Nhiều ngày nay, trước sự biến động của xăng dầu, nhiều doanh nghiệp vận tải tuyến cố định buộc phải tăng giá cước vận chuyển để cân đối thu chi và cầm cự.
Không chỉ vậy, không ít doanh nghiệp vận tải buộc phải cắt giảm chuyến để giảm thua lỗ. Đơn cử như tuyến vận tải hành khách TP.HCM – Nha Trang cũng phải cắt giảm 40% số chuyến đề giảm lỗ.
Tài xế công nghệ cũng chịu áp lực khi giá xăng dầu tăng cao.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp vẫn đang cân đo đong đếm trước khi tăng giá cước. Bởi nếu tăng giá thì mất khách, còn không tăng thì doanh nghiệp chịu cảnh thua lỗ.
Về phía tài xế các hãng công nghệ, một lượng lớn tài xế đã chủ động tắt ứng dụng (app) vì họ cho rằng có chạy cũng như không. Bên cạnh đó, không ít tài xế chọn cuốc xa, chọn giờ cao điểm để chạy hoặc tới khu trung tâm đông người để có nhiều khách hơn.
Anh Nguyễn Văn Hạnh, tài xế Grab cho biết mặc dù Grab đã tăng giá song mức tăng không nhiều và cũng không làm tăng thu nhập của tài xế. Không chỉ vậy, giá cước trên chỉ tính từ điểm đón, còn đoạn đường tài xế đi “tìm khách” thì không được tính nên gần như tài xế chỉ chạy cầm chừng.
“Chỉ khi nào giá xăng dầu ổn định thì tài xế mới thực sự có lợi nhuận” - anh Hạnh nói.
Sự bất lực của cánh tài xế còn được thể hiện trên các hội nhóm xe công nghệ. Nhiều tài xế đã đăng bài kêu gọi cộng đồng tài xế cùng tắt ứng dụng, ngừng đón khách để phần nào gây áp lực với các đơn vị vận hành. Từ đó, giảm mức chiết khấu mà tài xế phải đóng và khách hàng giảm chi phí đi lại, tài xế cũng có thêm thu nhập.
Anh Nguyễn Văn Tuấn, một tài xế công nghệ chia sẻ: "Xăng tăng, giá cước vận tải được điều chỉnh thì thu nhập tài xế cũng tăng. Tuy nhiên, việc tăng thu nhập cho tài xế là không nhiều. Hơn nữa, giá cước xe công nghệ sẽ tiệm cận với taxi, lúc này xe công nghệ cũng phải chia khách với taxi truyền thống. Phương án đưa ra là doanh nghiệp cần giảm chiết khấu để hỗ trợ đối tác tài xế."
Be chọn phương án giảm chiết khấu để hỗ trợ tài xế. Ảnh: CTV.
Trước biến động về giá xăng, hãng xe công nghệ - Grab Việt Nam đã thông báo tăng giá cước ở tất cả các dịch vụ để tài xế giảm thiệt hại và có thêm thu nhập. Hãng này cũng đã tăng giá thêm 2.000 đồng/km đối với nhiều dịch vụ.
Trong khi đó, phía Gojek Việt Nam thông báo hiện chưa có kế hoạch điều chỉnh chính sách giá liên quan đến việc tăng giá xăng dầu. Gojek tiếp tục theo dõi và đưa ra các chính sách phù hợp.
Tương tự, trao đổi với PV PLO, Ứng dụng Be khẳng định đơn vị sẽ không tăng giá tất cả các sản phẩm, dịch vụ để góp phần chung tay vào công tác bình ổn giá sau đại dịch và hỗ trợ các khách hàng của Be.
Hoạt động này nhằm phần nào đảm bảo đời sống, chia sẻ khó khăn với tài xế trong giai đoạn phục hồi kinh tế, chi phí tăng cao như hiện nay.
Hãng xe thông tin trong năm nay Be sẽ ra mắt phát triển nhiều sản phẩm, dịch vụ mới bao gồm dịch vụ giao đồ ăn tại Hà Nội và TP.HCM.