Sáng 11-3, phiên tòa xét xử kỳ án "siêu lừa" Nguyễn Thị Hà Thành chiếm đoạt 430 tỉ của ba ngân hàng và nhiều cá nhân tiếp tục phần thẩm vấn.
Hội đồng xét xử dành phần lớn thời gian cho các luật sư thẩm vấn bị cáo Thành và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là ông Đặng Nghĩa Toàn (trú tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).
Trả lời xét hỏi, Nguyễn Thị Hà Thành khai, ngay từ đầu đã đặt vấn đề vay tiền của ông Toàn thông qua việc mượn sổ tiết kiệm đồng sở hữu, không phải qua ngân hàng. Bị cáo cho rằng ông Toàn có biết việc Thành sẽ dùng sổ tiết kiệm để thế chấp vay vốn.
Thành cũng khai khi nhận các sổ tiết kiệm, bị cáo đã sử dụng để làm tài sản đảm bảo cho việc vay thế chấp. Lúc đó, bị cáo không nói với ông Toàn về việc sẽ mang sổ đi thế chấp, mà nghĩ rằng vợ chồng ông Toàn biết việc này.
Ngoài ra, Hà Thành cho rằng mình đã trả cả tiền gốc và lãi cho ông Toàn với tổng số tiền khoảng 80 tỉ đồng, gồm trả bằng tiền mặt lẫn chuyển khoản.
Bị cáo khai trả tiền mặt cho ông Toàn 35 tỉ đồng hai lần, một lần tại quán cà phê trên phố Lê Đại Hành (Hà Nội) và một lần tại nhà riêng.
Trả lời câu hỏi của luật sư, ông Đặng Nghĩa Toàn phủ nhận toàn bộ lời khai trên của Hà Thành.
Theo ông Toàn, trong một số lần gặp nhau, ông thường thấy người này xuất hiện tại các chi nhánh ngân hàng.
Đáng chú ý, tại Ngân hàng VietABank, ông Toàn thấy Thành "đi lại như một lãnh đạo, chỉ đạo mọi người thu tiền, nên nghĩ rằng Thành có thể là một lãnh đạo của ngân hàng".
Ngoài ra, Thành nói với ông Toàn rằng có quan hệ xã giao với ngân hàng, nhưng không giới thiệu là nhân viên ngân hàng nào.
Nói về việc giao dịch với nữ bị cáo, ông Toàn cho hay việc đưa sổ cho Thành không phải là một giao dịch.
Ông khẳng định rằng mình không bị người này lừa, bởi theo ông, tiền trong sổ tiết kiệm rất khó mất, do khâu kiểm soát của ngân hàng rất chặt chẽ.
Ông còn khai sau khi xảy ra vụ án, ông đã đến các ngân hàng NCB, PVcomBank và VietABank với mục đích lấy hồ sơ. Lúc đó, các ngân hàng này đều cam kết sau khi có giám định chữ ký để xác định hồ sơ bị giả chữ ký thì sẽ trả tiền.
"Tôi tin tưởng các ngân hàng. Tiền trong sổ tiết kiệm khó tác động được, ngoài ra còn có tin nhắn báo biến động số dư. Điều quan trọng là tôi gửi tiền vào ngân hàng theo đúng quy trình, để từ lúc đó, ngân hàng có trách nhiệm quản lý số tiền cho tôi", ông Toàn nói.
Về lời khai của Hà Thành cho rằng đã trả một phần tiền vay, ông Toàn tiếp tục khẳng định "chưa hề nhận 80 tỉ đồng từ Hà Thành như lời khai của bị cáo. Lời khai này không hề có chứng cứ".
Cáo trạng xác định, khoảng tháng 10-2017, qua giới thiệu của Nguyễn Giang Hòa, một trong những cá nhân đồng sở hữu gửi tiền với Thành tại Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Á - VietABank, Nguyễn Thị Hà Thành quen ông Toàn.
Tháng 6-2018, Thành đề nghị ông Toàn gửi tiết kiệm vào các ngân hàng do Thành chỉ định, rồi đưa sổ tiết kiệm cho cô ta quản lý.
Đổi lại, Thành trả thêm lãi ngoài cho ông Toàn 4,2-4,5%/tháng. Tổng số tiền bị cáo Hà Thành vay ông Toàn rồi chỉ định ông này gửi tiết kiệm vào ba nhà băng là 122 tỉ đồng.
Chiều nay 11-3, phiên tòa tiếp tục.
TTO - Hơn 430 tỉ đồng tại ba ngân hàng đã bị 'siêu lừa' Nguyễn Thị Hà Thành sử dụng các thủ đoạn mượn sổ tiết kiệm, giả chữ ký để rút ra hoặc làm tài sản thế chấp vay tiền và chiếm đoạt.
Xem thêm: mth.32360503111303202-aul-hnaht-ah-ib-gnohk-iot-gnod-it-034-aul-ueis-uv-neit-iug-aig-iad/nv.ertiout