Ngoài những mặt đã đạt được, trong cuộc phỏng vấn với phóng viên Tuổi Trẻ, TS Phạm Vũ Quốc Bình - phó tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) - đã nhìn nhận những yếu kém, thách thức trong sự phát triển của giáo dục nghề nghiệp, giải pháp đột phá cho đề án "Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam".
Tuyển sinh đạt 108% kế hoạch
* Hệ thống giáo dục nghề nghiệp cả nước trong năm 2022 ghi nhận những điểm đáng chú ý nào, thưa ông?
- Những năm qua, công tác tuyển sinh của các trường gặp khá nhiều khó khăn do tâm lý trọng bằng cấp đã ăn sâu trong xã hội, cùng với việc các trường đại học hiện đang mở toang mọi cánh cửa để đón người học. Ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 khiến các trường tuyển sinh thêm khó.
Bước sang năm 2022, dù tuyển sinh trung cấp, cao đẳng chưa đạt 100% chỉ tiêu nhưng tổng thể công tác tuyển sinh năm 2022 vẫn vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Tổng tuyển sinh cả ba cấp trình độ trong giáo dục nghề nghiệp là sơ cấp, trung cấp, cao đẳng năm 2022 được 2,26 triệu người, đạt 108,35% kế hoạch.
Một phần là nhờ hệ thống giáo dục nghề nghiệp triển khai các chương trình đào tạo - đào tạo lại để kịp thời cung ứng nguồn nhân lực lao động trực tiếp cho các doanh nghiệp thiếu hụt do ảnh hưởng của dịch bệnh.
* Bên cạnh những tích cực, đâu là những điểm nghẽn cho sự phát triển của giáo dục nghề nghiệp hiện nay, thưa ông?
- Tôi sẽ trao đổi thẳng thắn về một số điểm nghẽn hiện nay của giáo dục nghề nghiệp.
Thứ nhất, quy mô giáo dục nghề nghiệp còn nhỏ, cơ cấu ngành nghề, trình độ chưa phù hợp, chất lượng, hiệu quả đào tạo chưa cao, đặc biệt là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, ngành nghề mới, kỹ năng mới.
Thứ hai, gắn kết Nhà nước - nhà trường - doanh nghiệp trong phát triển giáo dục nghề nghiệp chưa chặt chẽ.
Thứ ba, việc chuyển giao, nhân rộng các chương trình theo chuẩn quốc tế còn nhiều khó khăn, thiếu đồng bộ.
Thứ tư, hình thức tổ chức đào tạo chưa đa dạng, linh hoạt; đào tạo lại, đào tạo thường xuyên cho người lao động chưa được chú trọng và hiệu quả, chưa tạo cơ hội học tập suốt đời cho người dân.
Thứ năm, việc giảng dạy Chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa được quan tâm, giải quyết nhằm đảm bảo nhu cầu của người học hiện nay.
Xây dựng trung tâm quốc gia, vùng đào tạo chất lượng cao
* Chính phủ hiện rất quan tâm đến "nâng cao kỹ năng lao động" cho Việt Nam. Trong thời gian tới, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp sẽ có những chiến lược nào để thực hiện nhiệm vụ này, thưa ông?
- Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đang triển khai nhiều biện pháp trong chiến lược Giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn 2045, đang tham mưu nhiều biện pháp đột phá trong dự thảo đề án "Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam" và dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật việc làm về đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia.
Biện pháp cụ thể có tính đột phá là phát triển Hội đồng kỹ năng nghề các cấp nhằm kết nối các bộ, ngành, các thành viên Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp, các cơ sở đào tạo và các đối tác liên quan từ cấp quốc gia, cấp ngành và cấp cơ sở trong việc đối thoại, phối hợp trong tham vấn, tư vấn và triển khai đồng bộ các chính sách về phát triển giáo dục nghề nghiệp, phát triển kỹ năng theo yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
* Không ít các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trang thiết bị nhìn chung vẫn còn lạc hậu, theo ông, giải quyết "bài toán" này cần những giải pháp ra sao?
- Trong giai đoạn 2016-2020, nguồn lực tài chính cho lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp còn hạn hẹp. Trong khi đó, việc thu hút nguồn vốn xã hội hóa cho giáo dục nghề nghiệp cũng hạn chế do chi phí đầu tư khổng lồ.
Để giải quyết bài toán "trang thiết bị phù hợp với phát triển khoa học, công nghệ", tổng cục đã xây dựng, đề xuất với Chính phủ xây dựng các chương trình, dự án để hỗ trợ cho lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp trong kế hoạch đầu tư công trung hạn để đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, đầu tư các nội dung, hoạt động có tác động cho toàn hệ thống.
Đặc biệt sẽ đầu tư, xây dựng để hình thành các trung tâm quốc gia, vùng đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao tại các vùng kinh tế để cung cấp dịch vụ đào tạo và thực hành các kỹ năng mới trong các chương trình giáo dục nghề nghiệp.
Trung tâm được vận hành theo mô hình kinh tế chia sẻ thông qua việc tối ưu hạ tầng, cơ sở vật chất nhằm tạo điều kiện cho người học được thực hành nghề một cách tốt nhất, đồng thời cung cấp cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cơ sở vật chất, thiết bị để tổ chức thực hành tiên tiến...
Nhiều cơ hội tiếp cận doanh nghiệp nước ngoài
* Sau đại dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp từ các nước đã tìm đến các trường nghề Việt Nam "đặt hàng" học viên. Ông đánh giá thế nào về những cơ hội "quốc tế hóa" giáo dục nghề nghiệp trong thời gian tới?
- Sau COVID-19, việc khan hiếm về nhân lực cùng với việc Việt Nam đã tham gia nhiều hiệp định thương mại quốc tế như EVFTA, CPTPP, VKFTA, AANZFTA... đã mở ra nhiều cơ hội cho giáo dục nghề nghiệp tiếp cận với các doanh nghiệp nước ngoài, cọ xát với môi trường làm việc của nước ngoài.
Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ký kết với nhiều tập đoàn, hiệp hội, doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp FDI và các cơ quan của Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc... về việc đào tạo và cung ứng lao động qua đào tạo.
"Không cạnh tranh tuyển sinh với đại học"
* Nhiều trường trung cấp, cao đẳng vẫn gặp không ít khó khăn khi cạnh tranh với các trường đại học mỗi mùa tuyển sinh. Để các trường nghề ngày càng có sức hút, theo ông, cần phải triển khai những bước đi nào?
- Tôi nghĩ giáo dục nghề nghiệp không đặt ra vấn đề cạnh tranh tuyển sinh với giáo dục đại học bởi vì học tập là mong muốn và nguyện vọng chính đáng của tất cả mọi người. Hệ thống giáo dục nghề nghiệp chỉ tăng cường công tác thông tin để người học, các bậc phụ huynh và xã hội thay đổi quan điểm về vấn đề học nghề, lập nghiệp.
Trong đó, sẽ chỉ ra sự lãng phí về thời gian và tiền bạc của gia đình và xã hội khi cố gắng bằng mọi cách để học lấy tấm bằng đại học để rồi khi tham gia thị trường lao động chỉ làm những công việc cần trình độ cao đẳng, trung cấp, hay thậm chí sơ cấp.
Về lâu dài, chúng ta cần có quy hoạch cơ cấu về trình độ nguồn nhân lực phù hợp với tình hình phát triển kinh tế của đất nước, về tỉ lệ lao động qua đào tạo ở các bậc trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp sao cho phù hợp với nhu cầu sử dụng lao động của thị trường và xã hội để tránh sự lãng phí của xã hội.
Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản cho biết trong số trên 1,82 triệu người nước ngoài đang làm việc tại Nhật Bản, số người có quốc tịch Việt Nam đông nhất, lên tới 462.384 người, chiếm 25,4%.
Xem thêm: mth.55290349070303202-teiv-gnod-oal-gnan-yk-mat-gnan/nv.ertiout