Sinh viên dự talk show Cảm hứng khởi nghiệp ngày 31-3 - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Sau 2 năm diễn ra thành công liên tiếp (2019-2020), Tuổi Trẻ Golf Tournament for Start-up mùa 3 tiếp tục trở lại với sứ mệnh tạo sân chơi ý nghĩa và khích lệ tinh thần khởi nghiệp cho các start-up trong cả nước, đặc biệt là thanh niên, sinh viên.
Sau hơn một tháng diễn ra và trải qua vòng thẩm định gay cấn, 30 start-up tiêu biểu nhất sẽ sớm "lộ diện" trong sự kiện talk-show "Cảm hứng khởi nghiệp", trong đó có một start-up vinh dự nhận giải đặc biệt do PFEC Hòn Ngọc Viễn Đông trao tặng.
Năm nay các ý tưởng start-up gửi về tham dự chương trình được đánh giá là sáng tạo và trải dài trong nhiều lĩnh vực như y tế, sức khỏe, giáo dục, nông nghiệp… góp phần tăng thêm tính cạnh tranh và đa dạng.
Hội đồng thẩm định đã lựa chọn 30 start-up tiêu biểu để trao giải năm nay - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Bạn Phạm Thị Thùy Trang, học sinh lớp 12 trường THPT Trần Văn Quan, tác giả của ý tưởng thiết bị học toán, tiếng Anh cho trẻ em khiếm thị chia sẻ cả bạn và gia đình đều rất vui mừng khi được có mặt trong buổi vinh danh 30 start-up tiêu biểu của chương trình Tuổi Trẻ Golf Tournament for Start-up mùa 3.
"Cả mình và ba mình ban đầu đều không nghĩ rằng mình có thể tiến vào vòng trong của chương trình. Khi hay tin, cả gia đình đều rất vui. Ba mình vui đến mức đã thức cả đêm, 5h sáng đã khởi hành từ Bà Rịa - Vũng Tàu lên Thủ Đức để tham dự sự kiện", Thùy Trang chia sẻ.
Sinh viên năm 4 ĐH Bách Khoa TP.HCM Trần Hồng Quân chia sẻ bản thân chưa từng khởi nghiệp, tuy nhiên chính những câu chuyện, hành trình lập thân lập nghiệp mà báo Tuổi Trẻ đăng tải bấy lâu đã thôi thúc Quân tham dự buổi talk-show lần này từ rất sớm.
"Đọc báo, thấy nhiều anh chị, thậm chí là những bạn nhỏ tuổi hơn mình quá giỏi, dù gặp nhiều khó khăn nhưng họ dám theo đuổi ước mơ tới cùng. Mình mong sẽ tìm được nguồn cảm hứng khởi nghiệp trong mình qua buổi trò chuyện, đúng hơn là lắng nghe những câu chuyện người thật việc thật từ chương trình", Quân cho hay.
Theo học ngành Ngôn ngữ Tây Ban Nha (trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH QG TP.HCM) là một trong những gạch đầu dòng cần có mà Thanh Mai (19 tuổi) đã gạch ra trong kế hoạch khởi nghiệp với ngành du lịch. "Tôi đọc báo và theo dõi rất nhiều các gương điển hình start-up thành công. Nghị lực phi thường của họ là lý do thôi thúc tôi phải luôn trau dồi kiến thức, kinh nghiệm để chuẩn bị thật tốt cho dự án của mình, cũng là lý do tôi đến đây, để học học các start-up đi trước", Thanh Mai nói.
* Tuổi Trẻ Online cập nhật.
Mời độc giả xem trực tiếp buổi talk-show tại kênh youtube của báo Tuổi Trẻ tại đây, hoặc tại link Facebook.
TTO - Có thời điểm, nhiều ngành kinh tế mũi nhọn đã hoàn toàn "đóng băng" thời gian dài, vậy bằng cách nào các start-up Việt từ mục tiêu sống sót thành sống tốt?