Các nỗ lực cứu hộ 132 hành khách và phi hành đoàn trên chuyến bay MU5735 đã diễn ra tại thành phố Ngô Châu, tỉnh Quảng Tây, khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình yêu cầu toàn lực tìm kiếm những người sống sót và điều tra các vấn đề an toàn trong ngành hàng không dân dụng.
Vụ tai nạn đã gây xáo động trên thị trường tài chính hôm 22/3. China Eastern giảm 6,2% trên sàn Thượng Hải và 2,6% ở sàn Hong Kong. Chỉ số theo dõi các hãng hàng không lớn của Trung Quốc do nhà cung cấp dữ liệu tài chính Wind Information tổng hợp đã giảm 1,5%. Trong khi đó, giá cổ phiếu Boeing, nhà sản xuất chiếc máy bay 737-800 7 năm tuổi bị rơi, đã giảm 3,6% tại New York.
China Eastern đã dừng sử dụng đội tàu bay 737-800. Một cuộc điều tra về nguyên nhân của vụ tai nạn đang được tiến hành, hãng cho biết trong một tuyên bố hôm thứ hai (21/3). Vụ việc xảy ra khi ngành hàng không của Trung Quốc đang gặp khó khăn trên đường phục hồi sau đại dịch Covid-19.
Thảm kịch hàng không chết người đầu tiên của Trung Quốc kể từ năm 2010 có thể tạo thêm áp lực lên các hãng vận tải đang cố gắng thu lợi nhuận. "Thảm họa hàng không là một cú sốc lớn với công chúng và một số người có thể bắt đầu nghĩ rằng việc di chuyển bằng máy bay không an toàn và một số có thể tránh đi máy bay. Điều này sẽ tiếp tục kéo theo nhu cầu phục hồi chậm", Lei Zheng, Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Viện Nghiên cứu Hàng không tại nước này cho biết.
Theo dữ liệu từ CAAC, lĩnh vực này - bao gồm các hãng hàng không và sân bay, đã chịu thiệt hại 211 tỷ nhân dân tệ từ khi bắt đầu đại dịch đến tháng 2/2022. Việc cơ quan chức năng giám sát chặt chẽ các biện pháp kiểm soát an toàn của các hãng hàng không - vốn đã được coi là nghiêm ngặt nhất trên thế giới - chắc chắn sẽ làm đội chi phí bổ sung cho các hãng, vốn bị ảnh hưởng bởi đại dịch kéo dài. "Với sự gia tăng gần đây của giá dầu và các hãng hàng không đã thua lỗ trong hai năm qua, mức lỗ của họ sẽ còn tăng lên", Lei dự báo.
Bản thân China Eastern đã là một trong những đơn vị chịu thiệt hại lớn nhất qua mùa dịch. Hãng dự báo lỗ khoản 11-13,5 tỷ nhân dân tệ (1,7- 2,1 tỷ USD) trong năm 2021, sau khi đã lỗ 11,8 tỷ nhân dân tệ vào năm 2020. Các khoản lỗ dự kiến sẽ tăng với quyết định dừng đội bay 737-800 sau vụ tai nạn.
Hãng này đã hủy khoảng 89% chuyến bay vào thứ ba (22/3), theo nhà cung cấp dữ liệu hàng không Trung Quốc Flight Master. "Tôi đoán rằng trong ngắn hạn điều này sẽ gây ra một số vấn đề cho China Eastern vì hồ sơ bảo trì máy bay của họ cần được xem xét và có khả năng sẽ có sự phản đối ngắn hạn từ người tiêu dùng", Ben Ca Does, CEO China Market Research, đánh giá.
Hai hãng hàng không quốc doanh lớn khác của Trung Quốc ghi nhận diễn biến khác nhau trên thị trường chứng khoán hôm 22/3. China Southern Airlines tăng 2,2% tại Hong Kong và giảm 0,9% tại Thượng Hải, nơi chỉ số chuẩn tăng 0,2%. Air China tăng 1,4% ở Hong Kong và giảm 0,3% ở Thượng Hải. "Hầu hết nhà đầu tư coi đây là sự cố riêng của một hãng hàng không", Li Hanming, Nhà tư vấn hàng không độc lập của Li & Li Consulting, cho biết.
Theo các nhà phân tích hàng không, tâm lý người tiêu dùng có thể sẽ trở nên mong manh trong vài tháng hoặc thậm chí vài năm trước khi các cuộc điều tra về nguyên nhân vụ tai nạn hoàn tất.
"Trước khi kết quả điều tra cuối cùng được xác nhận, thật khó để đánh giá tác động đối với China Eastern. Nếu đó là vấn đề của nhà sản xuất máy bay hoặc các lý do khác, tác động lên các hãng hàng không sẽ giảm", Sun Yan, Nhà phân tích của Essence Securities, đánh giá. Ngược lại, nếu nhà vận chuyển gặp vấn đề về quản lý và vận hành, hãng sẽ phải đối mặt với các vụ kiện và trừng phạt nặng nề từ các cơ quan quản lý.
Vị chuyên gia dự đoán các hãng nhỏ hơn - chẳng hạn như những hãng có vốn đầu tư của nhà nước - sẽ phải đối mặt với gánh nặng kép là đánh giá an toàn hơn và đáp ứng mục tiêu có lãi trở lại. "Chúng tôi không loại trừ khả năng các vụ sáp nhập và mua lại các hãng hàng không trung bình đến nhỏ sẽ tăng tốc và sự thống trị của các hãng hàng đầu có thể được tăng cường", ông nói.
Phiên An (theo SCMP)