"Xin đừng bắt cá"...
Đó là câu nói mà ông Trần Văn Đặng (Năm Đặng) thường xuyên "nài nỉ" những người đi chích điện cá quanh khu vực kênh Thần Nông (ấp Phú Quới, xã Phú Thành, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang ). Đối với ông Năm, đàn cá là một phần trong cuộc sống. "Mình mến tay, mến chân, cho tụi nó ăn mỗi ngày nên thấy thương", ông giải thích.
Khoảng 2 năm trước, trong một lần ông Năm Đặng đang rửa chén dưới mé sông thì bất ngờ phát hiện có nhiều con cá tra bu quanh, thấy vậy ông đã lấy cơm cho chúng ăn.
Dần dần, đàn cá tự nhiên kéo đến ngày một đông, ước chừng khoảng 20 tấn, gồm đủ loại cá: cá mè vinh, cá tra, cá lóc... Tuy nhiên, số lượng đông nhất là cá tra. Người dân quanh khu vực nhà ông Năm Đặng bèn hiếu kỳ đến xem. Để "bảo toàn" đàn cá, ông Năm Đặng đã dựng những cây sào xung quanh lòng kênh, dài 12 mét, rộng 5 mét để những người đi chích điện cá không bắt được.
Đàn cá khu vực nhà ông Năm Đặng
"Ban đầu, tôi phải đi năn nỉ họ. Tôi nói rằng cá này tôi nuôi, để chúng có thể lớn lên, sinh trưởng, bà con người ta đến thăm thú. Tôi chả có lợi nhuận gì từ việc này cả, chỉ có tình thương mà thôi. Thời điểm đầu, họ cũng có bắt lén, nhưng sau bỏ dần. Tính tới thời điểm hiện tại, vợ chồng tôi đã nuôi chúng được 2 năm rồi", ông Đặng chia sẻ
Theo ông Năm Đặng, bất kể con nước ròng hay nước lớn, chúng vẫn quẩn quanh ở khu vực bến sông. Điều đặc biệt, đàn cá này thường được cho "ăn chay". Cứ đúng giờ, nghe tiếng bước chân người là chúng lại nhảy lên lổm nhổm. Mỗi ngày, ông Đặng cho cá ăn dưa leo, khi thì xen kẽ thức ăn.
Ông cho biết: "Nếu hết thức ăn của khách đến tham quan cho, vợ chồng tôi bỏ tiền túi ra. Mấy năm nay, nhờ mọi người thương, có vài chỗ bán rẻ dưa leo cho tôi nên cũng đỡ phần nào chi phí. Khó khăn nhất là trong mùa dịch, không có ai đến thăm quan, chúng tôi đành phải chắt chiu cho đàn cá hơn 20 tấn này, tốn khoảng 1 tấn dưa/1 ngày".
Ông Năm Đặng cho cá ăn
"Tôi gọi đó là một cái duyên"
Với khối lượng thức ăn nói trên, mỗi ngày vợ chồng ông Năm Đặng phải tốn trên dưới 1 triệu đồng tiền thức ăn. Số tiền này khá lớn so với mức thu nhập của hai vợ chồng làm nông. Tuy nhiên, chưa bao giờ ông Năm Đặng nghĩ mình có thể đánh bắt hay khai thác bất cứ thứ gì từ đàn cá này. "Nó đã đến ở với mình thì làm sao mình có thể bắt hay giết nó được, làm vậy tội lắm", ông bộc bạch.
Có thể nói, việc đàn cá hàng nghìn con đến trú ngụ tại nhà ông Đặng là một hiện tượng kỳ lạ. Bởi trước đó, không có bất kì gia đình nào quanh khu vực này bị vỡ ao cá. Tức, đàn cá trên hoàn toàn là đàn cá tự nhiên. Kênh Thần Nông có chiều rộng hơn 30 mét. Dọc bờ kênh, có rất nhiều nhà người dân nhưng đàn cá chỉ quẩn quanh ở khu vực bến nhà ông Năm Đặng.
Khu vực bến sông nhà ông Đăng
"Tôi gọi đó là một cái duyên. Lúc đầu mới nuôi, người ta lại bảo rằng "ông có phải đại gia không mà nuôi cá của trời thế kia". Tôi đã đi được quãng đường 2 năm, dù gia đình không khá giả gì. Tất cả là nhờ sự ủng hộ, yêu thương của bà con. Họ không nỡ đánh bắt cá, lại còn bán thức ăn giá rẻ cho tôi. Cái nào khó khăn vượt qua được thì mừng, mình cố gìn giữ được ngày nào hay ngày đó", ông Đặng nói.
Từ 5 giờ sáng, vợ chồng ông Năm Đặng đã thức dậy để chuẩn bị thức ăn cho cá. Việc làm này kéo dài đều đặn từ năm này qua tháng nọ, chẳng bao giờ cả hai thấy phiền hà hay nao núng.
Hiện tại, chính quyền địa phương cũng đã chỉ đạo lực lượng công an hỗ trợ ông Đặng bảo vệ đàn cá tự nhiên.
https://soha.vn/ky-la-dan-ca-tra-hon-20-tan-do-ve-ken-dac-quanh-can-nha-o-an-giang-cong-an-ho-tro-bao-ve-20220314190745309.htmTheo Lan Chi
Doanh nghiệp và Tiếp Thị