Người bán đông hơn khách mua
Trung tâm thương mại (TTTM) Sài Gòn Square trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (Q.1) từng là điểm mua bán tấp nập nhưng từ khi có dịch COVID-19, nơi đây vắng hoe khách. Vừa bước vào trung tâm, chúng tôi được hàng chục người bán mời mua hàng.
Chị Kim Anh - kinh doanh quần áo tại đây hơn mười năm - cho biết sức mua giảm đến 90% so với trước khi có dịch COVID-19, hơn 50% số sạp nghỉ bán, treo bảng sang nhượng, cho thuê lại sạp. Tiểu thương ngồi cả ngày cũng chỉ bán được 1-2 món hàng, có ngày không bán được món nào. Đây là tình cảnh chung của hơn 300 hộ kinh doanh tại Sài Gòn Square. Càng vào trong, số sạp trống càng nhiều. Ở mặt tiền, số sạp cũng thưa thớt.
Theo các tiểu thương, giá thuê sạp ở đây rất cao, tùy vị trí dao động từ 18-25 triệu đồng/tháng cho một ô chưa đến 10m2. Nhiều sạp đã thay đổi, trưng bày nhiều hàng hóa hơn để khách dễ chọn mua và không còn nói thách nhiều như trước đây. Quần áo, giày dép, túi xách được treo, chất đầy ắp, giảm giá 50 - 70% nhưng vẫn ế khách. “Tiền bán hàng không đủ để trả tiền thuê sạp, trong khi tiểu thương còn tốn tiền điện, nước, thuế, phí hơn 3 triệu đồng/tháng. Chúng tôi phải bù lỗ hơn một năm nay và chưa biết cầm cự được đến khi nào. Rất mong ban quản lý (BQL) hỗ trợ giảm tiền thuê sạp, chờ sức mua tăng trở lại” - chị Vy, kinh doanh giày dép tại Sài Gòn Square, than thở.
Chợ Bà Chiểu trong khung cảnh vắng khách - Ảnh: N.Cẩm |
Vừa mở cửa lại được 1-2 tháng trước tết sau 5-6 tháng đóng cửa để phòng chống dịch, hiện trung tâm mua sắm Taka trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Q.1 cũng ngưng hoạt động. Một bộ phận tiểu thương chuyển sang trung tâm Sense Market gần đó bán tiếp, nhiều người dọn hàng về nhà bán online để đỡ tiền thuê mặt bằng. Chị Điệp - bán giày dép, túi xách tại Taka - cho biết giá thuê sạp quá cao, nhu cầu mua sắm lại giảm nên tiểu thương liên tục lỗ. Nếu chủ đầu tư không giảm giá mặt bằng thì tiểu thương không thể tiếp tục kinh doanh.
Sức mua ở các chợ truyền thống cũng không khá hơn các TTTM, kể cả những chợ lớn như Bến Thành, Bà Chiểu, Tân Định, An Đông... Trao đổi với chúng tôi, đại diện BQL một chợ tại Q.11 cho biết, chỉ trong sáng 10/3, đã có 60 tiểu thương đòi nghỉ bán, chiếm gần 1/3 tiểu thương trong chợ. Nếu việc buôn bán ế ẩm kéo dài, số tiểu thương đóng sạp nghỉ bán sẽ còn tăng cao.
Tại chợ Rạch Ông (Q.8), khách vắng, nhiều tiểu thương chỉ bán nửa ngày rồi nghỉ. Chị Trúc - bán hàng gia vị ở chợ này - bức xúc vì đóng cửa nghỉ dịch mấy tháng liền, chị vẫn phải đóng đủ các khoản phí, thuế, tiền thuê sạp: “Tôi cố bán tới 19g nhưng mỗi ngày cũng chỉ bán được 500.000-600.000 đồng. Buôn bán ế ẩm vậy mà tiểu thương vẫn phải đóng hơn 1 triệu đồng phí chợ trong các tháng nghỉ bán do dịch. Chúng tôi cũng chưa nhận được đồng nào từ các gói hỗ trợ tiểu thương”.
Nơi được hỗ trợ, nơi không
HĐND, UBND TPHCM đã có chính sách hỗ trợ người dân bị tác động của dịch COVID-19. Tiểu thương một số chợ đã nhận được số tiền hỗ trợ này vào khoảng giữa tháng 8/2021, như tiểu thương chợ Bình Thới (Q.11) nhận được 1.260.000 đồng/người. Ông Đỗ Đức Tiến - Phó BQL chợ Bình Thới - cho biết trong tổng số 373 hộ, chỉ có 12 hộ chưa có mã số thuế nên chưa thể nhận số tiền hỗ trợ trên.
Theo kế hoạch, TPHCM sẽ hỗ trợ trực tiếp bằng tiền cho thương nhân tại chợ truyền thống với điều kiện các hộ này phải có điểm kinh doanh, quầy hàng, sạp hàng, ki-ốt, cửa hàng được bố trí trong phạm vi chợ. Ngoài ra, các hộ này cũng phải có mã số thuế, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính với đơn vị quản lý chợ và nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước. Thế nhưng, nhiều tiểu thương ở chợ Rạch Ông (Q.8) cho biết, họ chưa nhận được tiền hỗ trợ theo chính
sách này.
Bà Lê Ngọc Điệp - Chủ tịch Hội Phụ nữ chợ Rạch Ông - cho biết chỉ có 54/200 tiểu thương của chợ được hỗ trợ tiền do đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định, trong đó tiểu thương phải đóng thuế đủ đến tháng 6/2021. Tiểu thương nào nợ thuế thì không được hỗ trợ. Các hộ kinh doanh đang mong chờ tiền hỗ trợ 3 triệu đồng/hộ theo chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 nhưng đến nay, cả tiểu thương và BQL chợ đều chưa nhận được thông tin gì.
“BQL chợ chỉ hỗ trợ tiểu thương gửi danh sách lên UBND phường, cơ quan thuế. Chúng tôi mong cơ quan nhà nước đẩy nhanh tiến độ hỗ trợ tiểu thương vì tình hình mua bán tại chợ hiện nay rất khó khăn, nhiều bà con không cầm cự nổi. Do ế, nhiều tiểu thương bây giờ chỉ bán một buổi” - bà Ngọc Điệp nói.
Ông Nguyễn Văn Phước - Trưởng BQL chợ Rạch Ông - cho biết BQL chợ đã lập danh sách tiểu thương kèm đầy đủ các giấy tờ theo quy định gửi UBND phường và Chi cục Thuế từ trước tết, nhưng đã qua 4-5 tháng rồi mà chưa nhận được phản hồi gì. Về các khoản phí chợ trong các tháng tiểu thương phải đóng cửa để giãn cách xã hội, ông cho biết, một số tiểu thương để hàng hóa lại sạp, đội ngũ bảo vệ chợ gồm hơn mười người phải trực trông coi nên cần có kinh phí để hoạt động. Tuy nhiên, chỉ một số hộ đóng phí, còn các hộ khó khăn thì không đóng. Nhận thấy sức mua giảm hơn 50% so với trước dịch nên BQL chợ cũng không thu phí trong thời gian nghỉ bán đối với những hộ khó khăn. Cũng theo ông, chợ Rạch Ông do hợp tác xã quản lý, công ty chủ quản phải nộp tiền thầu chợ nên cũng không có chính sách hỗ trợ gì cho tiểu thương.
Trước mong muốn được giảm tiền thuê sạp 30% của tiểu thương Sài Gòn Square, ông Dương Duy Thái - Trưởng BQL TTTM Sài Gòn Square - cho rằng BQL chỉ làm công tác quản lý, còn công ty chủ quản cho thuê sạp, thu tiền theo mức giá thuê quy định. Công ty cũng đã giảm giá thuê sạp 30 - 50% (tùy hộ kinh doanh) trong các tháng đóng cửa phòng, chống dịch COVID-19. Hiện nay, mãi lực quá yếu, hơn 50% hộ trả mặt bằng kinh doanh, sạp để trống kéo dài, công ty cũng mất nguồn thu, khó khăn nên không thể tiếp tục giảm giá thuê sạp.
Ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM - đánh giá kênh phân phối hiện đại gồm TTTM, siêu thị, cửa hàng tiện lợi về cơ bản là hoạt động bình thường. Ở kênh phân phối truyền thống, còn 20 chợ tạm ngưng hoạt động, trong đó đa số đã ngừng từ trước dịch COVID-19. Phần lớn các chợ được đầu tư xây dựng trước năm 1975, khá cũ kỹ, không đáp ứng các tiêu chí mới hiện nay về quản lý chợ và đang cần nâng cấp, sửa chữa; một số chợ nằm trong diện phải di dời.
Theo ông, thời gian qua, kênh chợ truyền thống bộc lộ nhiều hạn chế. Do đó, tới đây, cần tập trung nâng chất lượng, tăng năng lực cạnh tranh cho kênh này. Sở Công Thương tham mưu lãnh đạo UBND TPHCM và được chấp thuận cho phép xây dựng đề án phát triển hệ thống chợ đáp ứng hai mục tiêu: thích ứng với bối cảnh dịch COVID-19 và chuyển đổi số của nền kinh tế. Ông nói: “Hiện nhóm nghiên cứu đã cơ bản hoàn tất nội dung thích ứng với bối cảnh dịch bệnh để giúp các chợ hoạt động. Tới đây, chúng tôi tiếp tục nghiên cứu nội dung chuyển đổi số, nâng cao năng lực cạnh tranh và tiến tới xóa bỏ dần các chợ tự phát”.
Nguyễn Cẩm