Sau tết Nguyên đán, tỉ lệ đi khám hậu COVID-19 tại một số bệnh viện (BV) ở Hà Nội tăng đáng kể. Anh Nguyễn Hải Huy (40 tuổi, ngụ quận Đống Đa, Hà Nội) nhiễm COVID-19 từ ngày 15-1, được xác định khỏi ngày 25-1.
Thời gian nhiễm virus anh chỉ có các biểu hiện nhẹ như hắt hơi, sổ mũi, ho húng hắng, đau nhức các khớp. Tuy nhiên, đến nay anh xuất hiện hụt hơi, đau tức ngực khi nói câu dài và cảm thấy khó thở khi leo cầu thang.
Hình ảnh phổi của bệnh nhân trên phim X-quang tại phòng khám hậu COVID-19. Ảnh: NL
Triệu chứng về hô hấp là phổ biến
Anh Huy đã đi khám và được các bác sĩ (BS) chẩn đoán tổn thương phổi kẽ, khả năng liên quan đến COVID-19 có rối loạn thông khí hạn chế. Ngoài kê thuốc điều trị, BS còn hướng dẫn anh tập thở, vận động để phục hồi chức năng hô hấp và thể lực.
Theo PGS-TS Phan Thu Phương, Giám đốc Trung tâm hô hấp BV Bạch Mai, hội chứng COVID-19 kéo dài hay hội chứng hậu COVID-19 biểu hiện khá đa dạng ở nhiều cơ quan. Cạnh các triệu chứng hô hấp như ho khan kéo dài, ho đờm, đau họng, hụt hơi, khó thở, đau tức ngực còn có biểu hiện về tiêu hóa như buồn nôn, đau thượng vị, rối loạn tiêu hóa. Về sức khỏe tâm thần có thể thấy mệt mỏi kéo dài, rối loạn giấc ngủ, mất ngủ, lo lắng, giảm tập trung, rối loạn cảm xúc; biểu hiện về thần kinh gồm đau đầu, chóng mặt, mất vị giác, mất khứu giác, giảm trí nhớ (sương mù não)…
“Các nhóm triệu chứng bất thường theo chuyên khoa cần được thăm khám và đánh giá về mức độ, đồng thời cần loại trừ các nguyên nhân gây bệnh khác, trước khi kết luận thuộc hội chứng hậu COVID-19” - BS Phương khuyến cáo.
Cũng theo BS Phương, triệu chứng hay gặp sau nhiễm COVID-19 về hô hấp là nhiều nhất. Một số nghiên cứu cho thấy ho khan kéo dài, hụt hơi, khó thở là những triệu chứng dai dẳng và phổ biến, 42%-66% trong vòng ba tháng sau nhiễm COVID-19. Cạnh đó, sau giai đoạn COVID-19 cấp tính, 25% bệnh nhân giảm hoạt động thể lực, 50%-60% bệnh nhân có triệu chứng hô hấp kéo dài đến khám được chụp X-quang hoặc chụp cắt lớp vi tính lồng ngực thấy có tổn thương.
“Những tổn thương hay gặp nhất là hình kính mờ, xơ hóa phổi, viêm phổi tổ chức, dày các vách liên tiểu thùy, khí phế thũng... Những bất thường này có thể bị bỏ sót trên phim X-quang ngực thẳng thông thường” - BS Phương nói và cho biết người có nguy cơ cao mắc hội chứng hậu COVID-19 là người trên 60 tuổi, có bệnh nền kèm theo như tăng huyết áp, đái tháo đường, phổi tắc nghẽn mạn tính, hen, thận mạn tính, gan mạn tính, máu mạn tính, ung thư, suy giảm miễn dịch… Tiếp đó là những người có chỉ định liệu pháp ôxy tại nhà, đặc biệt là nhóm người bệnh nặng phải hỗ trợ thở máy trong thời gian bị nhiễm COVID-19 và những người chưa tiêm đủ liều vaccine cơ bản.
Stress quá mức dẫn đến rối loạn tâm thần
TS-BS Thân Mạnh Hùng, Phó Trưởng Khoa cấp cứu BV Bệnh nhiệt đới trung ương, cho biết rối loạn tâm thần khá phổ biến trong các vấn đề hậu COVID-19.
BS Hùng dẫn một báo cáo trên thế giới, vào tháng 10-2021, khi tiến hành 21 mẫu phân tích gộp với 47.910 bệnh nhân tham gia cho thấy có khoảng 55 tác dụng phụ kéo dài của hậu COVID-19, trong đó có rối loạn tâm thần. Những bệnh nhân này được theo dõi 14-110 ngày kể từ khi mắc COVID-19 và độ tuổi trung bình 17-87. Ước tính khoảng 80% bệnh nhân có ít nhất một hoặc nhiều hơn một triệu chứng liên quan đến hậu COVID-19.
Nghiên cứu cũng cho thấy 13% bệnh nhân COVID-19 có triệu chứng lo âu; 12% chán nản, trầm cảm; 7% trường hợp cần chăm sóc sức khỏe tâm thần và 6% F0 có vấn đề tâm thần khác. Ngoài ra còn một số triệu chứng gồm rối loạn giấc ngủ, mệt mỏi kéo dài, hội chứng sương mù não. BS Hùng cũng từng khảo sát trên 107 bệnh nhân COVID-19 tỉnh táo và có khả năng trả lời, điều trị tại BV, kết quả có gần 46% bệnh nhân bị rối loạn tâm thần.
“Các rối loạn này có nguyên nhân trực tiếp là do nhiễm virus SARS-CoV-2 hoặc gián tiếp do tâm lý căng thẳng trong đại dịch. Khi người bệnh gặp vấn đề căng thẳng trong COVID-19, cần có phương pháp giúp họ cân bằng cuộc sống. Họ cần tăng cường giao tiếp với xã hội, ngủ đủ giấc, hoạt động thể thao giúp máu lưu thông. Nếu các bài tập đó chưa cải thiện được chất lượng cuộc sống thì cần tìm đến BV để được hỗ trợ” - BS Hùng khuyên.
Những ảnh hưởng đến tim mạch
Chia sẻ về những ảnh hưởng đến tim mạch sau nhiễm COVID-19, PGS-TS-BS Phạm Mạnh Hùng, Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam, cho biết một số triệu chứng phổ biến ở những người mắc COVID kéo dài chẳng hạn như đánh trống ngực, chóng mặt, đau ngực và khó thở… có thể là do các vấn đề về tim hoặc chỉ từ việc bị mắc COVID-19.
COVID-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra, có thể làm tổn thương cơ tim và ảnh hưởng đến chức năng tim. Có nhiều lý do dẫn đến điều này, có thể do các tế bào trong tim có angiotensin chuyển đổi các thụ thể enzyme-2 (ACE-2) nơi virus SARS-CoV-2 bám vào trước khi xâm nhập vào tế bào, cũng có thể do mức độ viêm cao lưu thông trong cơ thể. Khi hệ thống miễn dịch của cơ thể chống lại virus, quá trình viêm có thể làm hỏng một số mô khỏe mạnh, bao gồm cả tim.
Cùng với đó, nhiễm virus SARS-CoV-2 cũng ảnh hưởng đến lớp màng tế bào lót bề mặt bên trong của tĩnh mạch và động mạch (nội mạc mạch máu), có thể gây viêm mạch máu, tổn thương các mạch máu rất nhỏ và cục máu đông. Những điều này đều có thể ảnh hưởng đến lưu lượng máu đến tim hoặc các bộ phận khác của cơ thể. Tất cả ảnh hưởng trên có thể ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp lên tim và hệ tuần hoàn (mạch máu) gây ra những hậu quả có thể trầm trọng như suy tim, rối loạn nhịp tim, tắc mạch máu hệ thống hoặc tĩnh mạch.
Theo BS Hùng, có khá nhiều triệu chứng được báo cáo trong giai đoạn hậu COVID-19 và có nhiều nguyên nhân tiềm ẩn các triệu chứng này. Sau khi mắc COVID-19, nếu gặp tình trạng nhịp tim nhanh hoặc đánh trống ngực một cách bất thường cần đi khám BS.
“Sự gia tăng nhịp tim tạm thời do rất nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm cả mất nước. Các triệu chứng của nhịp tim nhanh hoặc không đều có thể bao gồm: Cảm thấy tim đập nhanh hoặc không đều trong lồng ngực (hồi hộp đánh trống ngực), cảm thấy choáng váng hoặc chóng mặt, đặc biệt là khi đứng, khó chịu ở ngực. Trường hợp đau ngực đột ngột, dữ dội kèm khó thở rất có thể bị cục máu đông trong mạch phổi (thuyên tắc phổi) là một bệnh trầm trọng cần cấp cứu. Khi có các dấu hiệu trầm trọng hoặc có bệnh tim mạch từ trước và nguy cơ cao, bạn nên liên hệ với các BS chuyên khoa tim mạch” - BS Hùng nói.
Các nhóm triệu chứng bất thường theo chuyên khoa cần được thăm khám và đánh giá về mức độ, đồng thời cần loại trừ các nguyên nhân gây bệnh khác, trước khi kết luận thuộc hội chứng hậu COVID-19.
Dấu hiệu cảnh báo cần đi khám hậu COVID-19 Hiện nay, các vấn đề liên quan tới hội chứng hậu COVID-19 đang được người dân rất quan tâm. Tuy nhiên, khi nào mới cần đi khám hậu COVID-19? Thực tế có nhiều trường hợp bệnh nhân gặp triệu chứng hậu COVID-19 nhưng đến khám muộn làm tình trạng thêm nặng nề, tăng tỉ lệ nhập viện, đặc biệt ở nhóm có bệnh nền như bệnh tim mạch, hô hấp, bệnh thần kinh, cơ xương khớp, nội tiết… Sau khi khỏi bệnh, nếu gặp một trong các triệu chứng như khó thở, tức ngực, ho kéo dài, mệt mỏi, đau cơ, rối loạn nhịp tim, rối loạn tiêu hóa, huyết áp không ổn định… người bệnh nên đi khám hậu COVID-19. Đặc biệt, với những người bệnh có bệnh nền mà mắc một trong các dấu hiệu trên thì phải đến BV để khám ngay. Để giảm tỉ lệ nhập viện do hậu COVID-19 gây ra, người dân nên chủ động khám sức khỏe trong vòng 1-3 tháng đầu sau khi khỏi bệnh. Nhóm đối tượng cần phải đi khám ngay sau khi khỏi bệnh gồm người có bệnh nền, người trên 60 tuổi, người khi mắc COVID-19 đã từng phải điều trị tại khoa cấp cứu, hồi sức tích cực, các đối tượng khác nhưng có các triệu chứng nặng nề hoặc bất thường phải đi khám ngay. Tùy từng trường hợp cụ thể mà sau khi khám xong, BS sẽ cho chỉ định làm các xét nghiệm phù hợp để chẩn đoán, tránh lãng phí các thăm dò không thực sự cần thiết cho người bệnh. Thông thường sẽ cho người bệnh làm xét nghiệm cơ bản như máu, nước tiểu, điện tim, chụp X-quang tim phổi, siêu âm tim và một số thăm dò sâu hơn nếu cần thiết (ví dụ cắt lớp phổi…). BS CKII TRẦN MINH THẢO, Phó Trưởng Khoa khám bệnh theo yêu cầu BV Bạch Mai (Hà Nội) |