Kết thúc đợt 1 kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM, nhiều thí sinh bày tỏ băn khoăn về một số câu hỏi trong đề thi năm nay.
Cụ thể, nội dung câu hỏi khiến nhiều thí sinh phản ứng nhất liên quan đến biểu đồ tròn về toán thống kê. Đề đưa ra chỉ là những dữ liệu phần trăm theo tỉ lệ trong hình tròn và yêu cầu thí sinh trả lời các câu hỏi liên quan về các nguồn vốn.
Theo các em và một số giáo viên dạy Toán, câu hỏi “đánh đố” thí sinh vì đề bài thiếu dữ kiện về tổng số vốn ban đầu.
“Nếu không có dữ kiện về tổng số vốn thì các em không thể giải được câu hỏi trong bài. Phần này lại chiếm đến 30 điểm thi nên rất bất lợi cho các em” – một giáo viên bình luận.
Một thí sinh khác bày tỏ: “Phần biểu đồ tròn em phải đánh lụi vì em đã đọc và kiểm tra dữ liệu đề rất kỹ nhưng đề rất lạ, thiếu dữ kiện rõ ràng. Trong đề minh họa cũng có dạng câu tương tự nhưng có đủ dữ liệu liên quan để thí sinh giải, còn đề thi chính thức lại bị thiếu. Em có báo với giám thị nhưng khi giám thị kiểm tra các đề thi trong phòng thì đề của bạn nào cũng giống phần đó. Em mong Hội đồng thi xem xét lại để tụi em không bị mất điểm oan”.
Trên các hội nhóm ôn thi đánh giá năng lực với hàng chục ngàn thành viên, sau khi kỳ thi kết thúc, hàng loạt thí sinh cũng chia sẻ về câu hỏi phần biểu đồ tròn này khi cho rằng đề sai, gây mất thời gian của các em.
Ngoài ra, một số thí sinh còn cho biết trong đề còn có một câu hỏi khác có hai đáp án đưa ra giống nhau khiến thí sinh không biết chọn như thế nào.
Phần đề thi mà các thí sinh cho là có sai sót, được các em vẽ lại, đăng trên các diễn đàn do sau khi thi xong, giám thị đã thu lại toàn bộ đề thi.
Một giáo viên toán cũng nhận định: "Đề phải cho nguồn vốn theo dự toán là bao nhiêu, để mình biết 9,695 nghìn đô từ hỗ trợ ngoài chiếm bao nhiêu % nguồn vốn và thiếu bao nhiêu so với dự toán là 20% thì mới biết cần phải tăng thêm khoảng vay từ thị trường bao nhiêu %".
Về những băn khoăn này, trao đổi với PLO, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo của ĐH Quốc gia TP.HCM, cho biết ngay trong buổi thi, Hội đồng thi đã nhận được phản ánh từ TS, hội đồng thi cũng đã lập biên bản về việc có hai câu hỏi trong đề bị lỗi, một câu bị thiếu dữ kiện liên quan đến câu biểu đồ tròn với ba câu hỏi nhỏ trong đó và một câu có hai đáp án trùng nhau.
Tuy nhiên, theo TS Chính, hiện hội đồng thi chưa tiếp cận đề thi vì sau khi thi, đề thi được thu lại và niêm phòng để phục vụ công tác chấm thi. Quy trình xử lí và kết luận có sai sót hay không sẽ được thực hiện trong quá trình chấm thi như quét các bài thi,, ráp đáp án, đưa ra tổ chấm thi….
Nếu các câu hỏi trong đề có sai sót, không đủ dữ kiện để thí sinh làm bài, hội đồng thi sẽ có những phương án xử lí, như hoặc là chấm điểm tối đa câu đó cho TS hoặc bỏ câu hỏi đó ra khỏi bài thi... Hội đồng thi cũng sẽ thông tin, giải thích đến TS để các em yên tâm về quá trình chấm thi và kết quả bài thi.
“Trong công tác tổ chức thi hay xây dựng đề thi sẽ không tránh khỏi những rủi ro, sai sót, chủ yếu là khâu kỹ thuật như in bị thiếu, đề thiếu dữ kiện… Hội đồng thi sẽ có những quy trình để xử lý. Bất cứ sai sót nào cũng cần được phân tích và giải quyết trên tinh thần đảm bảo quyền lợi nhất cho thí sinh, không để thí sinh thiệt thòi’ – TS Chính nhấn mạnh.
Trước những sai sót trong đề thi, nhiều người cho rằng ĐH Quốc gia TP.HCM nên công bố đề thi và đáp án để thí sinh, giáo viên dễ dàng theo dõi, đối chiếu và đánh giá đề thi. Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính, quan điểm của ĐH Quốc gia TP.HCM là không công bố đề thi vì kỳ thi và đề thi được xây dựng theo chuẩn quốc tế như các kỳ thi SAT, IELTS…, TS không được mang đề ra ngoài.
“ĐH Quốc gia TP.HCM mong muốn kỳ thi mang tính định hướng ý thức tự học cho người học, đề thi như công cụ giúp thí sinh đánh giá được năng lực học tập chứ không phải để thí sinh tập trung bàn luận về đề hay học ôn bám theo đề thi. Vì quá trình học tập là quan trọng, còn việc đánh giá chỉ giúp thí sinh học tốt hơn thôi” – tiến sĩ Chính chia sẻ.
Còn về kỳ thi của ĐH Quốc gia TP.HCM, Tiến sĩ Chính cho biết công tác tổ chức hay đề thi cũng sẽ thể hiện trách nhiệm giải trình với các cơ quan quản lý trực tiếp (như Bộ GD&ĐT…) về đề thi xây dựng thế nào, chấm điểm ra sao….Và hàng năm, ĐH Quốc gia TP.HCM đều thực hiện trách nhiệm giải trình này.
Được biết, đây là năm thứ 5 kỳ thi được tổ chức và cũng là năm có số thí sinh dự thi nhiều nhất với khoảng gần 80.000 em. Trong đó, gần phân nữa số thí sinh là thi tại TP.HCM. Đây cũng là năm có số điểm thi cũng được mở rộng ở nhiều địa phương để thuận tiện đi lại cho thí sinh.
Thí sinh dự thi trong 150 phút với đề trắc nghiệm có 120 câu hỏi ở nhiều lĩnh vực. Hết giờ làm bài, thí sinh phải nộp cả đề, phiếu trả lời trắc nghiệm lẫn giấy nháp sử dụng trong quá trình làm bài.
Kết quả kỳ thi sẽ được sử dụng để thí sinh đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH-CĐ có sử dụng phương thức này để tuyển sinh. Như năm 2022 này, có đến 84 trường ĐH-CĐ sử dụng kết quả này để xét tuyển.