Xe ba gác chở hàng cồng kềnh sắc nhọn vẫn lù lù trên đường ở TP.HCM - Ảnh: M.HÒA
Xử phạt bao năm vẫn không xuể, khi sự an toàn chưa được coi trọng.
Biết sai vẫn làm
Sáng 8-3, trên đường Hiệp Bình, phường Hiệp Bình Chánh (TP Thủ Đức), nhiều xe ba gác chở đầy những bó sắt, thép, vật liệu xây dựng dài ngoằng chạy trên đường khiến nhiều người đi đường phát sợ và phải né tránh. Những chiếc xe nặng nề, sắt thép trên xe nhô ra phía trước, thò đuôi dài ra phía sau, các tài xế phải vặn tay ga thật mạnh xe mới đi.
Những chiếc xe chở hàng quá tải, quá khổ cứ thế chạy nghênh ngang trên đường. "Xe ba gác chở sắt, thép, tôn chĩa ra nhọn hoắt chạy băng băng trên đường, nhìn đã thấy sởn gai ốc rồi. Nếu những chiếc xe này gặp sự cố, tai nạn mà sắt thép rơi xuống đường, trúng người thì hậu quả nghiêm trọng", một người đi đường nêu ý kiến.
Khu vực chợ Bình Tây (Chợ Lớn, quận 6), nơi tập trung nhiều xe chở hàng hóa trong chợ đi các nơi. Nhiều xe cà tàng, cũ đến mức không thể cũ hơn. Anh Hồ Quang H. (27 tuổi, ngụ tỉnh Quảng Ngãi) cho biết đã chạy xe khu vực này hơn 5 năm, anh được chủ giao cho chiếc xe cà tàng giao hàng từ các chành xe về chợ.
Anh Hiển thừa nhận nhiều lúc chất hàng cồng kềnh, chở đi cũng thấy nguy hiểm nhưng công việc vẫn phải làm. "Chủ kêu chở thì mình chở, chủ nói có bị bắt thì gọi để xử lý. Nếu không được thì bỏ, mua xe cũ khác chạy tiếp. Xe này rẻ mà, khoảng 1 - 2 triệu là có", anh H. bộc bạch.
Ngày 6-3, V.T.H. (25 tuổi) chạy chiếc xe máy cà tàng một tay lái, tay còn lại vác nhiều thanh sắt buộc thành bó trên quốc lộ 1 (quận Bình Tân, TP.HCM). CSGT đội Phú Lâm yêu cầu dừng xe. Thanh sắt được đo dài đến 6,8m. H. bị phạt 500.000 đồng vì lỗi "xếp hàng hóa trên xe vượt quá giới hạn quy định". H. cũng không xuất trình được giấy phép lái xe, đăng ký xe nên bị lập biên bản 3 lỗi, tổng cộng 2,9 triệu đồng.
H. nài nỉ CSGT bỏ qua lỗi vi phạm vì anh chạy thuê, nếu xe bị phạt thì anh bị trừ lương. Rồi anh gọi chủ xe. Chị chủ giải thích xưởng chuyên sản xuất và bán các thanh sắt để làm cửa, phải giao tận nhà, dùng xe máy cà tàng chở chi phí rẻ hơn: "Thanh sắt cửa dài, dùng xe tải chở sẽ an toàn và không bị phạt. Nhưng chỉ giao lẻ tẻ một, hai thanh sắt mà dùng xe tải chở với giá cao thì khách không chịu".
Xe ba gác chở hàng quá khổ che mất tầm nhìn vẫn lù lù trên đường ở TP.HCM - Ảnh: M.HÒA
Có phải vì nghèo?
Theo câu chuyện của những lái xe, đa số chủ doanh nghiệp có khả năng mua xe ba gác để chở hàng an toàn cũng muốn dùng xe này vì tiện lợi, có thể linh hoạt trong hẻm, giá thành rẻ hơn xe tải nhiều. "Xe tải bị cấm giờ, cấm đường đủ thứ nên chọn sử dụng xe ba gác tiện lợi hơn, lại giảm chi phí", một tài xế lái xe ba gác chia sẻ.
Cũng vì suy tính lợi ích kinh tế nên an toàn bị phớt lờ. Bên cạnh một bộ phận người dân thực sự có thu nhập thấp, không thể chuyển đổi xe mưu sinh thì có không ít chủ các xe dạng này là các chủ cửa hàng kinh doanh. Họ dùng xe cũ nát vì nó mang đến cho họ nhiều lợi nhuận hơn, tiết kiệm được một khoản tiền lớn trong việc mua ba gác mới hoặc xe tải, lỡ có khi bị phạt nặng quá thì... bỏ luôn xe.
Đây chính là nguyên nhân lý giải cho việc dù các ngành chức năng đã nỗ lực đẩy mạnh công tác xử lý nhưng nhiều năm qua những xe này vẫn chạy đầy đường.
Vui chưa lâu đã thấy rầu
Sau giãn cách, TP.HCM cho phép xe ba gác được phép lưu thông chở hàng ở hầu khắp các tuyến đường thành phố. Bao người mừng vui vì thu nhập từ chiếc xe ba gác có thể nuôi sống nhiều nhà sau những tháng khó khăn. Ai không có xe thì có kế sinh nhai từ việc đi chở thuê.
Nhưng niềm vui chưa bao lâu, giờ ra đường ớn nhất là gặp "mấy ông ba gác". Sợ nhất là những chiếc xe không có kính chiếu hậu, tài xế phóng ào ào, người đi xe máy bao phen hốt hoảng phải tấp xe vô lề nhường đường cho những "hung thần mui trần" này.
Đường phố có phần chật hẹp hơn khi xe ba gác được lưu thông nhiều trong khung giờ có đông xe. Sau dịch bệnh, những xe chở hàng nặng, dài, thò đầu ló đuôi dường như ngày càng nhiều hơn trên đường. Và những tình huống rất dễ va quẹt có thể thấy khắp nơi, mỗi ngày.
Tôi chỉ mong mỗi bác tài cầm lái các loại xe ba gác máy chạy cẩn thận hơn trên đường. Mưu sinh cho gia đình mình cũng phải nghĩ đến an toàn của những người cùng lưu thông trên đường. Không cứ vì mình khó khăn, chạy xe thuê rồi được chạy ẩu, chở quá tải, quá khổ. Đây có phải vì nghèo? Hay do còn nhiều người chưa chịu chấp hành luật, vẫn cố làm sai?
Còn nói đến những chủ cửa hàng giao xe cũ nát cho người làm thuê chở hàng đi giao, tôi cho rằng quá ích kỷ. Chẳng may tai nạn xảy ra, do xe hư hỏng hay do chở quá nhiều hàng cũng vậy, bao nhiêu tiền bù cho đủ! Nhiều người chở hàng thuê thuê trên những xe cũ nát đang đánh đu sự an toàn của chính mình (và gia đình mình) trên mỗi cuốc xe khi có thể gặp họa hoặc gây họa bất cứ lúc nào!
Đừng đổ lỗi cho nghèo khó bởi ai, hoàn cảnh nào, đi xe nào hễ ra đường đều phải tuân theo luật pháp. Đó cũng là cách giữ yên ổn cho chính mình để còn mưu sinh an toàn dài lâu. (MINH ĐỨC)
1 tuần, phạt 1.429 xe
Theo thượng tá Đoàn Văn Quới, phó trưởng Phòng PC08 Công an TP.HCM, từ ngày 1 đến 8-3 CSGT TP đã xử phạt 1.429 trường hợp xe chở hàng hóa cồng kềnh. Từ ngày 15-12-2021 đến nay, CSGT TP đã xử phạt 44 trường hợp xe không kiểm định an toàn kỹ thuật, 2.386 trường hợp xe không có gương chiếu hậu, 727 trường hợp xe không có thắng, đèn, còi...
Thông tư số 46/2015/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải quy định xe môtô, xe máy không được xếp hàng hóa, hành lý vượt quá bề rộng mỗi bên 0,3m; vượt quá phía sau 0,5m; chiều cao xếp hàng hóa tính từ mặt đường xe chạy là 1,5m.
Theo một CSGT, các mức phạt khá cao nhưng thực tế người vi phạm sau khi bị xử phạt thường có tâm lý xem nhẹ, bỏ xe không đóng phạt, biết vi phạm vẫn cố tình sử dụng.
TTO - Sở GTVT TP.HCM vừa đề xuất chưa mở rộng khung thời gian cấm xe thô sơ 3, 4 bánh nhưng sẽ siết kiểm tra và xử lý vi phạm đối với những loại xe này nhằm đảm bảo an toàn giao thông.
Xem thêm: mth.581720221302202-am-er-cahk-ex-aum-iht-tab-ib-iv-hnaoh-gnut-gnat-ac-ex/nv.ertiout