vĐồng tin tức tài chính 365

Các đại gia tiêu dùng bị chỉ trích vì vẫn bán hàng tại Nga

2022-03-24 03:02

Các đại gia hàng tiêu dùng đang chịu sức ép ngày càng tăng từ chính trị gia, nhà đầu tư, nhà hoạt động xã hội và cả người tiêu dùng về việc hạn chế bán hàng, sản xuất tại Nga do xung đột tại Ukraine. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuần trước đề cập đến Unilever và Nestlé khi cáo buộc "các tập đoàn lớn vẫn đang giúp Nga có tài chính cho chiến dịch quân sự và chưa rời đi". Giới chức New York gần đây cũng kêu gọi các công ty hàng tiêu dùng cân nhắc rủi ro của việc tiếp tục kinh doanh tại Nga.

Các hãng sản xuất hàng tiêu dùng - như PepsiCo, Procter & Gamble, Reckitt Benckiser Group và Unilever - đã cam kết chỉ bán đồ thiết yếu tại Nga. Tuy nhiên, snack khoai tây Lay’s, dao cạo râu Gillette hay nước hoa xịt phòng Air Wick cùng nhiều thương hiệu kem, hóa mỹ phẩm cho trẻ em và sữa rửa mặt vẫn được bày bán ở đây.

Một người dân đang mua sắm tại siêu thị ở Moskva năm ngoái. Ảnh: Zuma Press

Một người dân đang mua sắm tại siêu thị ở Moskva năm ngoái. Ảnh: Zuma Press

Một số công ty cho biết họ vẫn giữ nhà máy hoạt động để hỗ trợ sinh kế cho cả lao động của mình và của các nhà cung cấp. Nhiều doanh nghiệp thì giải thích họ vẫn ở Nga do bị trói buộc bởi các thỏa thuận liên doanh hoặc nhượng quyền. Các công tố viên Nga đã cảnh báo một số công ty về việc tịch thu tài sản nếu họ rời Nga. Các hãng dược phẩm, vaccine và thiết bị y tế thì tuyên bố vẫn tiếp tục làm việc ở đây vì trách nhiệm đạo đức.

Tuần trước, gã khổng lồ công nghiệp Koch Industries – một trong những công ty tư nhân lớn nhất thế giới cũng bảo vệ quyết định ở lại Nga. "Chúng tôi sẽ không bỏ lại nhân viên ở đây hay giao cơ sở vật chất cho chính phủ Nga", Dave Robertson – Giám đốc Vận hành của Koch cho biết trong bài đăng trên website công ty.

PepsiCo đầu tháng này thông báo sẽ ngừng bán Pepsi và 7UP tại Nga, nhưng vẫn tiếp tục làm các sản phẩm từ sữa, đồ ăn cho trẻ em và snack khoai tây. Tuần trước, công ty này hứng chỉ trích vì mua 2.200 tấn khoai tây giống từ Scotland để xuất sang Nga. Một số sẽ được chuyển sang Nga tuần này bằng xe tải.

"Chúng ta phải gìn giữ giá trị nhân đạo trong kinh doanh", CEO PepsiCo Ramon Laguarta cho biết trong một thông báo gửi các nhân viên đăng trên website công ty, "Điều này đồng nghĩa chúng ta có trách nhiệm tiếp tục bán sản phẩm tại Nga, trong đó có các sản phẩm thiết yếu, như sữa". Ông nói rằng công ty sẽ vẫn tiếp tục hỗ trợ sinh kế cho 20.000 nhân viên tại Nga và 40.000 nông dân cung cấp sữa, khoai tây cho họ.

Unilever tháng này thông báo sẽ cung cấp "thực phẩm hàng ngày và các sản phẩm vệ sinh làm tại Nga cho người dân nước này". Theo thông tin trên website các hãng bán lẻ tại Nga, Unilever hiện sản xuất nhiều loại kem, mỹ phẩm, sản phẩm tẩy rửa tại nước này.

P&G thì cho biết đã giảm đáng kể số sản phẩm trong mỗi nhóm hàng để chỉ tập trung vào các sản phẩm cơ bản, phân khúc bình dân. Trước đó, họ khẳng định sẽ chỉ bán các sản phẩm tập trung vào "sức khỏe, vệ sinh, chăm sóc cá nhân cơ bản mà nhiều gia đình Nga cần dùng hàng ngày". Gillette – thương hiệu chiếm 70% thị phần dao cạo tại Nga – vẫn đang sản xuất và bán dao dạo tại đây.

P&G có các nhà máy tại St. Petersburg và Moskva. Đại gia hàng tiêu dùng đã nâng giá hàng thiết yếu tại Nga thêm gần 50% để bù đắp chi phí nguyên vật liệu và logistics cũng như đồng ruble mất giá, một nguồn tin của WSJ cho biết.

Nestlé cũng cho biết họ có trách nhiệm với hơn 7.000 lao động ở Nga. Vì thế, họ vẫn phải duy trì hoạt động.

Reckitt Benckiser thì giải thích họ bán kem tẩy lông và nước hoa xịt phòng để "đáp ứng nhu cầu của người Nga bình thường, cần đến các sản phẩm vệ sinh và chăm sóc sức khỏe cơ bản hàng ngày".

Paolo Pasquariello – Giáo sư tài chính tại Đại học Michigan cho biết các công ty phải cân bằng giữa lợi ích của việc duy trì quan hệ kinh doanh với đối tác Nga và bảo vệ danh tiếng của doanh nghiệp. Ông giải thích việc dán nhãn "thiết yếu" cho những sản phẩm không thực sự cần thiết "là cách họ giảm thiểu thiệt hại về danh tiếng".

"Các lệnh trừng phạt là một dạng chiến tranh kinh tế. Các công ty dán nhãn burger, giày là hàng thiết yếu cũng là cách né trừng phạt", ông nói.

Ruble mất giá đồng nghĩa một phần lợi nhuận ngắn hạn của các công ty cũng bốc hơi. Tuy nhiên, với nhiều doanh nghiệp có hoạt động tại đây, Nga vẫn là thị trường quan trọng. Tháng trước, Nestlé cho biết tốc độ tăng trưởng mạnh của Nga đã giúp khu vực Châu Âu – Trung Đông – Bắc Phi của hãng ghi nhận tăng trưởng doanh thu cao nhất một thập kỷ.

Hà Thu (theo WSJ)

Xem thêm: lmth.2532444-agn-iat-gnah-nab-nav-iv-hcirt-ihc-ib-gnud-ueit-aig-iad-cac/ten.sserpxenv

Comments:0 | Tags:No Tag

“Các đại gia tiêu dùng bị chỉ trích vì vẫn bán hàng tại Nga”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools