Các đề xuất từ các nước Nam Âu về việc can thiệp vào các thị trường năng lượng đã cho thấy khó khăn của hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) trong tuần này nhằm tìm giải pháp cho việc giá cao kỷ lục do xung đột tại Ukraine.
27 nước thành viên EU có các chính sách năng lượng riêng của mỗi nước. Điều này khiến Ủy ban châu Âu (EC) đứng trước một nhiệm vụ phức tạp trong việc xây dựng một kế hoạch nhằm cân bằng giữa các mục tiêu giảm sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga, hạn chế tác động về kinh tế và không làm ảnh hưởng đến các tham vọng về cắt giảm khí thải.
Sau loạt đề xuất đầu tiên vào tháng 10/2021, khi giá năng lượng đã tăng mạnh, tập trung vào trợ cấp của các nước và cắt giảm thuế, EC đang soạn thảo các đề xuất mới để trình các nhà lãnh đạo tham dự hội nghị thượng đỉnh EU diễn ra trong hai ngày 24-25/3 tới.
Các đề xuất mới được cho là sẽ bao gồm các biện pháp mà các nước có thể thực thi riêng rẽ, khi việc cùng can thiệp gây bất đồng.
Những nước phản đối việc phối hợp can thiệp trên toàn khối nhằm kiểm soát giá khí đốt cho rằng điều này sẽ khiến ngân sách được sử dụng để tài trợ cho việc sản xuất nhiên liệu hóa thạch, trong khi số tiền này cần được chi để chuyển đổi sang năng lượng sạch.
Trong khi đó, những nước ủng hộ nói rằng nếu không can thiệp thì một số nước thành viên sẽ gặp khó khăn khi thực hiện các biện pháp bảo vệ các gia đình nghèo trước việc giá năng lượng cao kéo dài.
Các chính phủ đã bơm hàng tỷ euro nhằm cắt giảm thuế và trợ cấp, bảo vệ người tiêu dùng.
Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha trong tuần trước đã soạn thảo các đề xuất áp mức trần 180 euro (198 USD)/MWh đối với giá điện bán buôn trên thị trường giao ngay châu Âu.
Một số nước đã áp dụng trần giá, với Pháp đã đóng băng giá khí đốt trong nước vào năm ngoái, bằng việc đền bù cho các công ty khí đốt bán dưới mức giá giao ngay.
Hy Lạp cũng đề xuất áp mức trần giá khí đốt ở châu Âu.
Trong khi đó, trong số những nước phản đối việc can thiệp vào thị trường năng lượng và đề xuất về trần giá có Đức và Hà Lan.
Bộ trưởng Khí hậu của Hàn Lan, Rob Jetten, tuần trước nói rằng nước này rất miễn cưỡng trước việc can thiệp thị trường, do muốn tránh gây ra những gián đoạn trong ngắn hạn, điều có thể cản trở đầu tư vào năng lượng bền vững.
Giám đốc điều hành công ty năng lượng E.ON lớn nhất của Đức, Leonhard Birnbaum, cũng trong tuần trước đã nói việc áp trần giá có thể khuyến khích các nhà sản xuất tăng sản lượng khi nhu cầu cao.