Giới quan sát cho rằng cuộc xung đột Nga-Ukraine đang định hình lại thị trường năng lượng châu Âu, song quy mô và tác động lâu dài của những thay đổi vẫn chưa hề rõ ràng.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) tuần trước cảnh báo rằng thế giới có thể bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng nguồn cung năng lượng lớn nhất trong nhiều thập kỷ, nếu Nga cắt giảm sản lượng dầu do các công ty tránh hàng xuất khẩu từ nước này và nhu cầu nội địa đi xuống.
Thị trường vẫn trong trạng thái lo lắng. Giá dầu thô Brent tiêu chuẩn toàn cầu tăng 7,69 USD (7,12%) lên mức 115,62 USD/thùng trong phiên 21/3, sau một cuộc tấn công vào các cơ sở sản xuất dầu của Saudi Arabia cùng những sức ép đối với Liên minh châu Âu (EU) về việc tham gia lệnh cấm vận dầu mỏ từ Nga của Mỹ và các đồng minh.
Bà Susannah Streeter, nhà phân tích thị trường và đầu tư cao cấp tại công ty dịch vụ tài chính Hargreaves cho biết, thị trường đang chú ý đến các cuộc đàm phán quan trọng của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vào cuối tuần này nhằm thắt chặt các lệnh trừng phạt đối với Nga. Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng cẩn trọng theo dõi việc EU đưa lệnh cấm vận dầu thô của Nga lên bàn đàm phán một lần nữa.
Canada, Mỹ, Vương quốc Anh và Australia đã cấm nhập khẩu dầu của Nga, từ đó ảnh hưởng đến khoảng 13% lượng dầu xuất đi của nước này. Những diễn biến xung quanh tình hình Ukraine có thể đưa EU vào cuộc, và động thái đó có thể thúc đẩy sự thay đổi rộng lớn về cách châu lục này mua năng lượng.
Bộ trưởng Ngoại giao Litva Gabrielius Landsbergis hôm 21/3 cho biết trước cuộc họp của các bộ trưởng EU rằng, khối này không thể tránh khỏi việc nói về lĩnh vực năng lượng. Vì đó là nguồn thu lớn nhất cho ngân sách Nga.
Ngoài ra, Ireland cũng phát tín hiệu rằng nước này cũng có thể ủng hộ lệnh cấm nhập khẩu dầu thô của Nga, mặc dù giá khí đốt tự nhiên ở châu Âu đang rất cao và lệnh cấm vận có thể ảnh hưởng đến nguồn cung cho khối.
Có một dấu hiệu thay đổi lớn khác vào cuối tuần khi Đức - khách hàng mua khí đốt lớn nhất của Nga - đã đạt được tiến triển trong một thỏa thuận mua khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) lớn từ Qatar.
Điều cần chú ý ở đây là EU từ trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng Ukraine đã vạch ra kế hoạch cắt giảm nhập khẩu khí đốt tự nhiên từ Nga trong năm nay - bao gồm việc tìm kiếm các nhà cung cấp thay thế, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo, giảm tiêu thụ thông qua cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng và kéo dài tuổi thọ của các nhà máy điện hạt nhân và nhiệt điện.
Ngày 18/3, các nhà lãnh đạo của Italy, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Hy Lạp đã kêu gọi EU xây dựng chiến lược năng lượng chung để đảm bảo an ninh năng lượng của khối.
Phát biểu trong cuộc họp báo sau cuộc đàm phán bốn bên, Thủ tướng Italy Mario Draghi cho biết lãnh đạo bốn quốc gia nêu trên mong muốn Hội nghị thượng đỉnh EU vào tuần tới tại Brussels (Bỉ) sẽ tiến hành thảo luận về các biện pháp cụ thể để bảo vệ tất cả các quốc gia thành viên.
Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez cũng cho rằng chỉ có phản ứng chung mới có thể giúp châu Âu giải quyết dứt điểm các vấn đề của khối. Tuy nhiên, châu Âu cần phải hành động ngay từ giờ chứ không thể chần chừ thêm nữa.
Trong thời gian qua, nhiều nước châu Âu đã tự đưa ra các giải pháp nhằm giảm bớt tác động của tình trạng giá năng lượng tăng cao, vốn được “kích hoạt” từ khi xảy ra căng thẳng tại Ukraine.
Tuy nhiên, hiện nhiều nước muốn EU đưa ra hành động tập thể để nâng cao hơn nữa khả năng ứng phó trước tình trạng này, đặc biệt trong bối cảnh nhiên liệu là nguyên liệu đầu vào quan trọng cho nhiều hoạt động kinh tế trong giai đoạn phục hồi sau đại dịch COVID-19.
Không chỉ muốn EU có hành động tập thể, trước đó Thủ tướng Draghi còn nhấn mạnh tới tầm quan trọng của việc đa dạng hóa nguồn cung năng lượng và khuyến khích các nguồn năng lượng tái tạo ở châu Âu. Ngoài ra, ông cũng cho rằng không nên "tách rời" thị trường năng lượng và khí đốt vì quản lý thị trường năng lượng chung sẽ có lợi hơn cho tất cả các bên.
Trong bối cảnh đó, IEA đang thúc đẩy các chính phủ xem xét những thay đổi khác. Tuần trước, cơ quan này đã công bố kế hoạch khẩn cấp gồm 10 điểm để cắt giảm nhu cầu tiêu thụ dầu, bao gồm giảm giới hạn tốc độ đường cao tốc ít nhất 6 dặm (khoảng 9,6km) một giờ, làm việc tại nhà tối đa ba ngày một tuần nếu có thể và triển khai chính sách ngày Chủ Nhật không có ôtô ở các thành phố.
Các bước khác trong kế hoạch khẩn cấp bao gồm tăng cường chia sẻ ôtô, sử dụng tàu cao tốc và tàu đêm thay vì máy bay, tránh đi công tác bằng máy bay khi có thể và khuyến khích người dân đi bộ, đi xe đạp và giao thông công cộng.
IEA cho hay nếu được thực hiện đầy đủ, các động thái này sẽ giúp giảm nhu cầu dầu thế giới khoảng 2,7 triệu thùng/ngày trong vòng bốn tháng, tương đương với lượng dầu được tiêu thụ bởi tất cả ôtô ở Trung Quốc.