Trong thời gian qua, nhiều đoàn phim Việt đã nỗ lực tạo nên những khung hình đẹp trong phim. Nhưng vì sao chưa có bộ phim truyền hình nào của ta có thể tạo nên một cú hích cho du lịch?
Bắt đầu từ ngày 6-3, bộ phim Lụa lên sóng trên kênh HTV7 lúc 19h45. Đây là bộ phim mới của Hãng TFS được đầu tư lớn với những cảnh quay Quảng Nam, Ninh Thuận, Bình Thuận, Lâm Đồng...
Đạo diễn Trần Đức Long bộc bạch anh có tham vọng đưa cảnh đẹp đất nước và cả nghề dệt lụa truyền thống của Việt Nam đến với khán giả.
Phim ảnh có thể hồi sinh tài nguyên du lịch
Trước đây, khán giả đã dành những lời khen cho những khung hình trong phim Ngày ấy mình đã yêu bởi cảnh quay đẹp của mảnh đất Phú Yên.
Hay như vườn mận trắng ngần, những đồi hoa cải trắng trong Hướng dương ngược nắng được quay ở Mộc Châu, Sơn La mang lại nhiều rung động cho người xem trước thiên nhiên trữ tình.
Bộ phim Mẹ rơm cũng tạo ấn tượng về hình ảnh đẹp, yên bình ở vùng đất Ninh Thuận, nơi có bầy cừu, cánh đồng bát ngát, những con suối róc rách và núi rừng hùng vĩ...
Và hiện tại, bộ phim Màu cát đang phát sóng trên kênh SCTV14 cũng phần nào giới thiệu được vẻ đẹp của những bãi cát trải dài vùng đất đầy nắng gió Bình Thuận, Ninh Thuận.
Thế nhưng cảnh đẹp trong phim Việt chỉ mới dừng lại ở mức khiến khán giả trầm trồ lúc xem, còn chưa thể tác động đến du khách như các phim nước ngoài.
Trong bộ phim Trung Quốc Đi đến nơi có gió vừa phát sóng vào tháng 1 vừa qua, khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp và hiền hòa cùng cuộc sống nhàn nhã đã giúp cho Đại Lý - nơi quay phim - hồi sinh. Số lượng khách du lịch đến nơi đây tăng một cách chóng mặt.
Trước khi phim được phát sóng, số lượng khách du lịch đến Đại Lý khoảng 50 đến 100 người trong một ngày, nhưng hiện nay số lượng khách du lịch đã tăng vọt lên gần 3.000 người mỗi ngày.
Trước thành công này, tỉnh Vân Nam đã lấy bộ phim Đi đến nơi có gió làm tiền đề cho việc thảo luận chuyên sâu về cách Vân Nam có thể hồi sinh nền kinh tế tài nguyên văn hóa và du lịch bằng các tác phẩm văn học và phim ảnh.
Trước đó, cơn sốt của phim Hàn Quốc Điệu cha cha cha làng biển (Hometown Cha Cha Cha) đã khiến khách du lịch xứ kim chi tìm đến Pohang - thành phố thuộc tỉnh Gyeongsangbuk-do, Hàn Quốc - tăng lên một cách bất thường...
Cần kết nối giữa nhà sản xuất phim và địa phương
Có thể thấy hiện tại những bối cảnh đẹp trong phim Việt chủ yếu chỉ để phục vụ cho nội dung phim. Còn từ phim truyền hình thúc đẩy du lịch là một điều khá xa vời. Với phim điện ảnh, bộ phim gần nhất được xem đã ít nhiều thúc đẩy du lịch cho bối cảnh quay - Phú Yên - là Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh.
Để tạo ra một cảnh đẹp ấn tượng trong phim không phải là điều dễ dàng. Như với phim truyền hình Miền chân sóng, giám đốc hình ảnh người nước ngoài Burack phải đợi ba ngày mới quay được cảnh biển chiều hôm ở Long Hải. Burack yêu cầu máy chuẩn bị sẵn từ 14h - 18h không được quay gì khác, đợi khi nào đo ánh sáng chuẩn là ghi hình.
Đạo diễn Nhâm Minh Hiền (phim Màu cát) cho biết để có những cảnh đẹp trong Màu cát, đoàn phim leo lên bốn đồi cát đẹp Nam Cương, Bàu Trắng, Suối Hồng, Cát Cô Đơn... khá vất vả khi nắng gay gắt và gió luôn thổi cát vào máy móc thiết bị.
Đạo diễn Phương Điền thì kể việc chọn Phan Rang (Ninh Thuận) làm bối cảnh chính cho phim Mẹ rơm khiến kinh phí sản xuất đội lên nhiều lần. "Tôi chọn quay trong khu vực vùng núi còn khá vắng vẻ, có sông suối... để tạo nên bối cảnh đẹp và phù hợp với câu chuyện phim chứ thật sự thì cũng chưa nghĩ đến yếu tố du lịch.
Ban đầu cũng không có ai để ý đến đoàn phim. Khi đoàn phim quay được một tuần thì tỉnh có chú ý và hỗ trợ. Lúc phim phát sóng có anh em bên Sở Văn hóa Du lịch Ninh Thuận gửi hình ảnh cảnh đẹp của tỉnh và nhắn nếu quay phim có thể đến nơi này để quay" - đạo diễn Phương Điền cười cho biết.
Theo biên kịch Đặng Thanh (phim Nữ xế, Gió vẫn thổi từ biển, biên tập Miền chân sóng...), phim Trung Quốc, Hàn Quốc được đầu tư nhiều kinh phí, sau đó bán cho các hạ tầng phát sóng cùng lúc, có nhiều nguồn thu để tiếp tục đầu tư. Họ cũng rất biết khai thác tài nguyên du lịch qua phim.
"Để phim truyền hình có thể là kênh quảng bá du lịch, tôi nghĩ điều quan trọng là mức độ đầu tư và sự hợp tác giữa các bên ngay từ khâu viết kịch bản đến sản xuất. Biên kịch, đạo diễn và các đơn vị tỉnh cần có sự trao đổi liên tục để có thể tạo nên một bộ phim mang đậm dấu ấn của tỉnh đó.
Chứ bây giờ cảnh đẹp trong phim chỉ mang tính tự phát, ngẫu nhiên. Và dĩ nhiên, sức mạnh để phim truyền hình Việt có thể giúp phát triển du lịch đó là chất lượng phim. Nội dung phim không hay, diễn viên diễn xuất kém... mờ nhạt thì dù phim có cảnh đẹp đến mấy cũng thất bại" - biên kịch Đặng Thanh thẳng thắn.
TTO - Ngày 13-9, Hội thảo "Khánh Hòa - Điểm kết nối lý tưởng của điện ảnh và du lịch" nằm trong khuôn khổ Giải thưởng Cánh diều 2021 đã bàn nhiều giải pháp quảng bá, thu hút du lịch thông qua điện ảnh.
Xem thêm: mth.40884429010303202-hnis-ioh-hcil-ud-ohc-gnom-gnuhn-av-oig-oc-ion-ned-id/nv.ertiout