Hành trình tìm việc mới của công nhân PouYuen
Ngày 8/3, hơn 2.300 công nhân PouYuen Việt Nam đồng thuận chấm dứt hợp đồng lao động đã được nhận tháng lương cuối cùng. Họ sẽ được nhận thêm 1 tháng lương hỗ trợ trong thời gian trở về quê hay trụ lại TP Hồ Chí Minh để tìm công việc mới, cùng với khoản tiền trợ cấp theo thỏa thuận, bình quân là 119 triệu đồng/người.
Với nhiều người, đây là số tiền không nhỏ, nhưng nó cũng không thể đủ cho cuộc sống khi không còn thu nhập từ đồng lương ổn định. Vì vậy, một hành trình mới tìm việc làm, tìm cách trụ lại thành phố đã bắt đầu.
Khu trọ gần 120 phòng có chị Võ Thị Thơm (Đồng Tháp) và 1 người nữa thuộc diện chấm dứt hợp đồng lao động với công ty PouYuen. Những người còn lại dù hôm làm, hôm nghỉ nhưng vẫn còn công việc. 19 năm miệt mài với nhịp sống 6h vào nhà máy, 16h tan ca, cả tuần nay trừ lúc lo một bữa cơm tối cho chồng đi làm ở Đức Hòa, Long An, chị Thơm dành thời gian đi tìm việc làm mới.
Trong tổng số 2.358 người trong danh sách chấm dứt hợp đồng lao động với PouYuen Việt Nam, nữ giới chiếm đến 83%. (Ảnh minh họa - Ảnh: NLĐ)
"Lội đi tìm mấy xưởng công ty ở đây nữa. Có chỗ hẹn 1 tháng, có chỗ hẹn nửa tháng vì bây giờ công ty chưa có hàng. Em muốn xin việc thời vụ rồi khi nào giấy tờ xong xuôi hết đi em mới đi kiếm việc chính thức", chị Võ Thị Thơm, Đồng Tháp, chia sẻ.
Theo Bảo hiểm xã hội TP Hồ Chí Minh, 2 tháng đầu năm 2023, các doanh nghiệp trên địa bàn báo giảm hơn 34.000 người, con số này chưa bao gồm hơn 2.300 người tại công ty PouYuen Việt Nam như chị Thơm. Vì vậy, rời khỏi công ty, chạy xe ôm công nghệ là giải pháp một nam công nhân tại đây xem là lựa chọn duy nhất.
Khi được nhân viên Trung tâm dịch vụ việc làm TP Hồ Chí Minh đến tận nhà trọ tư vấn kết nối chỗ làm mới, chị Thơm mừng như trúng số. Cả chuyền có gần 20 người như chị, những người không vướng bận chuyện học hành của con cái đều đã về quê, chị Thơm và chồng trụ lại thành phố cho mục tiêu lớn hơn.
Những con số biết nói từ PouYuen Việt Nam
Tính đến hết tháng 1 năm nay, trên địa bàn TP Hồ Chí Minh có hơn 1.300 doanh nghiệp giải thể, phá sản, không còn hoạt động. Thống kê tại Trung tâm dịch vụ việc làm TP Hồ Chí Minh cho biết, nửa triệu người sẽ có nhu cầu tìm việc. Vì vậy những hành trình như của chị Thơm và nam đồng nghiệp sẽ còn là câu chuyện chung của nhiều người lao động. Câu chuyện từ Pouyuen Việt Nam cũng là câu chuyện chung của thị trường lao động Việt Nam hiện nay.
Trong tổng số 2.358 người trong danh sách chấm dứt hợp đồng lao động với PouYuen Việt Nam, nữ giới chiếm đến 83%.
Vì cắt giảm tùy thuộc vào lượng đơn hàng đặt gia công, nên không chỉ những công nhân có thâm niên cao mới nằm trong danh sách. Người lao động người lao động có độ tuổi trên 40 dù chiếm đến 54% nhưng vẫn là ít so với những đợt cắt giảm lao động trước đây. Còn số người trong độ tuổi sung sức nhất từ 21 - 30 chiếm đến 6%.
34% công nhân PouYuen nghỉ việc đang ở tại TP Hồ Chí Minh và đây cũng là những người sẽ cố gắng tìm việc mới để trụ lại vì còn vướng bận gia đình. Còn công nhân ở các địa phương khác đa phần đều rời thành phố để về quê hoặc đổi nghề, hoặc tìm việc tại chỗ.
Cơ hội tái cấu trúc thị trường lao động
Mất việc nhưng không mặn mà tìm việc mới để trụ lại thành phố. Người muốn tìm việc nhưng doanh nghiệp cần tuyển cũng không dễ dàng gì. Chính vì vậy, một dòng chảy chuyển dịch lao động từ các đô thị lớn như TP Hồ Chí Minh về các địa phương đang hiện hữu và ngày càng có dấu hiệu mạnh lên. Những ngành nghề thâm dụng lao động không đòi hỏi quá cao về kỹ năng nghề nghiệp, cũng không còn là điểm tựa vững chắc cho người lao động, đặc biệt là lao động ngoại tỉnh, khi tình trạng cắt giảm giờ làm, việc làm chưa có dấu hiệu giảm. Đây liệu có phải là những "bất thường" của thị trường lao động Việt Nam?
Tại Công ty CP quản lý dịch vụ Adora, nhu cầu bù đắp thiếu hụt sau Tết Nguyên đán là 500 nhân sự, trong đó có 100 nhân viên an ninh, tuy nhiên dù đến tận môi trường huấn luyện chiến sĩ nghĩa vụ công an để tuyển dụng, nhưng khả năng thành công không lớn. Tình trạng này đã kéo dài từ cả năm nay.
"Sau đại dịch COVID19 hầu như có sự thay đổi về quan niệm đi xa để lập nghiệp, có xu hướng về quê làm việc, gắn bó với quê hương, do đó gây rất nhiều khó khăn", bà Nguyễn Thị Hạnh, Trưởng bộ phận Tuyển dụng, Công ty CP quản lý dịch vụ Adora, TP. Hồ Chí Minh, cho biết.
Lao động tự do, vốn chiếm tỷ lệ lớn trong các sàn giao dịch việc làm được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, nhưng tại sàn việc làm đầu tiên của năm 2023, lao động tự do chỉ chiếm chưa đến 10% dù có đến hơn 10.000 vị trí việc làm. Bên cạnh quan niệm về việc làm thay đổi còn có sự chuyển dịch trong cơ cấu việc làm.
"Ví dụ như sau hết đại dịch thì lĩnh vực dịch vụ thương mại phát triển, công việc muốn thích ứng cần có thời gian và cần có khóa học để bổ sung kỹ năng cho phù hợp với công việc mới", ông Nguyễn Văn Sang, Phó giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Thanh niên, TP Hồ Chí Minh, cho biết.
75% trong số hơn nửa triệu người bị ảnh hưởng do cắt giảm giờ làm tính đến trước Tết Nguyên đán tập trung tại các ngành thâm dụng lao động như dệt may, da giày, chế biến gỗ và chủ yếu ở phía Nam.
Theo Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam, đơn hàng vẫn giảm đến 30% tại hơn 2.000 doanh nghiệp trực thuộc. Do đó, các nhà máy chắc chắn phải giảm lao động. Đây là sự khác biệt so với thời điểm này của năm 2022, khi các doanh nghiệp điêu đứng vì thiếu nhân công. Vậy đây có được xem sự bất thường của thị trường lao động hiện nay?
"Sự cắt giảm lao động ở một số địa bàn, doanh nghiệp mang tính chất nhỏ, cục bộ. Thứ hai là quá trình chuyển dịch cơ cấu đầu tư trên cả nước và cơ cấu đầu tư theo ngành lĩnh vực nó sẽ khiến chuyển dịch lao động. Một số ngành tổng lao động không giảm nhưng lương của ngành đó không hấp dẫn bằng các ngành khác. Về tổng thể, lâu dài, quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng giá trị gia tăng cao hơn thì đây là một điểm tốt", ông Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm, Bộ Lao động Thương Binh và Xã hội, đánh giá.
Trong năm 2023, chỉ tỉnh riêng TP Hồ Chí Minh dự báo sẽ có hơn nửa triệu người có nhu cầu tìm việc. Khảo sát nhanh với một số hiệp hội doanh nghiệp cho thấy, dự báo đến tháng 6, tháng 7 năm nay, đơn hàng sẽ dần ổn định.
Tại TP Hồ Chí Minh, một số doanh nghiệp cắt giảm lao động trước Tết đang có động thái tuyển dụng lại nhưng vẫn chủ yếu là ở lao động có trình độ, kỹ năng cao. Đây chính là cơ hội tốt để hiện thực hóa việc tái cấu trúc thị trường lao động theo hướng vừa ổn định vừa gia tăng giá trị, mang lại lợi ích cho cả người lao động và người sử dụng lao động.
VTV.vn - Doanh nghiệp không tuyển dụng được công nhân. Trong khi đó, số lao động chấp nhận công việc thu nhập thấp, không quay lại DN lại gia tăng trong những tháng đầu năm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.2643129190303202-gnod-oal-gnourt-iht-curt-uac-iat-ioh-oc/et-hnik/nv.vtv