Hoạ sĩ Đặng Thị Phượng đã tổ chức triển lãm với tên gọi "Bóng thời gian" tại TP.HCM.
Với lần Nam tiến đầu tiên này, Đặng Thị Phượng đã đem đến 26 bức tranh với chất liệu chính là Sơn mài.
Hoạ sĩ Đặng Thị Phượng chia sẻ về tác phẩm của mình. Ảnh: HÀ NGUYỄN |
Chia sẻ với PLO, họa sĩ Đặng Thị Phượng cho biết, bản thân đến với chất liệu sơn mài sau thời gian dài tiếp xúc với nhiều chất liệu khác nhau tại trường ĐH Mỹ Thuật (Huế) và theo đuổi nó đã được 10 năm.
"Vì nhiều lần bị ngắt quãng trong thời gian thực hiện nên đến 2018 bộ tranh mới được hoàn thiện. Sau khi hoàn thiện thì tiếp tục bị ngắt quãng vì chuyện riêng gia đình nên đến năm nay mới có cơ hội triển lãm tranh" - nữ hoạ sĩ chia sẻ.
Nói về chủ đề Bóng thời gian tại triển lãm đầu tiên trong sự nghiệp, Đặng Thị Phượng cho biết: "Đó là hình ảnh hoa văn trên kiến trúc, tường thành của triều Nguyễn. Những tinh tuý của giá trị văn hoá mà cha ông để lại đang dần biến đối và phai nhạc theo thời gian, tôi muốn khơi gợi lại một thời hoàng kim của nó và thể hiện nó qua những bức tranh của mình.
Thông qua những tác phẩm trưng bày lần này, tôi hướng mình theo một lối vẽ không gần quá vào việc trực tiếp tả thực, mà cảm nhận hiện thực bằng ký ức, bằng những nỗi niềm suy tư với sự cảm nhận riêng của mình".
Đặng Thị Phượng chọn cách tiếp cận Huế ở khía cạnh tiểu tự sự, để câu chuyện vừa vặn và đủ riêng tư. Ảnh: HÀ NGUYỄN |
Tham dự triển lãm, nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi nhận định, các tác phẩm của Đỗ Thị Phượng có lực, suy nghĩ có bộ cục và chiều sâu. Thể hiện sự mâu thuẫn giữa một người con gái dịu dàng, yếu đuối với những bức tranh có lực của Phượng.
"Sự sâu lắng của sơn mài làm cho tác phẩm có chiều sâu, Phượng đã chọn điều này để đưa quá khứ về hiện tại. Tất cả những tác phẩm diễn tả về thời gian và kỹ thuật của Phượng khi sờ vào ta thấy được sự gồ ghề của nó, không bằng phẳng như các hoạ sĩ cổ truyền.
Phượng đã giữ lại tính cách thời gian trên tác phẩm của mình những gì thuộc về quá khứ, rêu phong… Tranh sơn mài làm nên hiệu ứng đó nhiều hơn là sơn dầu. Các chất liệu cứng cáp trong sơn mài thể hiện được tính cách tác phẩm của Phượng.
Tôi không biết Phượng có nghĩ như vậy hay không nhưng với bản thân mình, tôi cảm nhận được điều đó qua các tác phẩm của Phượng" – nhà nghiên cứu Ngô Kim Khôi bày tỏ.
Nhà nghiên cứu Mỹ thuật Ngô Kim Khôi tại triển lãm "Bóng thời gian". Ảnh: HÀ NGUYỄN |
Đặng Thị Phượng (sinh năm 1983) từ Quảng Bình vào Huế học trường Mỹ thuật và sinh sống tại Đà Nẵng.
Hơn bốn năm gắn bó xứ thần kinh, Đặng Thị Phượng đã chắt lọc các họa tiết, câu chuyện từ trong kiến trúc, di sản Huế để thể hiện trong tranh của mình và không ít khán giả rung động bởi sự bàng bạc thời gian những phôi pha và cả những vẻ đẹp vĩnh cửu. Chính vì lẽ đó ngay từ lúc khai mạc hơn 15 bức tranh đã tìm được chủ nhân mới.
Triển lãm "Bóng thời gian" đã khai mạc hôm 5-3 và kéo dài đến hết 19-3 tại The World Artspace (21 Võ Trường Toản, Thảo Điền, TP.HCM).
Một số hình ảnh tại triển lãm: