Nhu cầu mua trả góp tăng
Tại các hệ thống bán lẻ Điện Máy Xanh, Nguyễn Kim, Thế Giới Di Động; các cửa hàng xe máy, nhu cầu mua hàng trả góp đang có xu hướng tăng lên.
Ông Đặng Thanh Phong - đại diện bộ phận truyền thông của Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh - cho biết, sức mua tại hệ thống này đã phục hồi 100% so với trước đợt dịch, thậm chí trong hai tháng vừa qua, sức mua đã tăng trưởng thêm 7 - 8% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, tỷ lệ khách mua hàng bằng hình thức trả góp cao hơn so với trả bằng tiền mặt; khách cũng chuộng trả góp thông qua các công ty tài chính hơn trả góp bằng thẻ tín dụng.
“Dịch bệnh đã ảnh hưởng và tác động trực tiếp đến thu nhập của người dân, nhất là những người có thu nhập thấp như công nhân, lao động tự do, tiểu thương. Hình thức trả góp phù hợp để họ mạnh dạn mua sắm, chi tiêu” - ông Đặng Thanh Phong giải thích.
Nhu cầu mua trả góp các loại hàng hóa thông dụng có xu hướng tăng khi thu nhập của nhiều người bị ảnh hưởng bởi dịch bện - Ảnh minh họa |
Lượng giao dịch vay tiền mặt để tiêu dùng trong sinh hoạt hằng ngày cũng tăng đáng kể. Ông Đinh Ngọc Bảo - Phó Giám đốc Easy Credit (thương hiệu thuộc Công ty Tài chính cổ phần Điện Lực) - cho biết, hiện nhu cầu vay tiền mặt tiêu dùng tăng cao hơn so với trước dịch. Ngoài kênh cho vay truyền thống, công ty hợp tác với các trung gian thanh toán như ví điện tử, sử dụng các ứng dụng mạng xã hội và truyền hình, các dịch vụ của bưu điện để tiếp cận với khách hàng. “Thông qua ứng dụng VietnamPost, khách có thể đăng ký khoản vay từ 10 - 35 triệu đồng, trả góp trong 30 tháng, lãi suất 1,83%/tháng rồi dùng khoản này thanh toán tiền mua hàng hóa, vé máy bay, đóng bảo hiểm” - ông thông tin.
Dư nợ cho vay tiêu dùng ở một số ngân hàng hiện khá cao. Tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) là khoảng 223.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 45% tổng dư nợ cho vay khách hàng cá nhân toàn hệ thống, trong đó chủ yếu là cho vay mua nhà ở (chiếm 32%), còn lại là vay tiêu dùng nhỏ lẻ.
Tín dụng "đen" chèo kéo
Theo tìm hiểu của chúng tôi, trước tình hình nhu cầu vay tiêu dùng tăng, các ứng dụng, dịch vụ cho vay không phép cũng tăng cường hoạt động, sử dụng mạng xã hội Facebook được sử dụng để tiếp cận, lôi kéo người vay thông qua các trang (fanpage), nhóm (group). Số lượng app mới cho vay tiền xuất hiện ngày càng nhiều, hiện có không dưới 100 app đang được quảng cáo trên mạng xã hội.
Các đối tượng cho vay nặng lãi đã sử dụng nhiều phương thức mới để mời chào, dụ dỗ người vay. Hình thức phổ biến là cam kết sẽ không truy cập vào danh bạ điện thoại của người vay. Tuy nhiên, các app này đều yêu cầu đồng bộ với danh bạ, thậm chí là dữ liệu điện thoại của người vay khi họ cài đặt.
Một trinh sát Công an TPHCM cho biết, nạn nhân vay qua app, qua các điểm tín dụng “đen” ngày càng nhiều. Nếu trước đây, chủ các app cho vay này chỉ thu hồi nợ bằng cách khủng bố tinh thần của người vay thì nay họ khủng bố tinh thần cả những người có sức ảnh hưởng đến người vay như cấp trên, đối tác, người yêu, người thân để đòi nợ.
Đại diện Công ty Tài chính HD Saison khuyên, khi có nhu cầu vay tiêu dùng, người dân cần phân biệt rõ ràng các tổ chức tín dụng hợp pháp được Ngân hàng Nhà nước cấp phép hoạt động với những điểm cho vay không phép.
Hiện nay, thủ tục vay tiền mặt tiêu dùng tại các công ty tài chính (đã được cấp phép) rất dễ dàng, nhanh chóng, thường chỉ yêu cầu có căn cước công dân gắn chip điện tử là đăng ký vay trực tiếp tại công ty từ 2 triệu đồng trở lên hoặc thông qua ứng dụng vay tiền mặt. Một số đơn vị tài chính chỉ yêu cầu khách hàng cung cấp ảnh chụp hai mặt căn cước công dân, số điện thoại và một ảnh chân dung người vay là đăng ký được các khoản vay. Các thông tin khác liên quan đến khách hàng sẽ được xác minh và đối chiếu qua việc truy vấn các nguồn cơ sở dữ liệu lớn để ra quyết định cho vay nhanh.
Thanh Hoa
Xem thêm: lmth.6030641a-ial-ort-gnat-gnud-ueit-yav-uac-uhn/nv.moc.enilnounuhp.www