Chiều ngày thứ Hai, 21/3, thông tin chiếc máy bay Boeing 737-800 của hãng China Eastern Airlines đang trong hành trình bay từ thành phố Côn Minh đến tỉnh Quảng Châu của Trung Quốc thì gặp nạn, khiến toàn bộ 132 người (trong đó có 123 hành khách và 9 thành viên phi hành đoàn) trên máy bay tử nạn đã khiến dư luận thế giới chấn động.
Chiếc máy bay được cho là đã lao thẳng xuống mặt đất từ độ cao khoảng 9000m với tốc độ kinh hoàng là khoảng 560 km/h, và cuối cùng đã rơi xuống khu vực rừng núi thuộc huyện Đằng, tỉnh Quảng Tây, nơi giáp ranh với tỉnh Quảng Châu.
Đây được coi là thảm kịch hàng không tồi tệ nhất tại Trung Quốc trong gần 30 năm nay, sau tai nạn máy bay của hãng China Northwest Airlines vào năm 1994 ở nước này, cướp đi sinh mạng của 160 người.
Phát hiện mới của đội cứu hộ khiến thân nhân đau lòng
Ngay sau khi nhận được thông báo về vụ tai nạn, hàng trăm nhân viên cứu hộ đã được cử đến khu vực rừng núi của huyện Đằng, thuộc địa phận thành phố Ngô Châu, tỉnh Quảng Tây - nơi chiếc máy bay rơi xuống để tìm kiếm các nạn nhân, thu thập các mảnh vỡ máy bay cũng như thực hiện các công tác dọn dẹp khác.
Hàng trăm nhân viên cứu hộ đã được huy động đến hiện trường.
Từ những gì thấy được tại hiện trường, cho thấy hoàn toàn không có dấu hiệu của bất kỳ sự sống sót nào, các nhân viên cứu hộ đã phỏng đoán rằng, sau khi lao vào sườn núi, máy bay đã bốc cháy và thiêu rụi gần như toàn bộ các hành khách cùng đồ đạc của họ trước khi khiến cho cả cánh rừng xung quanh bốc cháy.
Phát hiện mới của họ khiến nhiều thân nhân đau lòng.
Cùng với dự đoán trước đó của các chuyên gia về việc những người trên máy bay bị bất tỉnh trong quá trình máy bay lao xuống, điều này nghĩa là có thể các nạn nhân thậm chí còn không có cả thời gian để hoảng sợ hay liên hệ với người thân để nói lời tạm biệt.
Thân nhân đau đớn ngóng đợi tin tức của những người tử nạn.
Thông tin này có lẽ sẽ khiến nhiều thân nhân của những người bị nạn đau lòng khôn xiết, đặc biệt là những người vẫn còn nuôi hy vọng về việc người thân của họ có thể còn sống sót để trở về.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng cảm giác hoảng loạn vì biết mình sắp chết có lẽ còn kinh khủng hơn, nên các nạn nhân đã ra đi khi họ mất ý thức cũng là một điều an ủi.
Chuyên gia tiết lộ thông tin bất ngờ về phi công
Bà Sally Gethin, 1 chuyên gia hàng không tới từ Anh cho biết vì người ta chưa tìm được hộp đen của máy bay nên có lẽ còn quá sớm để biết được chính xác nguyên nhân của vụ tai nạn máy bay, nhưng các khả năng được đưa ra là do phần đuôi máy bay gặp trục trặc, điều kiện thời tiết xấu hoặc do vấn đề về dây điện trên máy bay.
Bà Sally Gethin, 1 chuyên gia hàng không tới từ Anh.
Ngoài ra, bà Sally cũng tiết lộ thêm 1 chi tiết khó hiểu, đó là trong khi phi công phụ có kinh nghiệm là 30.000 giờ bay thì phi công chính lại chỉ có 7000 giờ. Đây là 1 sự chênh lệch rất lớn, cho thấy người điều khiển chính của máy bay có thể không đủ kinh nghiệm ứng phó với các tình huống bất ngờ.
Ngoài ra, 1 phi công phụ thứ 3 là phi công đang thực tập thì chỉ có kinh nghiệm là vài trăm giờ bay - 1 con số khá khiêm tốn.
Chuyên gia Sally lý giải rằng trong khi máy bay rơi như vậy, vì chịu tác động của trọng lực khiến máu dồn lên não quá nhanh nên rất có thể toàn bộ những người trên máy bay đã bị bất tỉnh.
Chiếc máy bay đang bay thì đột nhiên lao xuống như 1 mũi tên.
Tuy nhiên, các dữ liệu bay cho thấy ở độ cao khoảng 2200m, chiếc máy bay đã lấy lại được độ cao và bay ổn định trong khoảng từ 10 đến 20 giây. Đây có thể là lúc 1 hoặc vài phi công lấy lại được sự tỉnh táo và cố sức điều khiển chiếc máy bay, song nỗ lực cuối cùng này đã không thành công, và sau đó, chiếc máy bay đã tiếp tục lao xuống đất.
Biểu đồ cho thấy tình trạng hạ độ cao của chiếc máy bay xấu số (Thời gian tính theo giờ GMT).
Dữ liệu cho thấy máy bay ở độ cao 29,100 feet, tương đương 8870m vào lúc 2 giờ 20 phút chiều (giờ địa phương ở Trung Quốc). Nhưng chỉ 2 phút sau nó đã giảm xuống độ cao 9000 feet (khoảng 3000m) và 20 giây sau nó chỉ còn ở độ cao 3225 feet (khoảng 980m).
Arthur Rowe, 1 chuyên gia về máy bay tại Đại học Cranfield của Anh cũng đồng tình với quan điểm của bà Sally khi cho rằng, vụ tai nạn có lẽ không bị gây ra bởi lỗi ở động cơ của máy bay, vì nếu động cơ ngừng hoạt động thì nó vẫn có thể bay trong 1 khoảng thời gian nhất định và hạ cánh bình thường.
Tao Yang, 1 giáo sư ở Đại học Nottingham (Anh) thì phát biểu: "Chiếc máy bay đã mất kiểm soát hoàn toàn và lúc này, thật khó mà nói được là chuyện gì đã xảy ra. Tuy nhiên, đa số các vụ tai nạn máy bay đều liên quan đến sự hỏng hóc của bộ phận cảm biến, hỏng hóc của bộ phận chống đóng băng cho máy bay".
Theo Daily Mail
https://soha.vn/vu-may-bay-roi-o-tq-nhan-vien-cuu-ho-tiet-lo-1-su-thuc-dau-long-ai-nghe-xong-cung-xot-xa-20220323112211253.htmTheo Thanh Hương
Pháp Luật và Bạn đọc