Kể từ khi cuộc xung đột Nga - Ukraine nổ ra vào tháng 2/2022, EU đã áp 10 gói trừng phạt vào Nga và Belarus. Các đòn trừng phạt này nhằm làm suy yếu khả năng tài trợ cho cuộc chiến của Nga, đặc biệt nhằm vào giới tinh hoa chính trị, quân sự và kinh tế của nước này.
Tuy nhiên, những biện pháp hạn chế này không nhằm vào xã hội Nga. Đó là lý do nhiều lĩnh vực như thực phẩm, nông nghiệp, sức khỏe và dược phẩm không nằm trong các gói trừng phạt.
Mặc dù Moscow vẫn khẳng định nền kinh tế nước này đã trụ vững trước hơn 11.000 đòn trừng phạt từ phương Tây nhưng các chỉ số kinh tế dưới đây cho thấy biện pháp trừng phạt đang tác động mạnh đến nền kinh tế Nga.
Nền kinh tế Nga đang giảm
Theo Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), 2022 là một năm tồi tệ đối với nền kinh tế Nga. Các tổ chức ước tính, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nga năm 2022 giảm ít nhất 2,2% với kịch bản tốt nhất và giảm tới 3,9% trong kịch bản xấu nhất.
Dưới tác động của các lệnh trừng phạt, kinh tế Nga được dự báo sẽ tiếp tục suy giảm trong năm 2023. Trong kịch bản xấu nhất, OECD dự báo GDP của Nga có thể giảm 5,6% trong năm nay. Còn WB dự báo kinh tế Nga sẽ giảm 3,3% trong khi IMF lại kỳ vọng tăng nhẹ 0,3%.
Thương mại sụt giảm, lạm phát tăng cao
Các biện pháp trừng phạt như cấm nhập khẩu một số hàng hóa từ Nga và xuất khẩu một số hàng hóa sang Nga cũng đang phát huy tác dụng. Cả WB và IMF đều ước tính năm 2022, thương mại hàng hóa và dịch vụ của Nga sẽ giảm đáng kể. Năm 2023, xuất khẩu sẽ tiếp tục giảm, trong khi nhập khẩu dự kiến sẽ cao hơn so với năm 2022.
Các ước tính cho thấy tỷ lệ lạm phát của Nga tăng mạnh vào năm 2022, đạt gần 14%. Dự báo cho năm 2023, IMF cho rằng lạm phát của Nga sẽ ở mức 5%, trong khi OECD dự báo tăng 6,8%.
Tác động với thị trường chứng khoán
Cuộc chiến và các biện pháp trừng phạt cũng có tác động đáng kể đến các công ty Nga. Kể từ tháng 2 năm ngoái, chỉ số chính của thị trường chứng khoán Moscow đã giảm hơn 1/3.