Những bức ảnh sành điệu của người mẫu chân dài và giày cao gót giờ đã nhường chỗ cho những lời kêu gọi hành động, quyên góp và hình ảnh giản dị của những người thợ đóng giày trong bộ quần áo rộng thùng thình. Công ty này đang hợp tác với các cửa hàng khác để sản xuất 1.000 đôi bốt cho binh lính mỗi tuần.
"Đối với bốt quân đội, bạn cần loại da thật dày", Alina Ocheretiana - chủ công ty này cho biết. Cô sử dụng loại da dành cho giày cao cổ phụ nữ để may. Mỗi công ty sản xuất một bộ phận. Còn công ty cô sẽ chịu trách nhiệm ráp lại thành sản phẩm hoàn chỉnh.
Sản phẩm của họ sẽ được chuyển đi toàn quốc để đến tay Lực lượng Phòng vệ Lãnh thổ Ukraine. Lực lượng này gửi đơn đặt hàng qua tin nhắn riêng trên Instagram. Nhờ huy động vốn từ cộng đồng, Kacharovska có thể tiếp tục trả lương cho công nhân của mình, đồng thời cung cấp giày miễn phí.
Kiểu sản xuất ứng biến này đang hiện diện trên khắp Ukraine. Dù vậy, nền kinh tế thời chiến tại Ukraine đến nay đặc trưng bởi các sáng kiến manh mún cấp cơ sở, hơn là kế hoạch tập trung của chính phủ.
Giới chức Ukraine đang chuẩn bị định hình lại xã hội, bao gồm cả kế hoạch sản xuất. "Kinh tế thời chiến liên quan đến việc lập kế hoạch chính xác những gì cần thiết", Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal cho biết.
Nền kinh tế này hiện có 3 nhu cầu nổi bật. Đầu tiên là vượt qua cú sốc ban đầu của chiến sự. Ngân hàng trung ương Ukraine cho biết GDP nước này giảm nửa trong những ngày đầu tiên Nga mở chiến dịch quân sự. Nguyên nhân là nhiều người đã bỏ việc để rời đi, chiến đấu hoặc chăm sóc người thân. Chính phủ giờ muốn công dân quay lại hoạt động kinh tế. "Nếu bạn buộc phải sơ tán, hãy tìm một công việc ở nơi mới", Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksiy Reznikov cho biết.
Nhu cầu thứ hai là phục vụ cho những nơi có xung đột. Một lãnh đạo ngân hàng lớn của Ukraine nói rằng mỗi sáng, ban giám đốc sẽ quyết định xem chi nhánh nào có thể mở cửa hoạt động an toàn ngày hôm đó. Thường là một phần tư số chi nhánh sẽ không mở cửa. Khi có tên lửa bay qua, các công ty và công nhân sẽ ở bên trong trụ sở.
Đối với các công ty phải vận chuyển nhiên liệu, rủi ro thậm chí lớn hơn nhiều. "Khi bạn không biết cuộc đụng độ tiếp theo sẽ là ở đâu đâu mà lại đang kéo một thùng xăng khổng lồ, điều đó giống như lái một quả bom vậy", một CEO trong ngành cho biết.
Khó khăn nhất là sự hỗn loạn ở các thị trấn bị lực lượng Nga bao vây hoặc đã chiếm được, như Mariupol. Nguồn cung nhu yếu phẩm đang bị gián đoạn. Yuriy Vitrenko, Giám đốc điều hành công ty dầu khí quốc doanh Naftogaz cho biết công nhân của họ đang cố gắng sửa chữa cơ sở hạ tầng bị hư hại sau trận chiến. Họ đã phải buộc đóng cửa 16 trạm phân phối khí đốt kể từ ngày 6/3.
Nhu cầu thứ ba là hỗ trợ cuộc di cư và cả quay về của hàng triệu người Ukraine. Lượng thực phẩm và nhiên liệu cần chuẩn bị dọc theo các tuyến đường đưa họ đến nơi an toàn là rất lớn. Các kệ hàng trống trơn là hình ảnh quen thuộc ở những thành phố như Lviv, miền tây Ukraine. Những người tình nguyện cung cấp súp và bánh mì làm sẵn từ biên giới đã giúp giảm tình trạng thiếu hụt.
Ngoài khó khăn khi duy trì hoạt động, các công ty Ukraine còn phải chia sẻ nguồn lực cho quân đội. Các ngân hàng đã bàn giao hầu hết phương tiện bọc thép mà họ thường sử dụng để chuyển tiền mặt. Một phần lớn nguồn cung cấp nhiên liệu cũng được ưu tiên sử dụng cho các mục đích quân sự. Tài xế xe tải rất khan hiếm vì nhiều người nghỉ việc. Các nhà sản xuất thực phẩm cũng đang chật vật tiếp tế đồ cho binh lính.
Tuy nhiên, nhiều siêu thị và cửa hàng vẫn tiếp tục bổ sung hàng hóa qua đêm. Các ngân hàng vẫn đang hoạt động trơn tru nhờ gần một thập kỷ cải cách. Lương làm việc và lương hưu vẫn được chi trả.
Các cửa hàng được khuyến khích thanh toán bằng thẻ thay vì tiền mặt, vì tiền mặt mất công vận chuyển. Các ngân hàng lớn của Ukraine đã nhanh chóng triển khai một kế hoạch mới, cho phép khách hàng thanh toán bằng thẻ tại các cửa hàng có thể rút tới 6.000 hryvnia (200 USD) tiền mặt cùng một lúc, với hy vọng giảm lượng tiền mặt mà các nhà bán lẻ cần chuyển đến kho tiền của họ.
KLO - chuỗi trạm xăng dầu nổi tiếng ở Kyiv vẫn có thể nhập khẩu xăng dầu từ các nước EU mà không gặp quá nhiều khó khăn. Nhu cầu cũng giảm, vì rất nhiều hoạt động bình thường đã ngừng lại. Các công ty mới một tháng trước là đối thủ gay gắt thì nay lại chia sẻ nhiên liệu và nhân viên với nhau.
Ngành nông nghiệp cũng đang bị ảnh hưởng. Chi phí phân bón và thuốc trừ sâu tăng cao có thể ảnh hưởng đến mùa gieo hạt tiếp theo, sẽ bắt đầu vào cuối tháng này. MHP, nhà sản xuất gia cầm lớn nhất nước này lo lắng vì nguồn cung phụ gia thức ăn cho gà bị gián đoạn.
Nhiều công ty đang yêu cầu chính phủ giúp đỡ vì chi phí ngày càng tăng. Ngày 8/3, giới chức Ukraine cấm xuất khẩu muối, đường, thịt và lúa mì để giúp tăng nguồn cung cho các cửa hàng địa phương. Chính phủ cũng áp các biện pháp kiểm soát giá hàng thiết yếu. Họ cũng thành lập các cơ quan để xem xét kỹ lưỡng biến động giá. Một Trung tâm Điều phối Thực phẩm, Thuốc, Nước và Nhiên liệu được lập để theo dõi việc cung cấp những nhu yếu phẩm này.
Chính phủ Ukraine cũng cần đảm bảo khả năng nuôi sống chính bộ máy của mình. Họ điều phối các quỹ, vay từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và những tổ chức khác, cũng như phát hành trái phiếu thời chiến. Trái phiếu đầu tiên loại này được phát hành vào ngày 1/3 với lợi suất 11%. Chính phủ cũng đăng trực tuyến địa chỉ các ví tiền điện tử khác nhau của mình, từ Bitcoin đến Dogecoin, để kêu gọi quyên góp ẩn danh. Việc bán NFT theo chủ đề quân sự để tăng cường nguồn tiền cho quân đội cũng đang được tiến hành.
Ngoài ra, chính phủ Ukraine còn đối mặt nhiều chi phí mới khác, như khoản thanh toán 6.500 hryvnia (215 USD) cho tất cả công nhân bị mất việc làm do cuộc xung đột. Họ cũng đang cố gắng duy trì nền kinh tế bằng cách nới lỏng các hạn chế. Mua thuốc nay không cần đơn trong hầu hết các trường hợp. Tthuế hải quan đã được hoãn, cho phép thực phẩm và nhiên liệu nhập cảnh vào đất nước nhanh chóng và rẻ hơn.
Nền kinh tế thời chiến này được dự báo còn kéo dài. Khi giao tranh mở rộng, việc duy trì hoạt động sẽ trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Nhưng đến nay, chính phủ và doanh nghiệp Ukraine vẫn đang hợp tác khá chặt chẽ dể làm được điều này.
Phiên An (theo The Economist)