chuyển, được thừa kế tài sản. Với tổ chức, mức phạt này tăng gấp đôi.
Thứ hai, bạn mua từ anh trai tuy nhiên chiếc xe này anh trai bạn lại mua từ người bạn chỉ có hợp đồng mà không có xác nhận của xã phường. Như vậy, hợp đồng mua bán này không có giá trị pháp lý nên xe vẫn đúng tên chủ cũ.
Thứ ba, để đảm bảo giá trị pháp lý trong việc mua bán cũng như sang tên xe, trước tiên bạn cần yêu cầu sang tên xe từ chủ cũ sang cho anh trai bạn. Sau đó, bạn và anh trai sẽ ký hợp đồng mua xe và sang tên cho bạn theo trình tự như sau:
Bước 1: Ký kết hợp đồng mua bán.
Trước tiên bên bán và bên mua phải thực hiện hiện ký kết hợp đồng mua bán xe tại Văn phòng công chứng hoặc chứng thực của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn. Nhưng việc chứng thực tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn chỉ chứng thực được về chữ ký của người bán xe còn về nội dung hợp đồng và tính chính xác, đúng quy định của pháp luật thì Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn không có quyền xác thực. Do đó, hai bạn nên đến tổ chức hành nghề công chứng để công chứng hợp đồng mua bán xe để đảm bảo hình thức theo quy định và để làm thủ tục sang tên trên Giấy đăng ký xe.
Bước 2: Đăng ký sang tên xe.
Nộp hồ sơ đăng ký sang tên xe tại Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bao gồm:
- Tờ khai đăng ký sang tên đổi chủ xe theo mẫu;
- Giấy tờ tùy thân của chủ xe mới;
- Giấy chứng nhận đăng ký xe ô tô;
- Hợp đồng mua bán xe xe ôtô cũ đã được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật;
- Chứng từ nộp lệ phí trước bạ: Biên lai nộp tiền vào ngân sách nhà nước bằng tiền mặt, séc hoặc ủy nhiệm chi của ngân hàng hợp lệ;
- Hồ sơ gốc của xe: Trong trường hợp sang tên khác tỉnh thành.
Bạn cũng cần phải lưu ý các vấn đề sau khi mua xe ô tô cũ:
- Xe ôtô chủ xe có đầy đủ giấy tờ và phải là xe chính chủ;
- Chủ xe cũ đã thực hiện nghĩa vụ thuế, phí, lệ phí đầy đủ.
- Xe đang không bị áp dụng các biện pháp bảo đảm: cầm cố, thế chấp....
- Xe được đăng kiểm đầy đủ.
Luật sư Phạm Thanh Bình
Công ty Luật Bảo Ngọc, Hà Nội
Xem thêm: lmth.2647344-yl-pahp-ior-car-hnart-ed-uhc-ueihn-auq-oto-aum-ihk-teib-nac-ueid-ab/ten.sserpxenv