Văn phòng UBND TP.HCM vừa có báo cáo kết quả thực hiện kiểm soát thủ tục hành chính phục vụ đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, dự kiến vào tuần tới.
Năm 2022, toàn TP.HCM tiếp nhận hơn 22,3 triệu hồ sơ. Trong số hồ sơ đã giải quyết, có hơn 22,26 triệu hồ sơ đúng thời gian quy định (tỷ lệ 99,84%) và 37.355 hồ sơ trễ hẹn (chiếm 0,16%). So với năm trước, tỷ lệ hồ sơ đúng hẹn của TP.HCM tăng 0,03%, toàn bộ hồ sơ trễ hẹn đều có thư xin lỗi.
Dù tỷ lệ trễ hẹn giảm, nhưng nếu xét theo con số tuyệt đối thì số lượng hồ sơ trễ hẹn của TP.HCM trong năm 2022 cao hơn năm trước, cụ thể năm 2021 chỉ có hơn 32.000 hồ sơ trễ hẹn.
Văn phòng UBND TP.HCM đánh giá tuy tỷ lệ hồ sơ trễ hẹn thấp, nhưng với số lượng tiếp nhận hồ sơ lớn nên vẫn ảnh hưởng nhất định đến tỷ lệ hài lòng của người dân và doanh nghiệp đối với nền hành chính công. TP.HCM yêu cầu các cơ quan, đơn vị có nhiều hồ sơ trễ hẹn đưa ra các giải pháp khắc phục để nâng cao tỷ lệ hài lòng.
Hiện TP.HCM có 1.766 thủ tục hành chính, trong đó có 805 thủ tục được cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4, chiếm gần 46%. Năm 2022, người dân nộp gần 6 triệu hồ sơ trực tuyến, cao gần gấp đôi so với năm trước (năm 2021 có hơn 3,2 triệu hồ sơ).
Qua rà soát và tái cấu trúc, TP.HCM quyết định 58 thủ tục hành chính tiếp nhận và giải quyết trong 1 ngày làm việc, trong đó có 49 thủ tục cấp sở, 5 thủ tục cấp huyện và 4 thủ tục cấp xã. Trước đây, các thủ tục này cần 2 - 15 ngày làm việc để hoàn tất, nay rút ngắn còn 1 ngày.
TP.HCM cũng hoàn tất 1.578 quy trình nội bộ, trong đó 95 quy trình thuộc nhóm thủ tục hành chính liên thông sở, ban, ngành với UBND TP.HCM và Văn phòng UBND TP.HCM góp phần tạo sự minh bạch, thống nhất, phân định rõ trách nhiệm, tạo thuận tiện theo dõi việc giải quyết hồ sơ, khắc phục tình trạng trễ hẹn.
Văn phòng UBND TP.HCM đánh giá hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính, cải cách thủ tục hành chính, triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông trên địa bàn thành phố đảm bảo tính liên tục, hiệu quả.