Số liệu mới cập nhật từ Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP HCM (HAWA), trong 6 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm 6 tỷ USD, giảm 28,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là ngành có mức sụt giảm mạnh nhất trong top 10 nhóm ngành xuất khẩu của Việt Nam nửa đầu năm.
Chia sẻ tại diễn đàn "Công nghệ gỗ và nội thất Việt Nam" - ông Nguyễn Quốc Khanh - Chủ tịch HAWA cho rằng, ngành gỗ đang trải qua khó khăn lớn khi các nhà máy phải giảm công suất, lao động. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp phá sản và phải trả mặt bằng. Tuy nhiên, ngành này vẫn có cách để chiếm lại thị trường thế giới nếu biết tìm kiếm cơ hội ở các thị trường mới, tăng trưởng cao.
Thông tin từ thương vụ Việt Nam tại UAE cho thấy, nhu cầu tiêu dùng đồ nội thất tại các nước thuộc Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC) cao, họ đang để ý đến hàng gỗ và nội thất của Việt Nam. Trong 4 tháng đầu năm, xuất khẩu gỗ và nội thất sang UAE đạt hơn 11 triệu USD tăng 38% so với cùng kỳ năm 2022. Mặt hàng chính xuất khẩu sang thị trường này gồm đồ gỗ sử dụng trong xây dựng, ghế ngồi và một số đồ gỗ khác.
Hiện, khu vực này có mức nhập khẩu đồ nội thất tăng trưởng hơn 45% một năm, Doanh thu sản phẩm nội thất tại thị trường này tới 4 tỷ USD vào năm 2023. Trong đó, phân khúc lớn nhất của thị trường này là nội thất phòng khách, có trị giá lên đến 1,08 tỷ USD vào năm 2023.
Việt Nam xếp thứ 15 trong danh sách xuất khẩu nội thất sang đây, theo HAWA, nếu doanh nghiệp Việt phân tích đúng thị hiếu người tiêu dùng thị trường này sẽ là "cứu cánh" giúp xuất khẩu gỗ và nội thất của Việt Nam lội người dòng.
Ngoài UAE, thị trường châu Âu cũng đang là cơ hội cho Việt Nam. Trong đó Mỹ vẫn là thị trường quan trọng hàng đầu của ngành gỗ. Để tăng trưởng ở thị trường này, doanh nghiệp phải liên tục nắm bắt xu hướng mua hàng của người tiêu dùng.
Nói với VnExpress, CEO một doanh nghiệp gỗ tại Bình Dương cho biết, trong quá trình khảo sát 2 tháng gần đây của doanh nghiệp, người Mỹ đang chuyển dịch chọn mua các sản phẩm gỗ chế biến rừng trồng. Họ ưu tiên mua các sản phẩm có giá rẻ thay vì mua hàng khuyến mãi sâu.
Ông ví dụ, trước đây để mua một món đồ nội thất họ thường chọn những món đồ có giá 1.000 USD đến vài chục nghìn USD. Tuy nhiên, thời điểm này những món hàng có giá trị cao này giảm sâu tới 70% vẫn không có khách mua. Thế nhưng, những sản phẩm có giá 100-700 USD lại được người tiêu dùng ưa chuộng dù chúng không giảm giá hoặc giảm rất ít.
Ngoài ra, người châu Âu ngày càng chú trọng hơn trong xuất xứ mua hàng. Đặc biệt, các món hàng "made in China" họ chỉ cầm lên rồi đặt xuống. Trong khi đó, hàng từ Việt Nam hoặc các quốc gia khác họ sẵn sàng chi trả. " Chúng tôi đang chuẩn bị nguồn lực và nghiên cứu các sản phẩm phù hợp với bối cảnh kinh tế khó khăn", CEO này nói.
Theo HAWA đây là thời điểm ngành gỗ cần chuyển mình, mở rộng biên độ kinh doanh. Các doanh nghiệp gỗ Việt cần đánh giá lại sản phẩm chiến lược, sản phẩm có tiềm năng mà doanh nghiệp có lợi thế cạnh tranh.
Dữ liệu từ Chương trình Xúc tiến Nhập khẩu Thụy Sĩ (SIPPO) cho thấy, nhu cầu của thị trường hướng tới các sản phẩm sử dụng vật liệu gỗ mới, gỗ kỹ thuật (gỗ in 3D và có truy suất nguồn gốc đầy đủ.
Theo Bà Trần Như Trang, đại diện SIPPO, các doanh nghiệp cũng nên tìm thêm cơ hội thị trường có sức mua ổn định, như Australia, Canada, Nhật Bản, Hàn, Ấn Độ, đặc biệt là khối Trung Đông. Trước mắt, doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ và bám sát động lực tăng trưởng mỗi thị trường. Song song đó, ngành gỗ cần cấu trúc lại phân khúc sản phẩm để phù hợp với nhu cầu thị trường.
Đánh giá về thị trường gỗ nửa cuối năm, ông Khanh cho rằng thị trường bắt đầu có dấu hiệu sáng lên khi nhiều doanh nghiệp có đơn hàng trở lại. Người tiêu dùng ở UAE, châu Âu đã trở lại cửa hàng từ tháng 7. Lạm phát tại Mỹ có dấu hiệu hạ nhiệt, chỉ số niềm tin của người tiêu dùng tăng trở lại. Ngành hàng nội ngoại thất có dấu hiệu nhích lên khi lượng mua nhà mới, cải tạo, sửa chữa tăng. Tại doanh nghiệp của ông, doanh thu đã có dấu hiệu tăng. 6 tháng đầu năm doanh thu cũng không kém so với cùng kỳ năm ngoái.
Đồng quan điểm, ông Trần Lam Sơn - Phó Chủ tịch Công ty TNHH xuất nhập khẩu thương mại Thiên Minh cho biết, từ tháng 7 trở đi doanh số xuất khẩu của công ty đã giảm chậm lại. Công ty đã có đơn hàng từ thị trường Đức, Hà Lan. Tại thị trường Mỹ các đối tác họ đã bán hết hàng tồn và người dân có khuynh hướng mua trở lại.
Thi Hà