Chính phủ Nhật Bản vừa lần đầu tiên đưa ra cảnh báo về nguy cơ quá tải điện, trong bối cảnh nhu cầu sử dụng của người dân đang gần chạm ngưỡng năng lực cung ứng của các cơ sở sản xuất thuộc Tập đoàn Điện lực Tokyo Tepco.
Nguyên nhân là do một số nhà máy nhiệt điện vẫn chưa thể hoạt động trở lại sau trận động đất mạnh hơn 7 độ Richter xảy ra hôm 16/3 vừa qua tại khu vực tỉnh Fukushima. Ngoài ra, không khí lạnh tăng cường cũng khiến nhu cầu sử dụng điện sưởi ấm tăng cao, trong khi sản lượng của các nhà máy sản xuất điện Mặt trời lại giảm đáng kể do thời tiết xấu.
Tờ Reuters ước tính có tới 3 triệu hộ gia đình phải đối mặt với nguy cơ mất điện vào tối ngày 22/3 sau khi Tepco cảnh báo về nguồn cung eo hẹp. Trước tình hình đó, Chính phủ Nhật Bản kêu gọi các doanh nghiệp và hộ gia đình trong phạm vi quản lý của Tepco tiết kiệm điện tối đa từ 8h-23h hàng ngày. Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp (METI) cũng nhấn mạnh việc tiết kiệm như vậy có thể giúp cả nước tránh nguy cơ mất điện cho đến tối muộn.
Cơ quan cứu hộ Nhật Bản hỗ trợ người dân trong đêm động đất đêm 16/3.
“Chúng tôi khó có thể đáp ứng nhu cầu điện trong khoảng thời gian từ 08:00 đến 15:00 và tình hình đang rất cấp bách. Đó là lý do vì sao chúng tôi phải nhờ đến sự giúp đỡ của Bộ Thương mại để kêu gọi người dân tiết kiệm điện hơn nữa”, đại diện Tepco cho biết.
Trước đó, theo thông báo của các địa phương, trận động đất hôm 16/3 đã gây ra tình trạng mất điện diện rộng cho khoảng 2 triệu hộ gia đình, đồng thời gián đoạn tạm thời mạng điện thoại di động ở một số khu vực. Sáu nhà máy nhiệt điện đã bị ảnh hưởng nặng nề và buộc phải ngừng hoạt động tại các khu vực do Tepco và Tohoku Electric Power vận hành. Nghiêm trọng hơn, một vài nhà máy trong số đó có thể sẽ phải ngừng hoạt động trong vài tuần, thậm chí vài tháng.
“Nếu tình trạng cứ tiếp tục, ta sẽ tiến gần tới việc cắt điện, tương tự như những gì diễn ra sau mỗi trận động đất”, Bộ trưởng Thương mại Koichi Hagiuda chia sẻ.
Chánh văn phòng Nội các Hirokazu Matsuno theo đó kêu gọi những người dân đang sinh sống tại các tỉnh miền Đông đóng góp một phần nhỏ bằng cách hạ bộ điều nhiệt xuống khoảng 20 độ C và tắt đèn khi không cần thiết.
Ban điều hành Tháp Tokyo Skytree cao 634 mét cũng lần đầu tiên tắt đèn cả ngày và ngay cả ban đêm cũng chỉ thắp sáng nửa dưới của tháp.
Rất nhiều doanh nghiệp hưởng ứng lời kêu gọi này. Trong đó, Đài truyền hình quốc gia NHK quyết định giảm ánh sáng đèn studio. Nhà bán lẻ đồ điện tử Bic Camera cũng tắt khoảng một nửa số tivi tại hàng chục chi nhánh để tiết kiệm điện. Ban điều hành Tháp Tokyo Skytree cao 634 mét cũng lần đầu tiên tắt đèn cả ngày và ngay cả ban đêm cũng chỉ thắp sáng nửa dưới của tháp.
Ngoài ra, gã khổng lồ bán lẻ Seven & I Holdings cho biết đã điều chỉnh nhiệt ở mức 20 độ C cho toàn bộ 8.500 chi nhánh cửa hàng 7-Eleven, trong khi các siêu thị Ito-Yokado cũng giảm ánh sáng đi 10%.
Các hộ gia đình Nhật Bản cũng hưởng ứng lời kêu gọi của chính phủ.
“Tôi sử dụng máy sưởi rất nhiều nên tôi sẽ cố gắng làm gì đó để có thể tiết kiệm năng lượng”, sinh viên đại học Shuntaro Ishinabe, 22 tuổi, cho biết.
Thực tế, Nhật Bản đã phải đối mặt với một thị trường năng lượng khó khăn kể từ khi trận động đất và sóng thần hồi năm 2011 làm tê liệt nhà máy Fukushima Daiichi của Tepco. Đà tăng nhanh của giá năng lượng trong bối cảnh nguồn cung bị thắt chặt cũng khiến quốc gia có nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới này chịu ảnh hưởng.
“Việc ngừng cung cấp năng lượng đột ngột gây ra rất nhiều vấn đề. Người dân có lẽ đã thực sự thấy được tầm quan trọng của an ninh năng lượng trong thời gian gần đây”, Chủ tịch Keidanren, ông Masakazu Tokura cho biết.
Theo: Reuters
http://tintuc.vdong.vn/03/1284423.htm
Vũ Anh
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị