Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) sáng 24/3, đại diện Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đã trình bày nội dung tham luận, trong đó nêu một loạt kiến nghị của Tập đoàn này với Thủ tướng.
Đại diện Petrolimex cho hay, hiện doanh nghiệp chỉ chiếm thị phần gần 50% tổng nhu cầu xăng dầu cả nước nhưng có những thời điểm lượng bán xăng dầu lại lên tới 70-80% nhu cầu của thị trường. Trong khi đó, Tập đoàn hiện đang sở hữu 2.600 cửa hàng xăng dầu, chiếm 20% tổng số cửa hàng xăng dầu trên cả nước.
Để đảm bảo xăng dầu của thị trường, Petrolimex kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND các tỉnh tạo điều kiện cho Tập đoàn được ưu tiên phát triển xăng dầu trong quy hoạch đô thị hoá, quy hoạch phát triển xăng dầu của các điạ phương.
Cùng với đó, doanh nghiệp này cũng kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ GTVT, Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) dành 50% vị trí quy hoạch các cửa hàng xăng dầu, tương ứng với thị phần của Petrolimex trên tất cả tuyến đường cao tốc đang có nguồn vốn của Nhà nước, hoặc nguồn vốn của doanh nghiệp Nhà nước để chỉ định cho Petrolimex đầu tư với giá đầu tư tương đương giá đấu thầu, đấu giá trên thị trường.
Tập đoàn này cũng mong muốn tham gia vào hệ thống kho xăng dầu hàng không tại Cảng Hàng không quốc tế Long Thành với phân kỳ theo tiến độ phát triển lưu lượng khách thực tế của sân bay Long Thành.
Về cơ chế chính sách, Petrolimex kiến nghị bắt buộc doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu phải áp dụng hóa đơn điện tử có kết nối với cột bơm xăng dầu tới trung tâm dữ liệu Quốc gia của cơ quan thuế.
“Đề xuất này để góp phần phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, chống thất thu thuế trong thị trường xăng dầu, qua đó tạo môi trường kinh doanh xăng dầu minh bạch, bình đẳng, tuân thủ quy định pháp luật”, đại diện Petrolimex nêu.
Với định hướng Nhà nước vẫn nắm giữ tỉ lệ chi phối tại Petrolimex ở mức trên 50% đến dưới 65%, Tập đoàn đề xuất Thủ tướng, Chính phủ xem xét “nới room” cho nhà đầu tư nước ngoài tại Petrolimex lên 35%. Hiện nay, room cho nhà đầu tư nước ngoài tại doanh nghiệp này là 20%.
Tiếp đến, Petrolimex cũng đề nghị Thủ tướng cho phép xúc tiến việc nghiên cứu phương án đầu tư sở hữu chung nhà máy lọc dầu tại Nhật Bản của Tập đoàn ENEOS (cổ đông chiến lược của Petrolimex) thông qua phương án cấu trúc vốn tối ưu và hoán đổi cổ phiếu của Petrolimex cho đối tác. Sau khi nghiên cứu nếu có hiệu quả, Petrolimex sẽ xây dựng phương án cụ thể trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Cuối cùng, Petrolimex kiến nghị Thủ tướng có ý kiến với UBND Tp.HCM tạo điều kiện cho phép Công ty Liên doanh Castrol BP Petco được gia hạn giấy phép. Đây là liên doanh của Petrolimex với BP, được Petrolimex đánh giá hoạt động hiệu quả. Nguyện vọng của các bên là được tiếp tục gia hạn hoạt động thêm 20 năm.
Ghi nhận các kiến nghị của đại diện Petrolimex, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đề cập đến việc “nới” room ngoại tại Tập đoàn này. Thủ tướng nhấn mạnh, xăng dầu vốn là mặt hàng nhạy cảm, việc hội nhập càng phải đảm bảo hiệu quả, kiểm soát được tình hình theo hướng chủ động. Nhắc lại sự việc tại Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn, Thủ tướng nói đây là bài học đắt giá.
Theo Thủ tướng, việc xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ không có nghĩa là tự cô lập, không có nghĩa tự cung tự cấp mà phải chủ động linh hoạt khi hội nhập, hoạt động càng phải có hiệu quả.
“Anh hoạt động kinh doanh, anh phải đúng theo thị trường trên cơ sở cạnh tranh. Chính sách hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi cho mỗi doanh nghiệp thì lại là vấn đề khác, còn bản thân anh là doanh nghiệp, anh phải cạnh tranh. Làm sao để cho mình mạnh lên nhưng phải đi theo thị trường”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh việc Petrolimex là đơn vị kinh doanh trong lĩnh vực năng lượng, vì thế phải có tính dự báo, tuyệt đối không được để bị động trong quá trình hoạt động.
Trong các giải trình trước đây, Bộ Công Thương cho rằng việc mở cửa cho nhà đầu tư ngoại tham gia sâu hơn vào thị trường bán lẻ xăng dầu lúc này là phù hợp và đã tính toán rất kỹ. Bộ này lập luận, thời điểm gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO), Việt Nam không cam kết mở cửa thị trường xăng dầu để doanh nghiệp trong nước có cơ hội phát triển, xây dựng cơ sở vật chất, hệ thống phân phối xăng dầu đủ lớn.
Nhưng hiện Việt Nam đã mở cửa cho nhà đầu tư ngoại tham gia đầu tư vào hầu hết lĩnh vực quan trọng như điện, dầu khí, hàng không... Doanh nghiệp xăng dầu trong nước đã có hệ thống phân phối rộng khắp, và có nhu cầu cần thêm vốn đầu tư vào sản xuất, chế biến... để chủ động nguồn cung trong nước.
Tỉ lệ nhà đầu tư ngoại được sở hữu không quá 35% vốn giúp doanh nghiệp trong nước vừa có vốn, có công nghệ, nâng cao quản trị... Và tỉ lệ này, theo Bộ Công Thương, đảm bảo họ không được quyền phủ quyết các vấn đề trong điều hành doanh nghiệp.
Xem thêm:
Doanh nghiệp Nhà nước cần phải có tư duy “nghĩ lớn, làm lớn”
Cổ phần hóa chậm do doanh nghiệp có tài chính phức tạp, nhiều đất đai
Hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước chưa xứng với nguồn lực