Tại buổi làm việc mới đây với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý tỉnh cần chú trọng tiếp tục cụ thể hóa, triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết "Về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045".
Thanh Hoá cần đẩy nhanh việc cụ thể hóa và triển khai các cơ chế, chính sách đặc thù theo Nghị quyết số 37/2021/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh.
Theo báo cáo của tỉnh, 2 tháng đầu năm 2022, các hoạt động kinh tế tiếp tục duy trì ổn định và phát triển; sản xuất nông nghiệp đạt kết quả tích cực; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 13,2% so với cùng kỳ.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 11,3%; giá trị xuất khẩu đạt 844,9 triệu USD, tăng 33,3%; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 8.062 tỷ đồng, bằng 29% dự toán, tăng 81%.
Thanh Hóa đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho 15 dự án (3 dự án FDI), với tổng vốn đăng ký 861,8 tỷ đồng và 21 triệu USD, tăng 71,4% về số dự án và gấp 2,8 lần về vốn đăng ký so với cùng kỳ.
Thanh Hoá cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành "tứ giác phát triển" ở phía Bắc
Trong buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh yêu cầu thực hiện sáng tạo, hiệu quả chính sách đặc thù trong cả thu ngân sách, không chỉ chú trọng thực hiện chi ngân sách, phải đặt người dân, doanh nghiệp vào trung tâm của việc thực hiện các chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, tỉnh cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng và triển khai hiệu quả quy hoạch tỉnh Thanh Hóa phù hợp với quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ.
Trong đó, tỉnh cần chú trọng phát triển đô thị gắn với kinh tế đô thị, vì thực tế trên thế giới cho thấy 75% động lực tăng trưởng đến từ đô thị. Xây dựng nông thôn mới gắn với quá trình đô thị hóa.
Các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội phải được rà soát, điều chỉnh và bổ sung phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt, tránh chồng chéo, phát huy các tiềm năng, lợi thế của Thanh Hóa trong tương quan chung của cả vùng.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tặng quà lưu niệm Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa
Cùng với đó, kinh tế của tỉnh cần được đẩy nhanh cơ cấu lại, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tạo chuyển biến về chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh của các ngành kinh tế.
Theo Chủ tịch Quốc hội, tỉnh Thanh Hóa nên chú trọng phát triển công nghiệp theo chiều sâu, mở rộng quy mô sản xuất các ngành công nghiệp có thế mạnh, đưa tỉnh trở thành một trong những trung tâm lớn của vùng Bắc Trung Bộ và cả nước về công nghiệp năng lượng và công nghiệp chế biến, chế tạo.
Trước mắt, Thanh Hoá phải tìm cách phối hợp với Bộ Công Thương, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và các bộ, ngành hữu quan tìm giải pháp tháo gỡ vướng mắc khó khăn cho Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn.
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ trong mục tiêu của Nghị quyết 58 xác định đến năm 2030, Thanh Hóa trở thành tỉnh giàu đẹp, văn minh và hiện đại, một trung tâm lớn của Bắc Trung Bộ và cả nước về công nghiệp năng lượng, chế biến, chế tạo, nông nghiệp giá trị gia tăng cao, dịch vụ logistics, du lịch, giáo dục đào tạo, y tế chuyên sâu...
Đặc biệt, tỉnh phấn đấu đến năm 2025 trở thành "một cực tăng trưởng mới," cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành "tứ giác phát triển" ở phía Bắc.
https://cafef.vn/phan-dau-den-nam-2025-thanh-hoa-tro-thanh-tu-giac-phat-trien-cung-voi-ha-noi-hai-phong-va-quang-ninh-20220321165522729.chnTheo Anh Tuấn
Doanh nghiệp & Tiếp thị