vĐồng tin tức tài chính 365

TP.HCM tập trung tháo gỡ khó khăn trong việc xây trường lớp

2023-03-03 06:30

Ngày 2-3, UBND TP.HCM tổ chức hội nghị về thực hiện chỉ tiêu 300 phòng học/10.000 dân số trong độ tuổi đi học (3-18 tuổi) trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2021-2025.

Khó đạt 300 phòng học/10.000 dân đến năm 2025

Chia sẻ tại hội nghị, nhiều quận thông tin đến năm 2025 khó đạt mục tiêu300 phòng học/10.000 dân do vướng nhiều khâu.

Thực tế nhiều nơi con em công nhân, người lao động tại các khu đô thị nhưng lại không có điều kiện học mặc dù khu đó có trường song lại là trường quốc tế, học phí lên đến cả tỉ đồng. Địa phương, ngành giáo dục phải có tiếng nói mạnh mẽ vì lợi ích của người dân. Chúng ta cần rà soát, chấn chỉnh, đất giáo dục phải phục vụ mục tiêu giáo dục, phải phục vụ đông đảo người dân chứ không phải chỉ một bộ phận nào đó.

Ông DƯƠNG ANH ĐỨC, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM

Ông Võ Thanh Dũng, Phó Chủ tịch UBND quận 4, cho biết quận có dự án triển khai từ năm 2017 nhưng đến nay không thực hiện được do gặp khó khăn trong bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB).

Mặt khác, nhiều dự án quan trọng cấp thiết của TP đặt trên địa bàn quận 4, trong đó có dự án về giao thông đã khiến trường học phải di dời. Tuy nhiên, tìm vị trí đất khác để xây dựng thì lại vướng. Quận có mấy trường sắp sập nhưng đến nay vẫn chưa có vốn để thực hiện sửa chữa, cải tạo. Đặc biệt, theo chuẩn xây dựng mới, một trường học có 15 lớp, nếu đập ra xây dựng mới thì chỉ còn 10 lớp.

Bà Đào Thị My Thư, Phó Chủ tịch UBND quận Gò Vấp, cho biết quận còn thiếu 1.300 phòng học và gặp khó khăn lớn nhất trong việc bồi thường, GPMB để xây trường do mức giá quá thấp. Bà Thư dẫn chứng dự án xây hai trường tiểu học và THCS ở quận 9 đang bị vướng do người dân chưa đồng thuận mức giá bồi thường.

“Quận mong TP xem xét nâng giá bồi thường ở mức phù hợp hoặc điều chỉnh dự án đưa một phần vào tái định cư, như vậy mới GPMB cho dự án xây trường” - bà Thư chia sẻ.

Tương tự, bà Võ Thị Chính, Phó Chủ tịch UBND quận 12, thông tin đến cuối năm 2022 toàn quận đạt 235 phòng học/10.000 dân. Dự kiến đến năm 2025 quận phải có thêm 1.700 phòng học nữa mới đạt chỉ tiêu nhưng rất khó thực hiện. Theo bà, dự án xây mới trường học đang gặp nhiều khó khăn, nhất là quy định đầu tư công có thủ tục rất phức tạp.

Đất bỏ hoang nhưng không thể thu hồi để xây trường

Trong khi chờ gỡ vướng chính sách, trong phạm vi của mình các quận, huyện cũng tìm mọi cách để có khu đất xây trường cho học sinh.

Bà Chính cho biết bên cạnh quỹ đất sạch do TP quản lý, hiện quận 12 đang rà soát và kiến nghị TP thu hồi 14 khu đất của công ty, xí nghiệp do Nhà nước quản lý nhưng không sử dụng, bỏ hoang từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, đến nay chưa có chủ trương thu hồi các khu đất này.

Đơn cử, quận có khu đất là Trung tâm Sâm dược liệu (Bộ Y tế) đang bỏ hoang, chỉ trồng vài cây sả nằm kế bên trường học đang xuống cấp trầm trọng. Địa phương đã xây trường mới và đề xuất thu hồi khu đất này để mở rộng trường cũ. TP đã làm việc với Bộ Y tế nhưng chưa thống nhất được phương án.

“14 khu đất, nơi thì bỏ hoang, nơi thì cho thuê lại không đúng mục đích sử dụng nhưng thu hồi thì khó” - bà Chính trăn trở.

TP.HCM tập trung tháo gỡ khó khăn trong việc xây trường lớp ảnh 1
Thiếu phòng học nên sĩ số học sinh tại Trường Tiểu học Lê Văn Thọ, quận 12 luôn trên 50 học sinh/lớp. Trong ảnh: Một tiết học của học sinh lớp 1. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Tại quận Gò Vấp, bà Thư cho biết quận đang rà soát các khu đất quy hoạch công nghiệp. Qua khảo sát, những khu đất này có diện tích khá rộng và có thể điều chỉnh một phần để xây trường. Vừa qua, quận cũng được công ty công nghiệp vạch ra một khu đất ở phường 17. Hiện quận đang xin chủ trương TP để triển khai dự án.

Theo bà Thư, đến năm 2025 quận sẽ xây dựng được năm dự án trường công lập và có thêm năm trường ngoài công lập từ chủ trương xã hội hóa. “Quận mong muốn TP quan tâm tạo điều kiện để được chấp thuận chủ trương đầu tư, chấp thuận hồ sơ kế hoạch vốn sớm triển khai dự án” - bà Thư bày tỏ.

Tổng rà soát các dự án

Ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, đề nghị các địa phương phối hợp với sở, ngành liên quan tập trung giải quyết những khó khăn, vướng mắc, vấn đề nào vượt quá thẩm quyền thì TP sẽ tiếp tục kiến nghị trung ương.

Ông Đức cho biết trước đây TP có rất nhiều dự án khu đô thị mới, theo quy hoạch đều phải có đất dành cho giáo dục, y tế. Do đó, các địa phương phải kết hợp với ngành giáo dục rà soát từng dự án xem có dành đất để xây trường không và báo cáo cụ thể.

Ngoài ra, Phó Chủ tịch UBND TP cũng cho biết trong quá trình xây trường cần chú ý đến bố cục, công năng. “Trường học phải ra trường học, tránh việc xây trường theo hình hộp cho đủ phòng mà không có ý tưởng, bố cục ” - ông Đức nói.

Chỉ tiêu 300 phòng học/10.000 dân không phải là con số tổng thể

Để thực hiện chỉ tiêu 300 phòng học/10.000 dântrên địa bàn, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức đề nghị các quận, huyện rà soát quy mô, số lượng, chất lượng các cơ sở giáo dục, đối chiếu chỉ tiêu và phối hợp với ngành giáo dục, sở, ngành liên quan xây dựng lộ trình cụ thể. Việc đạt được chỉ tiêu đối với địa phương không phải là con số tổng thể mà từng khối học, cấp học phải đạt tiêu chí.

Đối với địa bàn quy mô nhỏ như các quận 1, 3, 4, 5, lưu ý khoảng cách vật lý chứ không theo địa giới hành chính.

Ông Đức lưu ý các địa phương tích cực rà soát xác định vị trí, nhu cầu sử dụng đất phát triển giáo dục để làm cơ sở. Đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư trên lĩnh vực giáo dục tăng cường nguồn lực xã hội.

TP.HCM tập trung tháo gỡ khó khăn trong việc xây trường lớp ảnh 2
Ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP, phát biểu tại hội nghị.
Ảnh: N.QUYÊN
NGUYỄN QUYÊN

Xem thêm: lmth.502227tsop-pol-gnourt-yax-ceiv-gnort-nahk-ohk-og-oaht-gnurt-pat-mchpt/nv.olp

“TP.HCM tập trung tháo gỡ khó khăn trong việc xây trường lớp”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools