vĐồng tin tức tài chính 365

Từ vụ xâm phạm nhãn hiệu bia SAIGON: Thế nào là nhãn hiệu nổi tiếng?

2023-03-12 07:12

Luật không quy định cụ thể?

Theo diễn biến vụ án, bị cáo Lê Ðình Trung và bị cáo pháp nhân thương mại Công ty CP Tập đoàn Bia Sài Gòn Việt Nam đã sản xuất "BIA SAIGON VIETNAM", với hình dáng, nhãn hiệu tương tự bia SAIGON của Tổng công ty CP bia - rượu - nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), nên bị khởi tố, truy tố và đưa ra xét xử về tội danh trên.

Từ vụ xâm phạm nhãn hiệu bia SAIGON: Thế nào là nhãn hiệu nổi tiếng? - Ảnh 1.

Bị cáo Lê Đình Trung tại tòa

PHAN THƯƠNG

Quá trình điều tra, để xác định hành vi phạm tội của 2 bị cáo, cơ quan tiến hành tố tụng đã yêu cầu Viện Khoa học sở hữu trí tuệ (SHTT, thuộc Bộ KH-CN) giám định một số nội dung. Trong đó, kết luận giám định sở hữu công nghiệp ngày 16.9.2022, nêu nhãn hiệu "bia SAIGON" và một số dấu hiệu trên lon bia, vỏ bia, và trên thùng carton đựng bia SAIGON của Sabeco đã được bảo hộ và đủ điều kiện được coi là nhãn hiệu nổi tiếng tại VN. Vì vậy, hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu được bảo hộ theo giấy chứng nhận và được coi là nổi tiếng của 2 bị cáo đã phạm vào tội "xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp" theo điều 226 bộ luật Hình sự.

Từ kết luận giám định trên, tại phiên tòa ngày 9.3, người tham gia tố tụng và người tiến hành tố tụng đã tranh luận gay gắt việc bia SAIGON của Sabeco có phải là nhãn hiệu nổi tiếng hay không. Trong đó, đại diện Cục SHTT (Bộ KH-CN) trả lời tòa: "Bia SAIGON của Sabeco là nhãn hiệu nổi tiếng", vì đủ điều kiện theo điều 75 luật SHTT. Ðồng thời cụm từ "đủ điều kiện được coi là nhãn hiệu nổi tiếng" theo kết luận giám định đồng nghĩa với việc Sabeco là nhãn hiệu nổi tiếng.

Từ vụ xâm phạm nhãn hiệu bia SAIGON: Thế nào là nhãn hiệu nổi tiếng? - Ảnh 2.

Bia SAIGON của Sabeco (bên trái) được cho là bị sản phẩm của Công ty CP Tập đoàn Bia Sài Gòn Việt Nam (bên phải) xâm phạm nhãn hiệu

P.T

Chất vấn lại đại diện Cục SHTT, chủ tọa phiên tòa cũng đề cập rằng muốn coi một sản phẩm là nhãn hiệu nổi tiếng thì phải được xác lập thông qua người tiêu dùng, và được công nhận theo thủ tục dân sự (tòa án) hoặc theo quyết định công nhận của Cục SHTT. "Chứ ai sản xuất một nhãn hàng, sản phẩm nào đó, cũng nói rằng sản phẩm của tôi là nhãn hàng nổi tiếng thì tràn lan", chủ tọa đặt vấn đề với đại diện Cục SHTT. Vị này trả lời: "Luật không quy định cụ thể việc công nhận nhãn hiệu nổi tiếng bằng cách nào…".

Phải chứng minh tiêu chí nổi tiếng theo điều 75 luật SHTT

Luật sư (LS) Hà Hải (Phó chủ nhiệm Ðoàn LS TP.HCM) cho biết tội danh "xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp" là tội danh khá mới, áp dụng đối với người nào cố ý xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý đang được nhà nước cấp giấy chứng nhận bảo hộ tại VN. Vì vậy, để xác định nhãn hiệu và nhãn hiệu nổi tiếng là 2 phạm trù khác nhau.

"Yếu tố cấu thành tội phạm của điều 226 bộ luật Hình sự là cố ý xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp của người khác; nhãn hiệu vi phạm phải được coi là nhãn hiệu bị giả mạo theo điều 213 bộ luật Hình sự; hành vi này phải thực hiện trên quy mô thương mại hoặc thu lợi bất chính từ 100 triệu đồng trở lên", LS Hà Hải nêu.

LS Lê Quang Vinh (Công ty sở hữu trí tuệ BROSS & Cộng sự) phân tích, theo luật SHTT, nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ cùng loại của các tổ chức, cá nhân khác nhau. Trong khi hầu hết các nhãn hiệu đã đăng ký đều là nhãn hiệu thông thường thì thực tế cũng có một số ít nhãn hiệu trở nên nổi tiếng được nhiều người biết tới nhờ danh tiếng, uy tín, vai trò dẫn dắt thị trường, doanh thu lớn mà pháp luật gọi các nhãn hiệu đặc biệt này là nhãn hiệu nổi tiếng.

Theo LS Vinh, hiện nay chưa có hướng dẫn thực sự rõ ràng là cơ quan nào có thẩm quyền công nhận nhãn hiệu nổi tiếng. Văn bản hiện hành quy định về điều kiện, hồ sơ, chứng cứ chứng minh nhãn hiệu nổi tiếng còn khá mờ nhạt, chưa rõ ràng. Nhưng nhìn chung theo quy định hiện hành người ta cho rằng có vẻ như luật pháp ngụ ý cho phép 2 cơ quan có thẩm quyền công nhận là tòa án (theo thủ tục tố tụng dân sự) hoặc Cục SHTT (trong thủ tục xác lập quyền).

Pháp luật quy định cá nhân, tổ chức nào muốn công nhận nhãn hiệu của mình là nhãn hiệu nổi tiếng thì họ có nghĩa vụ phải chứng minh nhãn hiệu đó là nổi tiếng dựa trên bằng chứng, chứng cứ phù hợp với 8 tiêu chí đánh giá nhãn hiệu nổi tiếng tại điều 75 của luật SHTT. Cần nhớ rằng tính chất "nổi tiếng" theo điều 75 luật SHTT là tiêu chuẩn pháp lý, nghĩa là chủ nhãn hiệu đó phải thu thập bằng chứng, tài liệu, chứng cứ chứng minh phạm vi, quy mô, mức độ, tính liên tục của việc sử dụng nhãn hiệu, doanh số bán hàng, chi phí quảng cáo,…

LS Vinh cũng cho rằng, nhìn chung việc công nhận nhãn hiệu nổi tiếng chỉ mang tính thụ động, nghĩa là việc công nhận nhãn hiệu nổi tiếng thường gắn liền với tình huống chủ nhãn hiệu bị mất nhãn hiệu vào tay người khác ở VN hoặc bị chủ thể khác làm "hoen ố" nhãn hiệu của mình khi sử dụng cho các sản phẩm/dịch vụ mà chủ sở hữu nhãn hiệu được cho là nổi tiếng không đăng ký/không kinh doanh. Ðể ngăn chặn thành công các tình huống không mong muốn này, chủ nhãn hiệu phải chứng minh nhãn hiệu của mình là nổi tiếng, vì nếu được công nhận là nhãn hiệu nổi tiếng thì phạm vi bảo hộ của nó rộng hơn nhãn hiệu thông thường, có thể được bảo hộ đối với sản phẩm không liên quan với sản phẩm của chủ nhãn hiệu nổi tiếng.

Cụ thể hơn, LS Lê Quang Vinh lấy ví dụ, rằng ai cũng biết Google nổi tiếng về dịch vụ tìm kiếm thông tin trên internet. Nhưng nếu ai đó lấy nhãn hiệu Google để đăng ký cho nước chấm hoặc kinh doanh nước chấm, Google muốn ngăn chặn doanh nghiệp lợi dụng nhãn hiệu của mình để kinh doanh mặt hàng đó thì phải đăng ký bảo hộ rất rộng sản phẩm tại VN, kể cả sản phẩm mà Google không kinh doanh; hoặc Google buộc phải yêu cầu VN công nhận Google là nhãn hiệu nổi tiếng. Sau khi được công nhận là nhãn hiệu nổi tiếng, nhìn chung Google có thể cấm được chủ thể khác đăng ký/sử dụng nhãn hiệu Google cho sản phẩm, dịch vụ bất kỳ.

Tiêu chí đánh giá nhãn hiệu nổi tiếng

Các tiêu chí sau đây được xem xét khi đánh giá một nhãn hiệu là nổi tiếng:

1. Số lượng người tiêu dùng liên quan đã biết đến nhãn hiệu thông qua việc mua bán, sử dụng hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu hoặc thông qua quảng cáo;

2. Phạm vi lãnh thổ mà hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu đã được lưu hành;

3. Doanh số từ việc bán hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ mang nhãn hiệu hoặc số lượng hàng hóa đã được bán ra, lượng dịch vụ đã được cung cấp;

4. Thời gian sử dụng liên tục nhãn hiệu;

5. Uy tín rộng rãi của hàng hóa, dịch vụ mang

nhãn hiệu;

6. Số lượng quốc gia bảo hộ nhãn hiệu;

7. Số lượng quốc gia công nhận nhãn hiệu là nổi tiếng;

8. Giá chuyển nhượng, giá chuyển giao quyền sử dụng, giá trị góp vốn đầu tư của nhãn hiệu.

(Điều 75 luật SHTT)

Xem thêm: mth.767420410213032581-gneit-ion-ueih-nahn-al-oan-eht-nogias-aib-ueih-nahn-mahp-max-uv-ut/nv.neinhnaht

Comments:0 | Tags:No Tag

“Từ vụ xâm phạm nhãn hiệu bia SAIGON: Thế nào là nhãn hiệu nổi tiếng?”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools