Cụ thể, trong vụ việc trên, Vietravel Airlines đề xuất bồi thường theo mức 120.000 đồng/kg; nếu sau 21 ngày, các bên không tìm được hành lý thất lạc, hãng sẽ đền tiền theo trọng lượng hành lý, mỗi kg 20 USD, tương đương 476.000 đồng. Hành khách không đồng ý với phương án giải quyết này, cho rằng mức bồi thường chưa thỏa đáng.
Trao đổi với phóng viên Báo Phụ nữ TPHCM, ông Nguyễn Vũ Hoàng - Giám đốc tiếp thị và truyền thông, Vietravel Airlines - cho hay, hãng vẫn đang phối hợp với bộ phận phụ trách hành lý tại nhà ga đến của sân bay quốc tế Nội Bài tìm kiếm hành lý cho khách.
Một máy bay của hãng Vietravel Airlines chuẩn bị khởi hành từ TP Hà Nội đi Bangkok (Thái Lan) - Ảnh: Quốc Thái |
Theo ông, mức bồi thường 5 USD (tương đương 120.000 đồng) cho mỗi kg hành lý thất lạc chỉ là mức bồi thường được hãng thực hiện ngay khi hành khách trình báo. Theo điều lệ vận chuyển của hãng, hành lý chỉ được xác định bị mất nếu sau 21 ngày mà các bên vẫn không tìm được. Khi đó, hãng sẽ bồi thường theo mức 20 USD/kg hành lý.
Ông nói: “Hiện nhiều hãng hàng không trong nước cũng quy định mức bồi thường 20 USD/kg. Thực tế, mức bồi thường mất hành lý ở nước ngoài còn thấp hơn ở Việt Nam. Các hãng hàng không Việt Nam đang có chính sách riêng để xử lý và đều dựa theo Công ước Warsaw, Nghị định thư Hague, Nghị định thư Montreal và Công ước Montreal hiện hành. Nếu hành khách không đồng ý với mức bồi thường của hãng thì có thể khởi kiện”.
Theo điều 22 Công ước Montreal, hãng bay có trách nhiệm bồi thường một khoản tiền nhất định cho mỗi ký hành lý ký gửi và hàng hóa nếu để mất, trừ khi khách công bố giá trị vào lúc giao hàng và trả thêm tiền nếu có yêu cầu. Điều này có nghĩa, nếu hành khách không công bố, kê khai hàng hóa bên trong va li, hãng sẽ bồi thường trong mức trách nhiệm giới hạn của mình.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư TPHCM - cho rằng, nếu không chấp nhận mức đền bù thiệt hại, hành khách có thể kiện hãng hàng không. Tuy nhiên, hành khách phải chứng minh được rằng những thứ hành lý mình bị mất gồm những gì, chẳng hạn chiếc va li thương hiệu gì, hóa đơn mua và bên trong chứa những vật gì, có gì chứng minh giá trị của chúng.
Hiện các hãng hàng không trong nước như Vietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways cũng dựa trên các công ước quốc tế về vận chuyển hàng không để đưa ra quy định bồi thường cho khách. Chẳng hạn, hãng Vietjet Air bồi thường cho khách bị thất lạc hành lý theo cân nặng của hành lý, mức bồi thường cho khách đi trong nước là 200.000 đồng/kg, đi quốc tế là 20 USD (tương đương 476.000 đồng)/kg. Đối với hành lý ký gửi bị hư hỏng từng phần, Vietjet Air bồi thường 150.000 đồng nếu va li bị gãy tay kéo, gãy bánh xe, đứt dây kéo, rách hoặc lõm, bồi thường 200.000 đồng nếu va li bị vỡ phần đáy túi; bồi thường 300.000 đồng nếu va li bị nứt hoặc bẹp.
Đại diện hãng Bamboo Airways cho hay, một hành khách của hãng này từng bị thất lạc hành lý trên chuyến bay từ Hà Nội ra Phú Quốc cuối tháng 1/2023. Nhưng ngay sau đó, hãng đã tìm được hành lý cho hành khách. Khi vụ việc xảy ra, hãng gọi điện thoại cho tất cả các hành khách đi cùng chuyến bay để tìm hành lý thất lạc, đồng thời phối hợp với cảng hàng không Phú Quốc kiểm tra camera an ninh sân bay tại khu hành lý để xác định người “cầm nhầm” và lấy lại hành lý cho khách.
Trong điều lệ vận chuyển, các hãng hàng không đều yêu cầu không chuyên chở thiết bị điện tử (máy tính xách tay, điện thoại, máy ảnh, máy quay, máy nghe nhạc…), tiền bạc, đồ trang sức, hộ chiếu, vật phẩm dễ vỡ, chìa khóa, giấy tờ tùy thân, các loại giấy tờ khác theo dạng ký gửi. Một số hãng bay còn khuyến khích hành khách mua bảo hiểm cho hành lý ký gửi.
Quốc Thái
Xem thêm: lmth.0166841a-oas-ar-gnouht-iob-coud-yl-hnah-tam-yab-yam-id/nv.moc.enilnounuhp.www