Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Bộ trưởng Tô Lâm với các đại biểu dự Hội nghị. |
Công tác điều tra, truy tố, xét xử tội phạm ma túy được tiến hành kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật.
Báo cáo tình hình, kết quả thực hiện Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 16/8/2019 của Bộ Chính trị và 01 năm thi hành Luật Phòng, chống ma túy (PCMT) năm 2021, Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an nêu rõ: Trước những tác động tiêu cực của ma túy đến đời sống xã hội, Bộ Công an, với vai trò Cơ quan Thường trực PCMT của Ủy ban quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm đã chủ trì, phối hợp với các ban, bộ, ngành, địa phương tham mưu Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy.
Nổi bật, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 16/8/2019 về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy. Tháng 3/2021, tại Kỳ họp thứ 11, Quốc hội Khóa 14 thông qua Luật PCMT, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2022. Thủ tướng Chính phủ ban hành các nghị định hướng dẫn thi hành Luật PCMT, Chương trình PCMT giai đoạn 2021 - 2025… và nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác.
Dưới sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban quốc gia, sự nỗ lực vào cuộc của các cấp, các ngành, địa phương và sự ủng hộ, giúp đỡ của Nhân dân, công tác PCMT năm 2022 đã đạt được những kết quả quan trọng; hoàn thành đa số chỉ tiêu, nhiệm vụ công tác trọng tâm đề ra. Nổi bật, công tác đấu tranh chống tội phạm về ma túy đã chú trọng vào các tuyến, địa bàn trọng điểm. Các lực lượng chuyên trách của Công an, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát Biển, Hải quan đã phối hợp, hiệp đồng hiệu quả, phát hiện, triệt phá nhiều đường dây mua bán, vận chuyển ma túy lớn, hoạt động liên tuyến, liên tỉnh, xuyên quốc gia.
Công tác điều tra, truy tố, xét xử tội phạm ma túy được tiến hành kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật. Tình trạng tái trồng cây có chứa chất ma túy cơ bản được ngăn chặn. Công tác kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy có nhiều chuyển biến tích cực. Công tác rà soát, thống kê, quản lý người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy; lập hồ sơ đưa đi cai nghiện bắt buộc được quan tâm, chỉ đạo và thực hiện thống nhất, đồng bộ trên phạm vi toàn quốc. Hợp tác quốc tế về PCMT được tăng cường mở rộng, góp phần quan trọng bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, phục vụ đắc lực công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc trình bày báo cáo tại Hội nghị. |
Với vai trò chủ công, nòng cốt, Bộ Công an đã chủ động xây dựng và triển khai thực hiện Phương án nghiệp vụ số 02 về phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm ma túy trên các tuyến trọng điểm, tập trung là tuyến Tây Bắc, Đông Bắc, Bắc miền Trung - Tây Nguyên và Tây Nam. Triển khai thực hiện các Hiệp định song phương, đa phương và các Bản ghi nhớ hợp tác PCMT với các nước trên thế giới, đặc biệt là các nước có chung đường biên giới gồm: Trung Quốc, Lào, Campuchia, tiến hành đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ ngăn ngặn ma túy thẩm lậu vào nước ta từ sớm, từ xa, từ nơi xuất phát… góp phần tạo chuyển biến tích cực về trật tự, an toàn xã hội, kiên quyết không để Việt Nam trở thành địa bàn trung chuyển ma túy quốc tế.
Với những nỗ lực không ngừng nghỉ và quyết tâm cao độ, năm 2022, các lực lượng chuyên trách đấu tranh chống tội phạm ma túy của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính đã phối hợp, hiệp đồng phát hiện hiện, bắt giữ 26.967 vụ, 41.308 đối tượng phạm tội về ma túy. Thu giữ 809 kg heroin; 6,1 tấn ma túy tổng hợp, 867 kg cần sa và trên 01 tấn ma túy khác; triệt xóa 417 điểm, 43 tụ điểm phức tạp về ma túy; đấu tranh 1.563 vụ lợi dụng cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự và dịch vụ nhạy cảm để sử dụng ma túy. Viện Kiểm sát nhân dân các cấp thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra 29.069 vụ, 41.313 bị can về ma túy. Tòa án nhân dân các cấp giải quyết 27.030 vụ, 39.322 bị cáo phạm tội về ma túy theo thủ tục sơ thẩm. Công tác điều tra, truy tố, xét xử tội phạm về ma túy được tiến hành kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật và đạt tỷ lệ cao (90,4% về số vụ, 89,3% số bị cáo)...
Tri ân những cống hiến, hy sinh của cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân trong phòng, chống tội phạm ma túy
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, PCMT là nhiệm vụ nặng nề, cam go, nguy hiểm, nhưng cũng là nhiệm vụ quan trọng, vẻ vang với vai trò nòng cốt của lực lượng Công an nhân dân (CAND), bởi "tội phạm ma túy là tội phạm của các loại tội phạm". Tệ nạn ma túy đã và đang trở thành hiểm họa lớn của nhân loại. Hậu quả do tệ nạn ma túy gây ra rất nghiêm trọng đến các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh - quốc phòng, làm tổn hại sức khỏe của một bộ phận nhân dân, đồng thời là nguyên nhân làm phát sinh các loại tội phạm, đe dọa sự ổn định, phồn vinh và sự trường tồn của mỗi quốc gia, mỗi dân tộc. Nhận thức rõ mối hiểm họa này, những năm qua, Đảng, Nhà nước ta rất quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành và triển khai thực hiện nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách để phòng, chống và kiểm soát ma túy; trong đó, Quốc hội đã thông qua Luật PCMT, có hiệu lực thi hành từ 01/01/2022.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. |
Nhìn lại hơn 01 năm qua, chúng ta triển khai Luật PCMT trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, thách thức do tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, khó lường, chịu tác động sâu sắc của nhiều yếu tố an ninh truyền thống và phi truyền thống, nhất là sau đại dịch COVID-19 và ảnh hưởng của xung đột tại Ukraine. Hơn nữa, tình hình ma túy trên thế giới và khu vực với "điểm nóng" về ma túy là vùng Tam giác vàng diễn biến phức tạp ảnh hưởng trực tiếp đến công tác phòng chống tội phạm, tệ nạn ma túy ở nước ta.
Cùng với những thủ đoạn tinh vi, liều lĩnh, hoạt động của tội phạm ma túy trên các tuyến, địa bàn trọng điểm ngày càng phức tạp, đặc biệt đã có dấu hiệu cấu kết với một số loại tội phạm hình sự, kinh tế, công nghệ cao…; dẫn đến nhiệm vụ PCMT, bảo vệ sự bình yên cho Nhân dân khó khăn, gian khổ hơn. Mặc dù vậy, với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, lực lượng CAND đã phát huy vai trò nòng cốt, chủ trì phối hợp các cấp, các ngành, địa phương khắc phục khó khăn, vượt qua nhiều thách thức, thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy với những kết quả nổi bật...
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhiệt liệt biểu dương những nỗ lực, đóng góp; tri ân những cống hiến, hy sinh; chúc mừng những thành tích xuất sắc của cán bộ, chiến sĩ lực lượng CAND, các lực lượng liên quan, các cấp, các ngành và Nhân dân trong phòng, chống tội phạm ma túy thời gian qua, đóng góp quan trọng vào thành tựu phát triển và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội của đất nước. "Chúng ta cũng kính cẩn nghiêng mình trước 27 cán bộ, chiến sĩ thuộc lực lượng Công an, Bộ đội và Nhân dân đã anh dũng hy sinh trong cuộc chiến đấu đầy cam go với tội phạm ma túy", Thủ tướng Chính phủ bày tỏ.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ ra một số bài học kinh nghiệm: Tuân thủ sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thu tướng Chính phủ, mà thường xuyên, trực tiếp là Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an, cấp ủy, chính quyền các cấp; sự nỗ lực phấn đấu không ngừng, không nghỉ, không có điểm dừng của các lực lượng chức năng, mà lực lượng Công an là nòng cốt; sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các lực lượng, cấp ủy, chính quyền, các cơ quan trong hệ thống chính trị, tăng cường hợp tác quốc tế...
Trong kỷ nguyên toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay, trước những tác động của tình hình tội phạm ma túy quốc tế và khu vực, tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy ở nước ta dự báo sẽ còn rất phức tạp. Nếu không có những giải pháp đồng bộ, lâu dài, tệ nạn ma túy có thể vượt ra khỏi tầm kiểm soát, để lại hậu quả nghiêm trọng, lâu dài, khó lường cho xã hội và sự phát triển bền vững của đất nước.
Toàn cảnh Hội nghị. |
"Phòng ngừa, ngăn chặn từ sớm, từ xa, từ nơi xuất phát; đánh cả đường dây, không đánh khúc giữa; bắt được đối tượng chủ mưu, cầm đầu".
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, thời gian tới, cần nâng cao hơn nữa nhận thức về hiểm họa ma túy . Công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy luôn phải đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của các cấp ủy Đảng, sự quản lý của chính quyền các cấp, trong đó lực lượng CAND là nòng cốt.
Phòng, chống và kiểm soát ma túy là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, vừa cấp bách, vừa thường xuyên, liên tục và lâu dài đòi hỏi sự kiên trì, bền bỉ, quyết tâm. Do đó, phải có cách tiếp cận toàn cầu, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các quốc gia, các tổ chức quốc tế; phải huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của các tầng lớp nhân dân; phải "phòng ngừa, ngăn chặn từ sớm, từ xa, từ nơi xuất phát; đánh cả đường dây, không đánh khúc giữa; bắt được đối tượng chủ mưu, cầm đầu".
Kết hợp chặt chẽ giữa phòng và chống, giữa đấu tranh, ngăn chặn và vận động, giáo dục, thuyết phục, giữa giảm cung, giảm cầu và giảm tác hại. Trong đó, phòng là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định với vai trò rất quan trọng của cấp cơ sở. Coi trọng công tác PCMT từ cơ sở và tập trung vào nhóm đối tượng có hành vi nguy cơ cao. "Cấp cơ sở phải làm tốt công tác tạo sinh kế, công ăn việc làm cho người dân, kịp thời chia sẻ, giúp đỡ với những người khó khăn", theo Thủ tướng Chính phủ.
Thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị đề nghị Bộ Công an thực hiện tốt chức năng là Cơ quan Thường trực về PCMT, chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các bộ, cơ quan liên quan tiếp thu các ý kiến, vận dụng linh hoạt, sáng tạo để triển khai T hiệu quả hơn nữa; tập trung đấu tranh, triệt xóa các cơ sở, điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy; tăng cường phối hợp với các cơ quan liên quan quản lý chặt chẽ người sử dụng trái phép chất ma túy, ngăn chặn để họ không trở thành người nghiện và thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật.
Bộ Quốc phòng quản lý chặt chẽ tuyến biên giới; phối hợp với lực lượng Công an để PCMT từ xa, nhất là khu vực biên giới, trên biển...
Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật liên quan, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, đồng bộ về công tác PCMT. Khẩn trương kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm các cấp. Trong đó Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương hướng dẫn cân đối, bố trí kinh phí từ các nguồn phù hợp cho các dự án, nhiệm vụ thuộc Chương trình theo đúng quy định và khả năng cân đối ngân sách; các cơ quan khẩn trương hoàn thành, phê duyệt các dự án đã được giao thuộc Chương trình.
Cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị các cấp, nhất là cấp cơ sở, phải căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn để tổ chức lãnh đạo, chỉ đạo công tác PCMT từ sớm, từ xa, từ cơ sở. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức phòng, chống và kiểm soát ma túy, thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh và ban hành kế hoạch PCMT; ưu tiên, bố trí kinh phí phù hợp, sửa chữa, nâng cấp hoặc xây mới cơ sở cai nghiện ma túy công lập đáp ứng yêu cầu và áp dụng hợp tác công tư trong lĩnh vực này; tăng cường công tác quản lý người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy và quản lý sau cai. Xây dựng các xã, phường, thị trấn không có ma túy.
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, cuộc đấu tranh với tội phạm và tệ nạn ma tuý còn rất nhiều cam go, nguy hiểm và khó khăn phía trước đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực hơn nữa, cùng chung sức, đồng lòng, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, sự vào cuộc, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả của cấp ủy, chính quyền, các cấp, các ngành, các địa phương, sự ủng hộ của người dân, sự hợp tác, hỗ trợ của bạn bè, đối tác quốc tế.
Huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia công tác PCMT
Phát biểu kết luận Hội nghị, thay mặt Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an, Bộ trưởng Tô Lâm trân trọng cảm ơn và nghiêm túc tiếp thu các nội dung mà đồng chí Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo. Đó là những chỉ đạo rất cụ thể, định hướng và chỉ rõ cho chúng ta trong tổ chức thực hiện các mặt công tác của các bộ, ngành, địa phương trong công tác PCMT.
Bộ trưởng Tô Lâm cảnh báo nguy cơ, tác động của ma túy đối với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đồng thời nhấn mạnh những yêu cầu nhiệm vụ, định hướng các biện pháp cần phải thực hiện hiệu quả, triển khai ngay trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy, tệ nạn ma túy thời gian tới...
Bộ trưởng Tô Lâm phát biểu kết luận Hội nghị. |
Trong đó, Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh việc làm tốt công tác tham mưu với cấp ủy, chính quyền các cấp tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt các chỉ thị, nghị quyết, luật của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, nhất là Chỉ thị số 36 của Bộ Chính trị về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy; Luật PCMT năm 2021. Khẩn trương triển khai Chương trình PCMT giai đoạn 2021 - 2025... nhằm huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia công tác PCMT... Tiếp tục thực hiện tốt quan điểm được xác định trong Chỉ thị số 36 của Bộ Chính trị là "lực lượng CAND là nòng cốt, chủ trì công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy"... Quán triệt và tổ chức triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 12 ngày 16/3/2022 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh xây dựng lực lượng CAND thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới...
Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác điều tra, xử lý tội phạm ma túy. Làm tốt công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố theo quy định của pháp luật; phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân, Tóa án nhân dân các cấp điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh, kiên quyết không để xảy ra tình trạng bắt oan, sai, bức cung, nhục hình, bỏ lọt tội phạm ma túy... Tăng cường hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy.
Đề nghị các bộ, ngành và địa phương, nhất là các Bộ: Lao động - Thương binh và Xã hội; Y tế; Tài chính; Công Thương, Quốc phòng quán triệt và khẩn trương triển khai thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ rấ cụ thể đối với từng bộ, ngành tại Hội nghị; phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn nữa với Bộ Công an nhằm nâng cao hiệu quả các mặt công tác PCMT trong thời gian tới.