Nghiên cứu được Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cùng thực hiện được công bố dịp 8-3 năm nay, cho biết các ngân hàng Việt Nam cần nhiều nữ giới hơn ở các vị trí lãnh đạo để thúc đẩy tăng trưởng toàn diện và tăng năng suất.
Với tiêu đề Lưu ý khoảng cách giới: Thúc đẩy nữ giới tham gia các vị trí lãnh đạo ngành ngân hàng Việt Nam, nghiên cứu cho thấy đã có sự công nhận tích cực về giá trị của bình đẳng giới trong lĩnh vực ngân hàng, đặc biệt sự đa dạng về giới ở những vị trí cấp cao.
Báo cáo tổng hợp từ một lượng số liệu ấn tượng gồm thông tin nhân sự từ 18 ngân hàng với gần 40.000 người tham gia rút ra rằng nữ giới mong muốn được hỗ trợ tốt hơn để cân bằng giữa công việc và cuộc sống.
Theo đó, nữ giới chiếm 68% tổng số nhân sự, thường chiếm tỉ lệ cao hơn ở cấp độ đầu vào, và tỉ lệ thấp hơn nhiều ở các vị trí quản lý cấp cao (33%) và lãnh đạo cấp cao (26%).
Nữ giới có xu hướng chiếm số đông ở các vị trí làm việc trực tiếp với khách hàng như giao dịch viên ngân hàng hoặc tư vấn tại quầy (73%) và các vị trí vận hành (69%), nhưng lại chiếm tỉ lệ thấp hơn trong các bộ phận khác như công nghệ thông tin và ngân hàng số (27%).
Điều đáng ngạc nhiên là tỉ lệ nữ giới trong ngành ngân hàng giảm sút đáng kể sau quản lý cấp trung, với tỉ lệ nữ giới giảm 21 điểm phần trăm từ quản lý cấp trung (54%) đến quản lý cấp cao (33%).
Tỉ lệ nữ giới được đề bạt cũng giảm tương tự. Mặc dù nữ giới và nam giới có khả năng thăng tiến tương đương vào các vị trí quản lý cấp trung, chưa tới một phần ba số lượng nhân sự được đề bạt vào các vị trí quản lý cấp cao là nữ giới.
Tất cả các ngân hàng tham gia khảo sát cho biết đa dạng giới là một phần trong chiến lược kinh doanh và giá trị cốt lõi của ngân hàng. Tuy nhiên mức độ triển khai thực tế có phần khác biệt do chưa nắm rõ cách thức hoặc chưa nỗ lực xây dựng lực lượng lao động và đội ngũ lãnh đạo cân bằng giới hơn.
Bà Kim See Lim, giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương của IFC, cho biết giá trị của việc các tổ chức có một đội ngũ lãnh đạo đa dạng và cân bằng về giới là thường có kết quả kinh doanh tốt hơn, đổi mới sáng tạo hơn cũng như gắn kết người lao động tốt hơn so với các tổ chức có ít hoặc thiếu vắng nữ giới ở các vị trí lãnh đạo.
Ngoài ra, các tổ chức có nhiều nữ giới ở các vị trí lãnh đạo thường chú trọng nhiều hơn đến các yếu tố xã hội, môi trường và quản trị, cũng như minh bạch hơn.
Trong năm 2022, nữ giới nắm giữ 40% tổng số vị trí trong hội đồng quản trị của 350 doanh nghiệp lớn nhất ở Vương quốc Anh (FTSE 350).