Chiều 15-3, nhiều báo đưa tin, Tổng cục Du lịch công bố chính thức mở cửa lại hoạt động du lịch trong tình hình mới. Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh, từ 15-3, Việt Nam chính thức mở cửa du lịch ở cả đường bộ, đường biển, đường sắt, đường không, tại tất cả các cửa khẩu.
Ông Nguyễn Trùng Khánh cho biết không hạn chế bất cứ hoạt động du lịch nào đối với khách du lịch nội địa - Nguồn: Người lao động
Trước chính sách mở cửa du lịch của Chính phủ, Thanh Hoá là một trong những địa phương đi đầu đã có sự chuẩn bị sẵn sàng.
Theo cổng thông tin điện tử tỉnh Thanh Hoá, ngày 22/02 mới đây UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 688/QĐ-UBND về việc công nhận biểu trưng (logo) và khẩu hiệu (slogan) du lịch tỉnh.
Chiều 11/3, tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức công bố logo và slogan, phát động chương trình kích cầu du lịch năm 2022 và đón khách quốc tế đến Thanh Hóa.
Nguồn: Báo Thanh Hoá
Logo du lịch mới của tỉnh Thanh Hoá được thiết kế sinh động hơn với điểm nhấn chính là biểu tượng thành nhà Hồ - hình ảnh mang ý nghĩa về nét văn hóa, du lịch và sự kiện của tỉnh Thanh Hóa. Năm 2011, thành nhà Hồ được UNESCO công nhận là Di sản văn hoá thế giới, trở thành niềm tự hào của người dân xứ Thanh.
Phía trên của logo vẫn giữ hình ảnh Hòn Trống Mái được thiết kế cách điệu mang tính kế thừa từ logo du lịch Thanh Hoá sử dụng thời gian qua.
Nguồn: Cổng thông tin điện tử tỉnh Thanh Hoá
Với kế hoạch khôi phục du lịch trở lại, tỉnh Thanh Hóa đã đặt ra mục tiêu đón 10 triệu lượt khách trong năm 2022, tổng thu du lịch đạt 17.920 tỷ đồng.
Sau 2 năm trầm lắng vì dịch Covid, mới đây thành phố Sầm Sơn tổ chức Lễ hội tình yêu hòn Trống Mái và một loạt sự kiện để khởi động du lịch năm 2022.
Theo Vnexpress đưa tin, đại diện UBND thành phố Sầm Sơn cho biết lễ hội sẽ diễn ra từ 7 đến 14/4 nhằm tôn vinh các giá trị văn hóa lịch sử, góp phần giáo dục truyền thống, tình yêu lứa đôi, hạnh phúc gia đình và đẩy mạnh quảng bá hình ảnh du lịch Sầm Sơn tới du khách trong và ngoài nước.
Tại khu vực hòn Trống Mái, ban tổ chức sẽ triển khai nhiều hoạt động như hội thi hát về tình yêu, hội thi mâm cơm gia đình, hội trại tình yêu... Đây là năm thứ hai Sầm Sơn tổ chức lễ hội, sau lần đầu năm 2019.
Hòn Trống Mái - địa điểm check in "quốc dân" của tuổi thơ 8x, 9x khi đi du lịch Sầm Sơn - Ảnh internet
Ngoài Lễ hội tình yêu là điểm nhấn đầu mùa du lịch, năm nay thành phố cũng tổ chức lễ hội du lịch biển chủ đề "Sầm Sơn cất cánh" với một loạt sự kiện xuyên suốt như lễ hội thả diều lần đầu tiên; chương trình nghệ thuật thứ 7 hàng tuần; lễ hội đường phố, hội cầu ngư bơi chải, diễu hành.
Năm 2022, thành phố Sầm Sơn đặt mục tiêu đón 3,5 triệu lượt khách, doanh thu du lịch dự kiến khoảng 3.150 tỷ đồng.
Ngoài Sầm Sơn vốn đã quá quen thuộc với du khách gần xa, Thanh Hoá còn nhiều địa điểm du lịch có tiếng khác như biển Hải Tiến, suối cá thần Cẩm Lương,... Ngoài ra, thời gian gần đây Thanh Hoá còn nổi lên 1 địa điểm du lịch sinh thái ở Pù Luông, thuộc Bản Đôn, xã Thanh Lâm, huyện Bá Thước được nhiều người yêu thích.
Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông cách thành phố Thanh Hóa 130 km về phía Tây Bắc, nơi đây cuốn hút khách du lịch bởi không khí trong lành, cảnh vật hoang sơ với những dải ruộng bậc thang, những cánh rừng đại ngàn xen lẫn núi non trập trùng cùng dòng suối mát lành uốn lượn.
Biển mây cuộn tròn những nương lúa ban sớm - Ảnh internet
View từ một homestay ở Pù Luông - Ảnh internet
Trọng Nghĩa
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị