Hơn 700 trang sách là kết quả của gần một thập niên tìm tòi, nghiên cứu công phu của tác giả, tường trình một cách sinh động và chi tiết về một trong những sự kiện bi thảm nhất trong cuộc can thiệp quân sự của Mỹ tại Việt Nam.
Ralph B. Levering - cha đẻ của các tác phẩm hay nhất về "Chiến tranh lạnh" - đã tóm lược đầy đủ giá trị nội dung và ý nghĩa thực tiễn của cuốn sách Mỹ Lai Việt Nam, 1968 - Nhìn lại cuộc thảm sát qua nhận định:
"Là tác phẩm lôi cuốn nhất cho đến nay về thảm sát Mỹ Lai và hậu quả của nó, được nghiên cứu kỹ lưỡng và tỉ mỉ với luận điểm thuyết phục, đây thực sự là cuốn sách vô cùng xuất sắc - một tài liệu tin cậy chắc chắn phải đọc đối với bất cứ ai quan tâm đến kỷ nguyên Việt Nam cũng như câu chuyện bi kịch của nước Mỹ, những sai lầm khủng khiếp có thể xảy ra trong xung đột vũ trang, bất chấp luật chiến tranh".
Trên cơ sở khai thác khối lượng lớn tư liệu có độ tin cậy được tập hợp từ những đánh giá của báo chí, báo cáo của quân đội Mỹ, từ những ghi chép tại tòa án, tài liệu của chính quyền Mỹ, từ những bài phỏng vấn sâu rộng với các quân nhân Mỹ, Việt Nam, cũng như những nạn nhân may mắn sống sót sau vụ thảm sát, cuốn sách đã tái hiện cụ thể, sâu sắc và toàn diện về nguyên nhân, diễn biến, hậu quả của vụ thảm sát Mỹ Lai, đồng thời phân tích một cách kỹ lưỡng sự che giấu của chính quyền Mỹ và phản ứng của các bên tham gia chiến dịch.
Cuốn sách gồm ba phần.
Phần I giúp người đọc hiểu nguyên nhân khiến người dân thôn Mỹ Lai phải gánh chịu nỗi đau tàn bạo khi đó.
Phần II tập trung phân tích cụ thể về hậu quả và sự che giấu của chính quyền Mỹ trong cuộc thảm sát Mỹ Lai.
Phần III làm rõ "cái giá" mà chính quyền Mỹ phải trả cho tội ác đã gây ra cho người dân Mỹ Lai.
Mỹ Lai vốn là một làng nhỏ yên bình của huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi.
Sáng 16-3-1968, lính Mỹ tràn vào bốn thôn Mỹ Lai 4, Mỹ Khê 4, Bình Tây và Bình Đông của huyện Sơn Tịnh, gần khu vực phi quân sự mà người Mỹ thường gọi là "Pinkville" (Làng Hồng).
Ba tiếng sau khi lính Mỹ lùng sục, hơn 500 dân làng không có vũ khí, trong đó chủ yếu là phụ nữ và trẻ em, nhiều trẻ sơ sinh, đã thiệt mạng thảm khốc dưới bàn tay của quân lính. Vụ thảm sát tàn ác được đặt theo tên của một trong các thôn đó - "thảm sát Mỹ Lai".
Với cách trình bày logic, ngắn gọn, mang tính khái quát cao, cuốn sách là một trong những tài liệu tham khảo giúp các học giả, các nhà nghiên cứu và bạn đọc quan tâm đến lịch sử Việt Nam có thêm cách khai thác, tiếp cận và phân tích vấn đề, đặc biệt là có thêm tư liệu để hiểu hơn về lịch sử các cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ tại Việt Nam.
TTO - Sau hơn nửa thế kỷ, bức ảnh Anh che đạn cho em đã tìm về với đúng người trong ảnh với hành trình 10 năm tìm kiếm sự thật ròng rã. Tuổi Trẻ trao đổi với ông Trần Văn Đức và tác giả loạt ảnh thảm sát Mỹ Lai - Ronald Haeberle.
Xem thêm: mth.17730020211303202-tas-maht-couc-ial-nihn-8691-man-teiv-ial-ym/nv.ertiout