Mới đây, người đàn ông 43 tuổi, bán vé số trên đường Nguyễn Văn Linh, huyện Bình Chánh, TP HCM bị thương nặng khi hai cuộn thép nặng 20 tấn trên xe đầu kéo rơi, đè lên người. Tài xế gây tai nạn sau đó đã hỗ trợ chi phí điều trị, bồi thường 30 triệu đồng cho nạn nhân.
Trước đó đã có nhiều tai nạn tương tự xảy ra, gây thương vong cho người dân và chính tài xế, là nỗi ám ảnh của người đi đường.
Về trách nhiệm của các bên liên quan khi xảy ra tai nạn, luật sư Võ Đan Mạch (Giám đốc Công ty Luật TNHH MTV Ta Pha) cho rằng, tài xế là người có trách nhiệm đầu tiên đối với hậu quả xảy ra. Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 24 Nghị định 100/2019, người điều khiển ôtô tải, máy kéo, rơ móoc... khi vận chuyển hàng hóa trên xe phải chằng buộc; nếu không chằng buộc hoặc chằng buộc không chắc chắn sẽ bị phạt tiền từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng.
"Tài xế được công ty trả lương để vận chuyển hàng hóa, nên khi gây tai nạn người này phải chịu trách nhiệm về hậu quả. Tiếp đó, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận tải cũng phải có trách nhiệm khi người lao động của mình gây tai nạn cho bên thứ ba", luật sư Mạch nói và dẫn chiếu Điều 597 Bộ luật Dân sự 2015 quy định pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người của mình gây ra trong khi thực hiện nhiệm vụ được giao.
Do đó, khi tài xế chở cuộn thép trên xe đầu kéo theo nhiệm vụ được giao, quá trình vận chuyển gây tai nạn dẫn đến thương vong thì doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận tải hàng hóa phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Trong trường hợp xác định nguyên nhân gây tai nạn do lỗi của tài xế, thì công ty có quyền yêu cầu người này phải hoàn trả một phần tiền đã bồi thường theo quy định của pháp luật.
Trên thực tế, việc chằng buộc, cố định cuộn thép trước khi vận chuyển được các tài xế thực hiện dựa vào kinh nghiệm bởi các cơ quan chức năng chưa có quy định cụ thể về việc chằng buộc mặt hàng này trên ôtô nhằm đảm bảo an toàn.
Hiện, quy định chung trong xếp hàng hóa trên ôtô là phải đúng trọng tải thiết kế của xe; giới hạn cầu, hầm, đường... Các loại hàng xếp trên ôtô không được lệch một phía và phải chằng buộc chắc chắn, đảm bảo không xê dịch trong quá trình vận chuyển. Trường hợp xe chở hàng rời nhưng không có thùng kín, chủ xe cần che chắn để không rơi khi chạy trên đường... Tuy nhiên, với từng loại hàng, hiện việc chằng buộc chưa có quy định theo quy chuẩn cụ thể. Việc chở thép cuộn cũng áp dụng chung như các mặt hàng khác.
Theo luật sư Đan Mạch, để hạn chế các tai nạn tương tự, Bộ Giao thông Vận tải cần có quy định về các tiêu chuẩn kỹ thuật đối với xe container, xe rơ-moóc hoặc xe chở hàng hóa nói chung và quy chuẩn khi chằng buộc, vận chuyển hàng hóa. Đặc biệt, như thép cuộn phải có đầy đủ dây xích chắc chắn, có thùng kín an toàn.
"Khi đã có quy chuẩn cụ thể, các trường hợp vi phạm, không đảm bảo an toàn, có nguy cơ gây tai nạn, các cơ quan chức năng sẽ theo đó xử lý", luật sư Mạch nêu quan điểm và cho rằng cũng cần quy định về mức xử phạt đối với các tài xế vi phạm nhằm hạn chế tai nạn, thương vong.
Hải Duyên
Xem thêm: lmth.7157344-ia-ev-couht-meihn-hcart-gnov-gnouht-yag-ior-peht-nouc/ten.sserpxenv