Tọa đàm thu hút rất nhiều ý kiến, tham luận của các chuyên gia về logistics, cảng biển, doanh nghiệp... Đây sẽ là tư liệu để VCCI đưa vào báo cáo thường niên năm 2022 - Ảnh: SƠN LÂM
Hình thành vùng logistics để phát triển cảng biển ĐBSCL
Tham luận của các chuyên gia trình bày tại tọa đàm "Phát triển cảng biển và logistics Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)" ngày 18-3 cho thấy dù ĐBSCL có nhiều lợi thế và tiềm năng to lớn, có tổng chiều dài đường thủy lên đến hơn 14.800km nhưng hệ thống logistics hiện vẫn chưa thể phục vụ cho hàng hóa trong vùng.
Các doanh nghiệp logistics hoạt động tại ĐBSCL mới chỉ dừng lại ở việc giao nhận vận tải, cho thuê kho bãi, làm thủ tục hải quan, vận chuyển nội địa, gom hàng lẻ chứ chưa thể tích hợp, tổ chức và liên kết các hoạt động trong chuỗi logistics. Do đó, việc phát triển cảng biển cần được phát triển hơn nữa để nâng tầm hệ thống logistics của ĐBSCL, góp phần chung cho việc phát triển toàn vùng.
Ông Nguyễn Chí Hùng - trưởng phòng kế hoạch đầu tư Cục Hàng hải Việt Nam - cho rằng điểm mạnh để phát triển cảng biển ĐBSCL là nhu cầu hàng hóa thông qua lớn, đặc biệt các sản phẩm nông nghiệp, thủy sản, than, quặng cho các dự án nhiệt điện. Bên cạnh đó, nhiều danh lam thắng cảnh tạo ra tiềm năng du lịch biển đảo, có lợi thế về kết nối giao thông thủy và nguồn lao động dồi dào.
Tuy nhiên, còn điểm yếu là cảng biển nằm sâu trong sông, luồng hàng hải hạn chế, tiếp nhận tàu nhỏ, trong khi xu thế đội tàu ngày càng tăng về kích cỡ, hệ thống cảng biển phân tán. Hệ thống cản cạn, trung tâm logistics, khu công nghiệp chưa hoàn thiện. Năng lực vận tải của mạng giao thông kết nối chưa cao, nguồn nhân lực chất lượng còn thiếu…
Theo ông Nguyễn Duy Minh - tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics, cách đây 200 năm, nhà Nguyễn đã có một "quy hoạch logistics về vùng" và đề xuất nên thiết lập một kho hàng container chuẩn trong hệ thống khai thác của hãng tàu cho khu vực ĐBSCL để có địa điểm tập kết container rỗng, qua đó khuyến khích vận tải thủy.
Hệ thống kho lạnh tại cảng quốc tế Long An là tiền đề cho việc liên kết mạng lưới "bus container" đường thủy - Ảnh: VĨNH HẢO
"Bus container" đường thủy sẽ giảm nhiều chi phí logistics
Tại buổi tọa đàm, ông Võ Quốc Thắng - chủ tịch hội đồng quản trị Đồng Tâm Group - giới thiệu về tiềm năng của cảng quốc tế Long An và giới thiệu về mạng lưới "bus container" mà ông Thắng đang dự kiến triển khai.
"Từ cảng quốc tế Long An, chúng ta sẽ có các sà lan, các chuyến tàu liên kết mật thiết với các cảng khác từ Mỹ Tho, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Cao Lãnh, Hồng Ngự, Long Xuyên cho đến cảng Ngã Bảy… Mô hình chung là các cảng đều nhận hàng và liên kết với nhau, khách hàng khắp nơi đều có thể gửi hàng ở các cảng để chuyển về một đầu mối.
Các cảng liên kết với nhau theo từng chuyến vận chuyển cố định hằng ngày như mô hình xe bus, thì khi đó sẽ phát huy được tối đa hiệu quả của các cảng trong vùng", ông Thắng trình bày và cho biết hiện cảng quốc tế Long An cũng đang phát triển hệ thống kho lạnh và đang được rất nhiều khách hàng đánh giá cao.
Theo ông Thắng, việc phát triển hệ thống kho lạnh tại cảng hiện nay sẽ là tiền đề để có thể liên kết mạng lưới "bus container". Mô hình này được nhiều người tham dự quan tâm, hay nói như ông Trần Đỗ Liêm - chủ tịch Hội Vận tải đường thủy nội địa Việt Nam, "hoàn toàn có thể hiện thực hóa nếu các đội tàu chở container phát triển hơn nữa".
TTO - "Tàu buýt container với bến đỗ là cảng quốc tế Long An" là mô hình mới được xây dựng đề án với hy vọng đưa Long An trở thành trung tâm logistics quan trọng trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.