Khi chứng kiến lễ tưởng niệm 64 liệt sĩ Gạc Ma hy sinh ngày 14-3-1988 trong những ngày qua với hình ảnh Thủ tướng Phạm Minh Chính đến dâng hương ở Khu tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Cam Lâm (Khánh Hòa), thấy hàng ngàn hoa đăng được đồng đội của các liệt sĩ Gạc Ma thả bồng bềnh trên sóng dọc dài theo bờ biển nước Việt, từ Nha Trang, Phú Yên ra Đà Nẵng, Hà Tĩnh..., tôi chợt nhớ về những hình ảnh khác, trước khi có nhiều những hoạt động nhớ về Gạc Ma như bây giờ.
Đó là hình ảnh một cụ ông ngư dân mái tóc bạc phơ cúi lạy bên mâm cơm của cụ Hoàng Văn Nhỏ với 64 cái bát, 64 đôi đũa cúng vọng trên bãi biển Quảng Bình từ rất nhiều năm trước. Sự tưởng nhớ ở tầm quốc gia còn có nhiều người, truyền đi những thông điệp lớn lao, nhưng với những người cha, người mẹ, người vợ, người con thì nỗi nhớ thương với người ra đi luôn là niềm thao thức vĩnh hằng.
Mâm cơm của cụ Hoàng Văn Nhỏ ở Quảng Bình không chỉ cúng cho người con trai Hoàng Văn Túy, một liệt sĩ Gạc Ma. Nhớ thương người con ruột thịt cũng là nhớ thương 63 đồng đội khác đã hy sinh cùng con mình. Âm thầm mà đau đáu. Có đợt giỗ cụ Nhỏ bày cúng bên bờ biển, có dịp đến ngày giỗ nhưng biển động, cụ bày mâm cơm cúng giữa sân nhà. Chưa năm nào ngày 14-3 khoảng bờ biển trước ngôi nhà của cụ Nhỏ vắng đi làn khói nhang tưởng tiếc.
Trong niềm tưởng vọng Gạc Ma đang lan tỏa rộng khắp hôm nay, tôi hằng tin tất cả đã bắt đầu từ trái tim yêu thương của những người cha người mẹ. Từ mâm cơm nghèo cúng vọng bên biển ấy đã hẹn đến những công viên tưởng niệm bề thế hôm nay ở Cam Lâm, hay những hoa đăng đèn nến trôi dài trên sóng là mạch nguồn tri ân, như sông nhỏ đã góp phần hòa thành biển lớn.
Những bà mẹ của những liệt sĩ Gạc Ma mãi mãi là những ám ảnh khi chúng tôi lần theo những câu chuyện để viết về cuộc đời những người lính anh dũng. Là mẹ Lê Thị Muộn ở Hòa Cường (Đà Nẵng) mấy chục năm nay vẫn giữ chiếc áo hải quân của con mình - liệt sĩ Phan Văn Sự, mỗi khi trời rét mẹ lại mặc chiếc áo đó để gợi chút hơi ấm của đứa con đã mãi mãi nằm lại dưới lòng biển lạnh.
Là mẹ Hà Thị Liên ở Can Lộc (Hà Tĩnh), ngày khánh thành khu tưởng niệm Gạc Ma ở Khánh Hòa, nhìn mẹ gục đầu bên di ảnh con mẹ - liệt sĩ Đào Kim Cương - được tạc trên bức tường, không ai cầm được nước mắt.
Ở Quảng Trị có hai liệt sĩ hy sinh ở Gạc Ma là Hoàng Ánh Đông và Tống Sĩ Bái. Ba của Hoàng Ánh Đông là ông Hoàng Sĩ, và mẹ của Tống Sĩ Bái là cụ bà Hoàng Thị Giỏ. Biết tôi vẫn có những chuyến ra Trường Sa, ông luôn dọ hỏi về việc quy tập hài cốt những người lính đang chìm cùng con tàu HQ 604 ở thềm đảo Gạc Ma.
Thế rồi người cha của liệt sĩ Gạc Ma cũng không chờ được nữa. Ông Sĩ đã mất vào một ngày tháng 3-2013, trước ngày giỗ của con trai mình hai ngày. Cụ bà Hoàng Thị Giỏ cũng mỏi mòn và ra đi cách đây 5 năm, khi mơ ước được vào Khánh Hòa để thắp nhang cho con trai và đồng đội của con nhưng lúc đó đài tưởng niệm Gạc Ma chưa kịp khánh thành.
Những người cha, người mẹ của các liệt sĩ Gạc Ma lần lượt ra đi.
Từ câu chuyện mâm cơm cúng của người cha nghèo bên bờ biển đến hình ảnh những lễ tưởng niệm tri ân liệt sĩ Gạc Ma diễn ra khắp nơi trong những ngày này, tôi vẫn hằng tin trong niềm tưởng niệm tri ân đó có cả chia sẻ với niềm đau từ những trái tim người mẹ.
Và vì vậy, những ngày này, khi ở Ukraine đang vang rền bom đạn, có một câu nói được nhắc lại rất nhiều: "Khi viên đạn xuyên vào một người lính dù thuộc bên nào đi nữa, thực ra nó đã xuyên vào trái tim một người mẹ" (Abraham Lincoln).
Tri ân hôm nay nhưng cũng là nhắc nhở làm sao cho cuộc đời này, thế giới này không người mẹ nào bị viên đạn xuyên qua trái tim của mình nữa.
TTO - Sáng 14-3, lễ tưởng niệm 64 liệt sĩ Gạc Ma đã được tổ chức trọng thể tại thị trấn Thiên Cầm, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh.
Xem thêm: mth.54895558051302202-mit-iart-auq-neyux-nad-neiv-ib-oan-em-iougn-gnohk/nv.ertiout