Tròn 1 năm trước, Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) “tung đòn” đầu tiên để chống lại làn sóng lạm phát đã bao trùm nền kinh tế lớn nhất thế giới trong ít nhất là 1 năm trước đó. Ban đầu, Fed khá “nhẹ tay”: chỉ tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm. Nhưng vài tháng sau, lạm phát Mỹ tăng vọt lên mức cao nhất kể từ cuối năm 1981.
Các quan chức Fed không mất nhiều thời gian để nhận ra rằng họ cần mạnh tay hơn nữa. Tổng cộng lãi suất cơ bản đã tăng tới 4,5 điểm phần trăm, lên mức cao nhất kể từ 2007.
1 năm sau khi Fed kiên cường chiến đấu với lạm phát, bức tranh hiện tại ra sao?
Có vẻ như các đợt tăng lãi suất đã giúp giải tỏa bớt áp lực lạm phát. Tuy nhiên, không thể phủ nhận Fed đã quá chậm chạp khi không sớm tăng lãi suất. Và giờ đây ngày càng nhiều người đặt câu hỏi Fed sẽ mất bao lâu để có thể đưa lạm phát trở về mức mục tiêu 2%.
“Họ có 1 con đường dài phải đi”, Quincy Krosby, chiến lược gia của LPL Financial nói. “Vì họ đã mất rất nhiều thời gian để nhận ra rằng lạm phát khó xử lý hơn nhiều so với những đánh giá ban đầu”.
Trong suốt nhiều tháng, Fed vẫn kiên quyết khẳng định lạm phát chỉ là “tạm thời” và sẽ tự điều chỉnh. Nhưng thực tế chứng minh điều ngược lại. Giá cả tăng vọt, tiền lương cũng tăng nhưng không thể theo kịp, để lại cho công chúng ấn tượng rằng Fed đã “ngủ gật” trong khi lạm phát hoành hành và đe dọa thổi bùng lên khủng hoảng kinh tế. Một khảo sát do Gallup thực hiện cuối năm 2022 cho thấy chỉ 37% người dân Mỹ có ấn tượng tốt với Fed, dù trước đó không lâu Fed vẫn là một trong những tổ chức công được tín nhiệm nhất.
“Không phải là chỉ trích gì nhưng các quan chức Fed khiến người dân nghĩ rằng hiểu biết về lạm phát của họ không hơn người tiêu dùng bình thường là mấy. Đó là điều rất quan trọng và tạo ấn tượng xấu”. Mùa hè năm ngoái, có lúc giá năng lượng đã tăng hơn 41% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát giá thực phẩm ở mức hơn 11%. Đặc biệt giá một số mặt hàng như trứng, vé máy bay và thức ăn cho thú cưng tăng phi mã.
Chỉ số CPI và chỉ số CPE ngoại trừ thực phẩm và năng lượng ở Mỹ từ năm 2018 đến nay.
Trong bài phát biểu mới nhất, Chủ tịch Fed Jerome Powell vẫn nói rằng ông và các đồng nghiệp đang triển khai những biện pháp mạnh để hạ nhiệt lạm phát. Powell và phần lớn các nhà hoạch định chính sách khác đều đồng thuận rằng họ quá chậm chạp trong việc nhận ra làn sóng lạm phát đã ăn sâu bén rễ trong nền kinh tế, nhưng vẫn khẳng định mình đang hành động đúng đắn để giải quyết vấn đề.
Ít nhất thì trong thời gian gần đây đã có nhiều dấu hiệu cho thấy một trong những chỉ số được theo dõi chặt chẽ nhất là giá tiêu dùng do Bộ Lao Động Mỹ thống kê đang đi đúng hướng.
CPI tăng 6,4%, giảm so với mức khoảng 9% trong mùa hè năm ngoái. Chỉ số tiêu dùng cá nhân (mà Fed nhận định là nhạy hơn với những thay đổi trong hành vi của người tiêu dùng) cũng giảm xuống còn 5,4%.
Nhưng với lạm phát vẫn ở trên mức mục tiêu của Fed, trên thị trường tài chính ngày càng xuất hiện nhiều lo ngại rằng Fed cần tăng lãi suất hơn nữa, thậm chí mạnh hơn những gì các quan chức Fed dự báo. Fed đã giảm tốc độ tăng lãi suất, sau 3 quý liên tiếp tăng 0,75% là mức tăng 0,5% trong tháng 12 và 0,25% vào đầu tháng 2.
Nỗi lo suy thoái
Theo Steven Blitz, chuyên gia kinh tế trưởng tại TS Lombard, Fed đã giảm tốc quá sớm. Ngoài ra thị trường còn có 1 nỗi sợ khác: Fed sẽ gây ra suy thoái vì lãi suất tăng quá mạnh. Hiện lãi vay qua đêm cơ bản đang nằm trong khoảng 4,5% - 4,75%. Thị trường dự báo lãi suất sẽ lên đến 5,25% - 5,5% trước khi ngừng tăng.
Nếu không có suy thoái, đến cuối năm nay lãi suất liên bang sẽ ở mức 6%, còn nếu suy thoái xảy ra thì con số chỉ là 3%. Theo số liệu từ Fed Atlanta, GDP tăng trưởng 2,3% trong quý I, giảm nhẹ so với mức 2,7% của quý IV năm ngoái.
Các động thái của Fed ảnh hưởng nhiều nhất đến những lĩnh vực nhay cảm với lãi suất. Giá nhà đã giảm xuống từ mức đỉnh cao chót vót ở thời điểm đầu dịch, trong khi thung lũng Silicon chật vật vì giá cả leo thang giữa cơn bão sa thải.
Dẫu vậy, nhìn chung thị trường lao động vẫn khỏe mạnh. Tỷ lệ thất nghiệp ở mức 3,4%, thấp nhất kể từ năm 1953. Khoảng trống lớn giữa số việc cần tuyển người và số lao động sẵn có trên thị trường là một trong những lý do khiến các chuyên gia kinh tế tự tin Mỹ có thể tránh được suy thoái trong năm nay.
Số việc làm mới theo tháng. Nguồn: CNBC.
Một số chuyên gia kinh tế đang nghĩ đến hiện tượng gọi là “rolling recession”, tức toàn bộ nền kinh tế không suy thoái nhưng các ngành cụ thể thì có. Ví dụ như thị trường bất động sản đang rất ảm đạm và ngành sản xuất cũng đã suy giảm 3 tháng liên tiếp. Ngược lại, doanh số bán lẻ vẫn tăng trưởng tốt trong tháng 1 nhờ các khoản tiết kiệm được mang ra chi tiêu, giúp các nhà hàng và quán bar vẫn đông khách hay hoạt động thương mại điện tử vẫn khá sôi động.
Doanh số bán lẻ hàng tháng hồi phục mạnh mẽ. Nguồn: CNBC.
Đây là tin tốt, nhưng rõ ràng các quan chức Fed sẽ cảm thấy không mấy dễ chịu vì mục tiêu của họ là cố gắng giảm tốc nền kinh tế để có thể kiểm soát lạm phát.
Chuyên gia kinh tế Andrew Hollenhorst của Citigroup dự báo đến cuối năm nay Fed sẽ đưa lạm phát xuống khoảng 4%, giảm đáng kể so với số liệu lạm phát lõi mới nhất là 5,6% nhưng còn cách khá xa mục tiêu 2%.
Các chính sách của Fed tác động đến nền kinh tế thông qua các “điều kiện tài chính” – gồm rất nhiều chỉ số bao phủ mọi thứ từ chênh lệch lợi suất trái phiếu đến các chỉ số chứng khoán, lãi suất thế chấp và nhiều thứ phức tạp hơn.
Chủ tịch Fed Minneapolis Neel Kashkari cho rằng có nhiều bằng chứng cho thấy chính sách đang hoạt động hiệu quả, dù còn rất nhiều việc phải làm. “Mọi thứ đang đi đúng hướng như Fed mong muốn, nhưng nếu chúng ta tuyên bố chiến thắng quá sớm, mọi thứ sẽ bị lật ngược và Fed lại phải hành động quyết liệt hơn nữa để quay ngược tình hình. Vì thế trước khi dừng lại, chúng ta phải giải quyết dứt điểm mọi thứ”.
Tham khảo CNBC