vĐồng tin tức tài chính 365

Ngân hàng 'đi đêm' lãi suất?

2023-03-13 09:58
Ngân hàng 'đi đêm' lãi suất? - Ảnh 1.

Hơn một tháng đi khảo sát các ngân hàng (NH), chúng tôi nhận thấy việc chào mời lãi suất không nằm trong bảng niêm yết khá phổ biến, có nơi lãi suất huy động được chào vượt 9,5%/năm - mức lãi huy động tối đa mà Hiệp hội Ngân hàng và một số ngân hàng hội viên đã thống nhất.

Ưu đãi lãi suất ở trên đưa xuống...

Ngày 10-3, đến quầy tư vấn ở NH SCB (quận 10, TP.HCM), nhân viên giới thiệu đối với khách hàng gửi mới tại quầy từ 50 triệu đồng trở lên sẽ được "tặng ưu đãi" thêm 0,5% (không áp dụng cho khách hàng gửi tiết kiệm online), cao hơn mức niêm yết 9%. Như vậy, gửi tiết kiệm 1 tỉ đồng, sau sáu tháng sẽ nhận về 47,89 triệu đồng tiền lãi.

Đặt vấn đề có thể lên Facebook, hoặc website ngân hàng để xem chính sách ưu đãi cộng thêm 0,5% như giới thiệu hay không, phía nhân viên tư vấn nói không có. Tuy nhiên, ưu đãi này là do SCB phát hành ra để nhân viên truyền thông với khách hàng. Chưa kể, chương trình ưu đãi thường xuyên thay đổi: "Hôm trước bên em cộng tới một chấm năm lận", nhân viên nói.

Để khách yên tâm, người này cho biết lãi suất trên sổ tiết kiệm đã được cộng ưu đãi, chứ "không phải tụi em muốn tự cộng là cộng". Việc ưu đãi đã được "ở trên đưa xuống".

Nhằm tăng thuyết phục, nhân viên này còn mở một nhóm chat trên Telegram ra, sau đó đưa một hình ảnh, đề cập đến chương trình "Thêm ưu đãi - Mãi gắn kết", tặng ưu đãi lãi suất 0,5%/năm cho khách hàng cá nhân tham gia các sản phẩm gửi tiết kiệm, tiền gửi có kỳ hạn tại quầy với kỳ hạn 6 tháng, 12 tháng, 13 tháng, bao gồm: tài khoản gửi mới, tài khoản tất toán gửi lại, tài khoản đến hạn tái ký.

Ông L.T.X. (quận 12, TP.HCM) tìm hiểu thông tin lãi suất gửi tiết kiệm tại Vietcombank chi nhánh Tân Định (quận 3) - Ảnh: THẢO THƯƠNG

Ông L.T.X. (quận 12, TP.HCM) tìm hiểu thông tin lãi suất gửi tiết kiệm tại Vietcombank chi nhánh Tân Định (quận 3) - Ảnh: THẢO THƯƠNG

Lãi suất ở các ngân hàng lớn thì sao?

Ông L.T.X. (quận 12) có tiền chưa dùng đến và có nhu cầu tìm hiểu thông tin về lãi suất gửi tiết kiệm. Ông tính đi nhiều ngân hàng khác nhau để có sự so sánh, ngân hàngnào lãi suất cao, ông sẽ chọn.

Tới Vietcombank chi nhánh Tân Định (quận 3), bước vào cửa ông được nhân viên giới thiệu bảng chi tiết lãi suất tiết kiệm đặt trong mặt gương bàn phía trước mặt. Tại thời điểm ngày 8-2-2023, nội dung bảng lãi suất phân chia với kỳ hạn 1, 3, 6, 9, 12, 24 tháng cho khách hàng thường và khách Priority.

Với khách ưu tiên, mức gửi từ 500 triệu đồng đến dưới 2 tỉ đồng, một năm lãi suất huy động là 7,8%/năm; từ 2 tỉ đồng đến dưới 5 tỉ đồng là 8,5%/năm; từ 5 tỉ đồng là 8,7%/năm.

Xem xong bảng lãi suất công khai, ông X. hỏi: "Tôi có 2 tỉ đồng, muốn gửi tiết kiệm một năm thì lãi suất như thế nào?".

"Nếu 2 tỉ đồng, lãi suất một năm là 9%. Thị trường có biên độ, lãi suất lại tăng hoặc giảm, khi đó tùy thuộc thị trường", nhân viên đưa ra lãi suất khác với con số công bố trong bảng thông báo.

Cho rằng lãi suất huy động như vậy là không cao, ông X. hỏi thêm gửi 5 tỉ đồng nhưng ngày 20-2 mới gửi, thì tính lãi suất có tăng thêm lên không? Nhân viên NH thông tin 5 tỉ đồng vẫn lãi suất 9%, nhưng đó là mức cao so với các chi nhánh của Vietcombank khác và gợi ý ông "cọc" trước 2 tỉ đồng "giữ lãi suất cao", vì có thông tin lãi suất gửi tiết kiệm sẽ "hạ" nhiệt.

"Mỗi chi nhánh có cơ chế hoạt động khác nhau, chi nhánh lớn được ưu tiên hơn. Tân Định là chi nhánh "top" 10 toàn quốc", người này nói.

Chênh lệch thấp cao về lãi suất tiền gửi giữa các ngân hàng khiến ông X. tìm đến thêm VietinBank (phòng giao dịch Phú Nhuận, quận Phú Nhuận) ngày 8-2-2023. Ông cũng hỏi về gói gửi tiết kiệm 2 tỉ đồng và 5 tỉ đồng.

Nhân viên ở đây giải thích luôn VietinBank chỉ có hai mức, trên 1 tỉ đồng và dưới 1 tỉ đồng. Sau đó, nhân viên bên trong viết ra giấy và đưa cho ông xem cụ thể lãi suất. Theo đó, nếu gửi 12 tháng thì lãi suất huy động là 9%/năm, gửi theo tháng là 8,65%; còn nếu gửi 12 tháng thì lãi suất là 8,7%, gửi hằng tháng lãi suất 8,55%.

Trước băn khoăn của khách về lãi suất, phó phòng giao dịch này tiến đến và xin số điện thoại cá nhân ông X. để hỏi ý kiến cấp trên.

Đến ngày 20-2, trong vai cá nhân "tiếp nối" chuyện lãi suất ở VietinBank, chúng tôi hỏi lại thông tin lãi suất tiền gửi hiện tại. Dù thông báo công khai mà nhân viên in ra, kỳ hạn cho lãi cuối kỳ của 6 tháng là 6%/năm; còn 12 tháng là 7,4% nhưng phó phòng giao dịch lại tiếp chuyện và nói với lãi suất khác niêm yết: "Bây giờ 6 tháng là 8,4%, 12 tháng là 8,7%. Em đang báo cáo lãi cuối kỳ. Mấy hôm nay lãi suất thay đổi liên tục. Hôm trước gần nhất 12 tháng là 9%. Có thể lên tối đa là 9,2%. Nhưng đó là khoảng trên 10 tỉ đồng, 15 tỉ đồng... thì mới trình ngoại lệ như vậy"...

Dữ liệu: BÔNG MAI

Dữ liệu: BÔNG MAI

Ngân hàng Nhà nước yêu cầu: phải công khai

Sau khi ghi nhận, báo Tuổi Trẻ đã gửi thông tin ghi nhận được kèm câu hỏi tới một số ngân hàng như Vietcombank, VietinBank... với một số nội dung: Việc chào mời khách với mức lãi suất cao hơn mức niêm yết có phải chính sách của ngân hàng, nhân viên làm như vậy là đúng? Quan điểm của ngân hàng về việc nên công khai minh bạch mức lãi suất huy động, tránh cạnh tranh ngầm đưa lãi suất lên cao?... Tuy nhiên, các ngân hàng chưa trả lời.

Trong khi đó, trả lời Tuổi Trẻ, Ngân hàng Nhà nước khẳng định: Các tổ chức tín dụng (TCTD) phải niêm yết công khai lãi suất tiền gửi tại các địa điểm nhận tiền gửi.

Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước cho biết tại khoản 2 điều 91 Luật các tổ chức tín dụng 2010 (đã được sửa đổi bổ sung) quy định tổ chức tín dụng được quyền ấn định và phải niêm yết công khai mức lãi suất huy động vốn, mức phí cung ứng dịch vụ trong hoạt động kinh doanh của TCTD.

Tại điều 3 thông tư hướng dẫn số 07/2014/TT-NHNN ngày 17-3-2014 quy định tổ chức tín dụng niêm yết công khai lãi suất tiền gửi bằng đồng Việt Nam tại các địa điểm nhận tiền gửi theo quy định của NH Nhà nước. Nghiêm cấm tổ chức tín dụng khi nhận tiền gửi thực hiện khuyến mại dưới mọi hình thức (bằng tiền, lãi suất và các hình thức khác) không đúng với quy định của pháp luật và thông tư 07/2014.

Với 500 triệu đồng tiền gửi ban đầu, kỳ hạn 6 tháng, nhân viên ở Ngân hàng SeABank hướng dẫn cách tách làm hai sổ tiết kiệm để quy đổi tổng mức lãi suất thực nhận là 9,85% - Ảnh: B.M.

Với 500 triệu đồng tiền gửi ban đầu, kỳ hạn 6 tháng, nhân viên ở Ngân hàng SeABank hướng dẫn cách tách làm hai sổ tiết kiệm để quy đổi tổng mức lãi suất thực nhận là 9,85% - Ảnh: B.M.

Hỗ trợ khách tách ra 2 sổ để nhận lãi cao

Ngày 10-3, khách hàng đến phòng giao dịch NH TMCP Đông Nam Á - SeABank tại quận 10, trình bày nhu cầu gửi tiết kiệm, nhân viên lập tức giới thiệu chương trình ưu đãi với lãi suất 9,4%/năm, kỳ hạn 6 tháng. Đáng chú ý, khách hàng được mời tham gia chương trình gửi tiết kiệm lĩnh lãi trước và tái đầu tư tiền lãi.

Cụ thể, khách gửi vào 1 tỉ đồng kỳ hạn 6 tháng, ngân hàng sẽ mở sổ tiết kiệm (sổ 1, gốc) và trả trước lãi hơn 47,6 triệu đồng. Sau đó khách hàng mang toàn bộ tiền lãi vừa nhận được phía trên để mở thêm một sổ tiết kiệm khác (sổ 2, mở cùng ngày với sổ 1), tiếp tục nhận ưu đãi. Với cách làm này (hai sổ), nhân viên NH phân tích: tổng lãi suất khách hàng thực nhận vào cuối kỳ là 9,85%, tương đương hơn 49,9 triệu đồng.

Chương trình trên dành cho khách hàng gửi trên 100 triệu đồng, không nằm trong bảng niêm yết.

Theo bảng niêm yết, lãi suất gửi tiết kiệm trong 6 tháng là 7,95% cho số tiền từ 500 triệu đồng đến 1 tỉ đồng. Trước cửa ngân hàng này cũng trưng bảng lãi suất cao nhất là 8,7%/năm, kỳ hạn 36 tháng, gửi từ 10 tỉ đồng.

Gửi càng lớn, lãi suất càng ưu đãi

Vì muốn tìm kiếm lãi suất gửi tiết kiệm ở mức cao nhất thị trường, cũng ngày 8-2, ông X. tiếp tục đến Sacombank (hội sở đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 3).

Nữ nhân viên đưa cho ông X. lãi suất huy động khách hàng cá nhân, áp dụng cho tất cả các địa bàn, hiệu lực từ 13h ngày 11-1-2023. Theo đó, áp dụng cho tài khoản mở tại quầy, tiết kiệm có kỳ hạn truyền thống, với kỳ hạn 12 tháng, nhận lãi cuối kỳ thì lãi suất huy động là 8,9%/năm, lãi hằng quý là 8,62%; còn lãi hằng tháng là 8,56% và lãi trả trước là 8,17%...

"Gửi tiết kiệm thì bảng lãi suất niêm yết của tụi em là ở đây (tờ A4 bảng lãi suất huy động - PV). Nếu gửi tiết kiệm số tiền lớn, bên em sẽ có ưu đãi thêm cho khách hàng. Anh tham khảo trước lãi suất niêm yết này. Của em 12 tháng là 8,99%, nếu số tiền 2 tỉ đồng thì em trình cho mình được 9,6%/năm". Khi khách nói có thể tăng số tiền gửi lên 5 tỉ đồng, nhân viên NH nói ông X. đợi vài phút, đi gặp "sếp", rồi quay lại nói: "Nếu 5 tỉ đồng, 12 tháng là 11%, lãi suất cuối kỳ".

Phân tích cho ông X. dễ hiểu, nữ nhân viên ngân hàng chỉ ra cụ thể nếu nhận một lần cuối kỳ là 540 triệu đồng, tức tính ra 45 triệu đồng/tháng. Còn nếu muốn nhận lãi hằng tháng, lãi sẽ giảm lại một chút, là 10,48%. Gửi 12 tháng, nhận lãi hằng tháng là 43 triệu đồng/tháng.

"Nếu rút trước hạn thì phải hoàn lãi. Anh gửi mới hai tháng mà rút, bên em thu hồi lại lãi. Thu nhân theo tỉ lệ, đưa về tính theo lãi không kỳ hạn để thu lại", nhân viên tên Linh lưu ý.

Cơ quan báo chí hoặc người dân có đầy đủ thông tin, bằng chứng về việc TCTD thỏa thuận ngầm về lãi suất tiền gửi với khách hàng cao hơn mức lãi suất tiền gửi niêm yết theo quy định, thì phản ảnh đến NH Nhà nước để NH Nhà nước có thêm thông tin kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh.
Ngân hàng Nhà nước

Nghiêm cấm cạnh tranh không lành mạnh trong huy động vốn

Ngân hàng Nhà nước cho hay sẵn sàng nhận phản ảnh về tình trạng thỏa thuận ngầm lãi suất huy động để kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh nhằm đảm bảo hoạt động NH được an toàn, minh bạch.

Trả lời Tuổi Trẻ, Ngân hàng Nhà nước cho biết trong các tháng cuối năm 2022, các tổ chức tín dụng (TCTD) liên tục điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi trong bối cảnh các NH trung ương tăng lãi suất, sức ép lạm phát gia tăng, nhu cầu vốn cho tăng trưởng kinh tế phục hồi trở lại, sự kiện SCB...

Trước tình hình đó, Ngân hàng Nhà nước đã triển khai một số biện pháp để ổn định mặt bằng lãi suất, như chỉ đạo các tổ chức tín dụng duy trì mặt bằng lãi suất huy động ổn định, hợp lý, phù hợp với khả năng cân đối vốn, khả năng mở rộng tín dụng lành mạnh và năng lực quản lý rủi ro; không làm ảnh hưởng đến sự ổn định của thị trường tiền tệ và mặt bằng lãi suất thị trường; nghiêm cấm thực hiện các biện pháp kỹ thuật để lách vượt trần lãi suất huy động, nghiêm cấm cạnh tranh không lành mạnh trong huy động vốn.

Ngân hàng Nhà nước sẽ theo dõi các trường hợp tổ chức tín dụng tiếp tục tăng lãi suất và có biện pháp xử lý đối với các tổ chức tín dụng này.

Nhân viên SCB chào chương trình ưu đãi cộng thêm 0,5% lãi suất so với bảng niêm yết. Gửi 500 triệu đồng, kỳ hạn 6 tháng, lãi tổng cộng 9,5% (niêm yết + ưu đãi) - Ảnh: B.M.

Nhân viên SCB chào chương trình ưu đãi cộng thêm 0,5% lãi suất so với bảng niêm yết. Gửi 500 triệu đồng, kỳ hạn 6 tháng, lãi tổng cộng 9,5% (niêm yết + ưu đãi) - Ảnh: B.M.

Đầu năm 2023, Ngân hàng Nhà nước cho hay tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng kiểm soát chặt chẽ lãi suất tiền gửi để giữ ổn định mặt bằng lãi suất thị trường. Trong tháng 2-2023, Ngân hàng Nhà nước đã có buổi làm việc với các ngân hàng thương mại về việc ổn định mặt bằng lãi suất, giảm lãi suất tiền gửi để có điều kiện giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp, nền kinh tế phục hồi sản xuất kinh doanh. Theo đó, về cơ bản các ngân hàng thương mại đồng thuận giảm lãi suất tiền gửi từ 0,2 - 0,5%/năm đối với tiền gửi kỳ hạn 6 đến 12 tháng.

Trên cơ sở điều hành và chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, đến nay về cơ bản các ngân hàng thương mại đã không điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi liên tục như trước đây và mặt bằng lãi suất đã ổn định dần trong tháng đầu năm 2023 và đang có xu hướng giảm. Hiện lãi suất tiền gửi phát sinh mới bình quân ở mức khoảng 7%/năm (trong đó một số NH thương mại đã giảm mạnh lãi suất tiền gửi so với cuối năm 2022).

Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục theo dõi sát diễn biến lãi suất thị trường; đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động nhận tiền gửi của các tổ chức tín dụng, trong đó có nội dung về niêm yết công khai lãi suất tiền gửi và lãi suất thực tế của các tổ chức tín dụng.

Trường hợp cơ quan báo chí hoặc người dân có đầy đủ thông tin, bằng chứng về việc tổ chức tín dụng thỏa thuận ngầm về lãi suất tiền gửi với khách hàng cao hơn mức lãi suất tiền gửi niêm yết theo quy định, thì phản ảnh đến Ngân hàng Nhà nước để Ngân hàng Nhà nước có thêm thông tin kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh hoạt động của tổ chức tín dụng nhằm đảm bảo hoạt động ngân hàng được an toàn, minh bạch.

T.T. - B.M.

Lãi suất giảm nhẹ, tín dụng tăng chậmLãi suất giảm nhẹ, tín dụng tăng chậm

Nếu năm 2022 doanh nghiệp (DN) xếp hàng chờ giải ngân mà ngân hàng (NH) cạn room tín dụng thì những tháng đầu năm nay tình hình ngược lại. Tính đến ngày 24-2, tín dụng toàn nền kinh tế chỉ tăng 0,77% so với cuối năm 2022.

Xem thêm: mth.40560628031303202-taus-ial-med-id-gnah-nagn/nv.ertiout

Comments:0 | Tags:No Tag

“Ngân hàng 'đi đêm' lãi suất?”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools