vĐồng tin tức tài chính 365

Châu Âu trước khủng hoảng người tị nạn

2022-03-18 08:50
Châu Âu trước khủng hoảng người tị nạn - Ảnh 1.

Người tị nạn từ Ukraine vừa xuống tới ga tàu ở Zahony, một thị trấn nhỏ thuộc miền đông Hungary, gần biên giới với Ukraine (ảnh chụp ngày 10-3) - Ảnh: New York Times

Tính tới ngày 16-3, đã có hơn 3 triệu người Ukraine sơ tán khỏi đất nước, phần lớn tới Ba Lan, và con số này vẫn tăng khi người dân ở Kiev cố tháo chạy trước khi nơi đây áp dụng lệnh giới nghiêm 35 giờ. Thành phố Berlin đã đón khoảng 10.000 người mỗi ngày, tới nay số người tị nạn tại đây đã là 150.000. Xa xôi như Thụy Điển cũng có 4.000 người đến mỗi ngày.

Những đạo luật đặc biệt

Hôm 3-3, Ủy ban châu Âu thông qua chỉ thị khẩn cấp cho phép người tị nạn Ukraine được đối xử bình đẳng như công dân Liên minh châu Âu (EU), được sống và làm việc trong khối tối đa 3 năm. Họ được phép vào EU mà không cần thị thực và được chọn đến quốc gia nào muốn tới. Điều này khác với quy định của EU lâu nay là lẽ ra họ phải xin tị nạn tại quốc gia thành viên nơi đầu tiên nhập cảnh.

Các nước Ba Lan, Hungary, Slovenia, có chung biên giới với Ukraine, đều mở rộng cửa đón người tị nạn. Ước tính có khoảng 1 - 2 triệu người Ukraine đã sống ở Ba Lan, nhiều người đã đến từ năm 2014.

Ngày 16-3 Quốc hội Đan Mạch đã thông qua đạo luật đặc biệt là "đạo luật Ukraine" do Bộ trưởng Bộ Người nước ngoài và hội nhập Mattias Tesfaye đệ trình vì Đan Mạch không áp dụng đạo luật chung của EU về người tị nạn.

Theo đó, người từ Ukraine sẽ không phải trải qua quy trình tị nạn hiện nay của Đan Mạch mà có thể nhanh chóng nhận được giấy phép cư trú và làm việc trong 2 năm, được nhận các phúc lợi xã hội và trẻ em được đi học ngay.

Theo ông Tesfaye, châu Âu đang ở trong một "hoàn cảnh lịch sử" và đạo luật này là "tín hiệu quan trọng gửi tới những người Ukraine đã ở lại chiến đấu rằng thân nhân của họ đang ở trong một môi trường an toàn và ổn định, và họ sẽ nhanh chóng hòa nhập vào xã hội Đan Mạch".

Vì sao khác biệt?

Thái độ ứng xử của châu Âu với người tị nạn Ukraine trái ngược với lập trường của một số nước đối với những người di cư đến từ những nước khác thời gian qua.

Trong các năm 2015 và 2016, trước làn sóng di cư đổ vào châu Âu, trong đó có nhiều người từ Syria và Iraq, ngoài Đức đã tiếp nhận 1 triệu người, Brussels đã phân bổ chỉ tiêu tiếp nhận cho các nước trong EU.

Nhưng không phải mọi thành viên đều sẵn sàng nhận chỉ tiêu đó, lý do là đang khó khăn kinh tế, lo cho dân trong nước còn chưa xong. Cuối năm 2021, hàng trăm người Iraq, Syria, Afghanistan và một số nước khác mắc kẹt tại biên giới giữa Belarus và Ba Lan khi tìm cách vào Tây Âu qua Belarus. Trước khi nổ ra cuộc chiến Nga - Ukraine, Thủ tướng Hungary Viktor Orbán tuyên bố Hungary tiếp tục duy trì chính sách nhập cư "không cho bất cứ ai vào"...

Sự khác biệt trong đối xử này có lẽ trước tiên vì những người Ukraine tháo chạy là do chiến tranh. Về vấn đề tị nạn do chiến tranh thì các nước châu Âu vẫn áp dụng Công ước của Liên Hiệp Quốc về người tị nạn năm 1951, tức là sau Thế chiến 2, nhằm áp dụng cho những người tị nạn tạm thời do chiến tranh tại châu Âu. 

Điều này có nghĩa họ chỉ sống tại một quốc gia khác một thời gian, sau đó trở lại quê nhà khi hòa bình lập lại. Đơn cử như những năm 1950, Đan Mạch đã nhận hơn 260.000 người Đức, hầu hết đã quay về nước vài năm sau đó.

Sau khi Công ước 1951 được thông qua, các tình huống tị nạn bắt đầu phát sinh. Điều này dẫn tới việc Liên Hiệp Quốc muốn Công ước 1951 trở thành công cụ quốc tế chung cho người tị nạn và đưa tới nghị định thư về người tị nạn của Liên Hiệp Quốc năm 1967. Tới nay 114 quốc gia trên thế giới đã trở thành thành viên của Công ước 1951 và/hoặc nghị định thư năm 1967.

Khác với Iraq, Afghanistan, Somalia..., Ukraine là một phần của châu Âu. Những quốc gia như Ba Lan, Hungary, Romania, dễ thấy ở Ukraine những điểm tương đồng với những gì họ đã phải trải qua và chịu đựng trong Thế chiến 2. Hơn thế nữa, người dân Ukraine tháo chạy là do chiến tranh, không phải vì lý do kinh tế. Họ cũng không đem lại nỗi lo về nạn khủng bố hay cuồng tín cực đoan.

Đầu tuần này, Thủ tướng Bulgaria Kiril Petkov đã nói về sự khác biệt giữa những người tị nạn Ukraine và những người tị nạn khác: "Đây không phải là làn sóng tị nạn mà chúng tôi đã quen thuộc, những người mà chúng tôi không chắc chắn về danh tính của họ, những người có quá khứ không rõ ràng, thậm chí có thể là những kẻ khủng bố...".

Tuy nhiên vẫn có những ý kiến so sánh sự đối xử của các chính phủ EU với người Ukraine và người nước khác. Nghị sĩ Rosa Lund, thuộc Đảng Danh sách hợp nhất của Đan Mạch, cho rằng cần sửa đổi luật nhập cư hiện hành của Đan Mạch để cấp quyền tị nạn cho tất cả những người cần được bảo vệ. Theo bà, một người tị nạn là một người tị nạn và nhu cầu được bảo vệ không dành riêng cho một số quốc gia hay một dân tộc cụ thể nào.

Đàm phán hòa bình Nga - Ukraine tiếp diễn

Ngày 17-3, Bộ Ngoại giao Nga cho biết cuộc đàm phán với Ukraine vẫn diễn ra theo hình thức trực tuyến và tập trung vào vấn đề quân sự, chính trị, nhân đạo. Một trong những thỏa thuận đầu tiên là việc hai bên nhất trí cùng đảm bảo an ninh tại nhà máy hạt nhân Chernobyl, theo Hãng tin Sputnik.

Trước đó đã có những thông tin trái chiều từ bàn đàm phán khi Ukraine nói Nga đề xuất mô hình trung lập như Áo, Thụy Điển nhưng nước này từ chối. Tuy nhiên nhà đàm phán Vladimir Medinsky của Nga lại nói đây chính là đề xuất từ Kiev. Hãng tin Tass dẫn lời ông Medinsky cho biết hiện đã có một quy chế trung lập cho Ukraine và đó cũng là điều kiện khi nước này rời liên bang Xô Viết cũ năm 1991.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nhấn mạnh chiến dịch quân sự của nước này không nhắm vào dân thường cũng không nhằm chiếm Ukraine hay lật đổ chính quyền Kiev. Nga cũng thông báo đã trả nợ trái phiếu chính phủ, tránh nguy cơ vỡ nợ.

TRẦN PHƯƠNG

Nga đón gần 260.000 người tị nạn Ukraine

bai anh cua Nga

Chị Vera Pavlova (phải) và mẹ chị, các cư dân của làng Khryashchevatoe gần Lugansk, đang được bố trí ở tạm tại căn hộ ở Nga của bà Valentina Borovik - Ảnh: RG

Theo Hãng tin RBC (Nga), ngày 14-3, kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt, Nga đã đón gần 260.000 người tị nạn Ukraine, trong đó có 56.000 trẻ em. Theo người đứng đầu Trung tâm Kiểm soát phòng vệ quốc gia Nga Mikhail Mizintsev, kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt (24-2) đến nay, có 2.678.069 công dân Ukraine từ gần 2.000 điểm dân cư đã nộp đơn xin sơ tán tới Nga.

Tuy nhiên, việc sơ tán thường dân Ukraine sang Nga gặp khó khăn bởi "các yêu cầu bảo đảm hành lang nhân đạo không được phía Ukraine tuân thủ". Chẳng hạn, gần đây nhất, ngày 16-3, theo trang Vesti.ru, "lính Ukraine đã bắn vào các xe buýt chở người tị nạn chạy theo hành lang Kharkiv về Nga làm bốn người chết và một số bị thương".

Theo Hãng tin TASS, ngày 18-2, theo chỉ thị của Tổng thống Vladimir Putin, mỗi người tị nạn Donbass vào Nga được cấp 10.000 rúp (95 USD). Quỹ của tỉnh Rostov nằm ở biên giới Nga - Donbass đã nhận được 5 tỉ rúp (47,5 triệu USD) trợ cấp này.

Hiện có 30 khu vực của Nga mở cửa đón người tị nạn Ukraine, trong đó có cả bán đảo Crimea và thủ phủ Sevastopol. Đặc biệt, một số trường phổ thông trung học Nga tại 30 khu vực nêu trên cũng mở cửa đón nhận các trẻ em di tản từ Ukraine vào nhập học.

Kênh truyền hình phát thanh Don-tr ngày 21-2 dẫn lời người đứng đầu Sở giáo dục Rostov Andrey Fateev cho biết: "Các học sinh mới sẽ học cùng các lớp, cùng các chương trình giống nhau, chỉ có điều các em phải điều chỉnh đôi chút. Riêng việc ghi danh vào đại học với các cư dân di tản khỏi Lugansk và Donetsk, các quy tắc ghi danh vẫn giữ nguyên đối với tất cả sinh viên".

TƯỜNG ANH

Thư từ trại tị nạn ở Đức: Mong hòa bình lập lạiThư từ trại tị nạn ở Đức: Mong hòa bình lập lại

TTO - Dù không muốn rời Kiev nhưng chúng tôi buộc phải đi sơ tán vì thủ đô bị bắn phá, không có điện nước, không có gas để sưởi ấm. Ngày 3-3, chúng tôi thuê ôtô để đi đón tàu sang biên giới Ba Lan.

Xem thêm: mth.58170537081302202-nan-it-iougn-gnaoh-gnuhk-court-ua-uahc/nv.ertiout

Comments:0 | Tags:No Tag

“Châu Âu trước khủng hoảng người tị nạn”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools