Mã FLC của Tập đoàn FLC tiếp tục rơi xuống giá sàn 11.800 đồng/cổ phiếu trong phiên 30-3, với gần 102 triệu cổ phiếu dư bán sàn, tương đương với tổng giá trị hơn 1.200 tỉ đồng - Ảnh: BÔNG MAI
Dữ liệu giao dịch diễn ra trong hôm nay 30-3 cho thấy mức độ bán tháo ở các mã "họ FLC" đang tăng hơn so với các phiên trước.
Trong khi phiên hôm qua có một số mã thuộc "họ FLC" vẫn còn vươn lên sắc đỏ, thì phiên hôm nay chứng khoán cả "họ FLC" bị chìm trong màu xanh lơ của giá sàn.
Cụ thể, mã FLC hiện bị giảm sàn xuống 11.800 đồng/cổ phiếu, mã ROS (Xây dựng FLC Faros) còn 7.590 đồng/cổ phiếu, mã HAI (Nông dược H.A.I) 5.470 đồng/cổ phiếu, mã AMD (Đầu tư và khoáng sản FLC Stone) 5.760 đồng/cổ phiếu, KLF (Đầu tư Thương mại và xuất nhập khẩu CFS) 5.400 đồng/cổ phiếu và mã ART (Chứng khoán BOS) 8.800 đồng/cổ phiếu.
Trong các mã trên, FLC và ROS là hai thành viên bị mang ra bán nhiều nhất, với lần lượt xấp xỉ 102 triệu và hơn 93 triệu cổ phiếu dư bán sàn. Tổng số cổ phiếu của "họ FLC" bị dư bán sàn tạm thời xấp xỉ 225 triệu cổ phiếu.
Diễn biến trên xuất phát từ việc nhà đầu tư lo lắng khi bắt tạm giam chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết để điều tra hành vi thao túng thị trường chứng khoán.
Trên thị trường, mã STB của Sacombank lại rơi vào top 10 cổ phiếu kìm hãm sự tăng trưởng của chỉ số VN-Index vì bị nhà đầu tư bán ra.
"Một số thông tin cho rằng vấn đề này sẽ ảnh hưởng đến Sacombank bởi FLC Group là khách hàng có giao dịch tín dụng tại Sacombank. Bằng thông cáo báo chí này, Sacombank khẳng định các khoản vay của FLC Group đảm bảo tuân thủ pháp luật và an toàn", Sacombank nêu trong thông cáo.
Ngoài ra, ngân hàng này cũng cho biết các khoản vay trên đều có đầy đủ tài sản đảm bảo. Trường hợp có phát sinh rủi ro, Sacombank sẽ chủ động áp dụng các biện pháp xử lý tài sản bảo đảm theo quy định pháp luật để thu hồi nợ.
Trên thị trường, nhiều cổ phiếu khác thuộc ngành bất động sản cũng đang bị áp lực bán như CII (Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM), CEO (Tập đoàn C.E.O), HUT (Tasco), VHM (Vinhomes), HAR (Đầu tư thương mại bất động sản An Dương Thảo Điền)...
Bên cạnh đó, thị trường cũng bị áp lực bởi các doanh nghiệp có vốn hóa lớn thuộc nhiều ngành khác như DPM (Phân bón và hóa chất dầu khí), VJC (Vietjet Air), NVL (Novaland), DCM (Phân bón dầu khí Cà Mau), MSN (Masan), GVR (Công nghiệp cao su Việt Nam)...
Ở thế đối lập, nhiều cổ phiếu của doanh nghiệp có vốn hóa lớn đang nhận được dòng tiền lớn do nhà đầu tư đổ vào mua.
Trong đó, mã VIC của Vingroup đang trở thành tâm điểm, bởi nội dung trong tuyên bố được đăng trên trang web của Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã hoan nghênh VinFast xây dựng nhà máy sản xuất pin và ô tô điện ở bang North Carolina của Mỹ.
Hàng loạt mã khác thuộc nhóm ngân hàng đẩy thị trường đi lên như MBB (MBBank), VCB (Vietcombank), VPB (VPBank), TCB (Techcombank), VIB (VIB), BID (BIDV), CTG (VietinBank).
Về diễn biến chung, ở đầu phiên giao dịch chỉ số chứng khoán VN-Index có lúc sụt giảm hơn 6 điểm, nhưng sau đó nhanh chóng hồi phục lên sắc xanh tăng trưởng, hiện đang dùng dằng quanh mốc 1.500 điểm.
TTO - Ngày 29-3, hàng loạt cổ phiếu liên quan đến ông Trịnh Văn Quyết chìm trong 'chảo lửa', bị bán tháo và lao dốc mạnh. Riêng mã FLC bị rớt xuống giá sàn 12.650 đồng/cổ phiếu, tương đương giảm hơn 13% giá trị chỉ trong hai phiên.