Mới đây nhất, Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; trong đó nêu nhiệm vụ quan tâm, chăm lo cho huyện đảo Trường Sa, xây dựng và bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc thiêng liêng đã được ban hành. Nghị quyết 09-NQ/TW là bước đột phá lớn, mang tính cốt lõi để các chủ trương về biển đảo, về Trường Sa được cụ thể hóa rõ nét nhất.
Xung quanh vấn đề này, Thanh Niên có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa.
Xây dựng thành trì vững chắc
* Xin ông chia sẻ về tinh thần chính của Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 ?
- Khánh Hòa là một tỉnh ven biển có nhiều tiềm năng và lợi thế. Với bờ biển dài hơn 200 km, ở vị trí trung tâm của các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ, là đầu mối giao thông thuận lợi về đường bộ, đường sắt, đường biển và đường hàng không, cửa ngõ chính ra Biển Ðông của các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ và Tây nguyên.
Khánh Hòa cũng là vùng đất giàu truyền thống yêu nước và cách mạng, kiên cường, dũng cảm trong kháng chiến chống ngoại xâm, cần cù, sáng tạo trong xây dựng phát triển kinh tế - xã hội, được thiên nhiên ưu đãi. Khánh Hòa có nhiều điều kiện để phát triển kinh tế - xã hội, nhất là các ngành kinh tế, dịch vụ biển và du lịch. Khánh Hòa có huyện đảo Trường Sa, vừa có ý nghĩa về phát triển kinh tế, vừa có vị trí quan trọng về quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển đảo quốc gia.
Chủ quyền của chúng ta về quần đảo Trường Sa là không thể chối cãi, chứng cứ lịch sử hết sức rõ ràng. Trường Sa là những cột mốc vững chắc chứa đựng thông điệp về chủ quyền hợp pháp của Việt Nam, không thể tranh chấp trên Biển Đông. Những cột đá chủ quyền với những vĩ độ, kinh độ được thừa nhận dựa theo Công ước quốc tế về luật Biển năm 1982.
Việc ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TW, ngày 28.1.2022 của Bộ Chính trị thể hiện sự quan tâm của T.Ư và khẳng định quan điểm của Ðảng về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của tỉnh Khánh Hòa đối với vùng duyên hải Nam Trung bộ, Tây nguyên và cả nước; từ đó mở đường cho việc đưa ra những giải pháp mới, đột phá và thu hút nguồn lực, cả vật chất và tinh thần để xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030 trở thành TP trực thuộc T.Ư trên cơ sở phát huy cao độ tiềm năng và lợi thế về biển...
Nghị quyết cũng xác định tầm nhìn đến năm 2045, Khánh Hòa là đô thị thông minh, bền vững, bản sắc, ngang tầm khu vực châu Á; là hình mẫu của sự gắn kết giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh; là thành phố đáng sống, nơi người dân có mức sống cao, hiền hòa và hạnh phúc; tổ chức Ðảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển, đảo được bảo đảm vững chắc.
* Trong Nghị quyết 09 có nêu nhiệm vụ của tỉnh kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh. Ðẩy mạnh xây dựng và phát triển huyện đảo Trường Sa trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội trên biển của cả nước; là pháo đài vững chắc bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc. Như vậy, Khánh Hòa sẽ triển khai nhiệm vụ này như thế nào, thưa ông?
- Ðể hiện thực hóa mục tiêu Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị, tỉnh Khánh Hòa đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Quốc phòng và các bộ ngành liên quan để triển khai thực hiện các nhiệm vụ liên quan. Trong đó, Tỉnh ủy Khánh Hòa đã chỉ đạo UBND tỉnh xây dựng đề án Xây dựng và phát triển huyện đảo Trường Sa trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội trên biển của cả nước, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Hiện nay, đề án đang trong quá trình hoàn thiện để báo cáo cấp có thẩm quyền.
Tỉnh Khánh Hòa cũng đã phối hợp chặt chẽ Bộ KH-ÐT và các bộ, ngành T.Ư trong việc xây dựng, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa (Nghị quyết số 55/2022/QH15 của Quốc hội). Trong đó có các chính sách liên quan trực tiếp đến việc phát triển huyện đảo Trường Sa, như: miễn, giảm tiền sử dụng khu vực biển, áp dụng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp ưu đãi đối với nhà đầu tư trong nước có dự án nuôi trồng thủy sản trên biển; thành lập Quỹ phát triển nghề cá Khánh Hòa, với mục tiêu bổ sung nguồn lực phục vụ việc phát triển nghề cá, đầu tư cho các hạng mục, công trình hạ tầng cảng cá, cơ sở chế biến, dịch vụ hậu cần nghề cá nhằm hỗ trợ ngư dân vươn khơi bám biển, không chỉ ngư dân tỉnh Khánh Hòa mà còn ngư dân của các tỉnh Nam Trung bộ và cả nước; đồng thời đầu tư các công trình thiết yếu khác phòng chống thiên tai, phục vụ dân sinh tại huyện đảo Trường Sa.
Một lòng quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền
* Huyện đảo Trường Sa thuộc tỉnh Khánh Hòa, là đất thiêng của Tổ quốc Việt Nam trên Biển Ðông. Cả nước luôn dành cho huyện đảo một tình cảm đặc biệt, và cụ thể hóa bằng các chuyến thăm hỏi động viên, góp công, của để xây dựng huyện đảo ngày càng vững mạnh. Xin ông chia sẻ cảm nhận về sự đặc biệt này ?
- Những chuyến đi thực tế ra quần đảo Trường Sa đã giúp các đại biểu từ các cơ quan, đơn vị, địa phương, các tổ chức, doanh nghiệp, kiều bào Việt Nam ở nước ngoài cảm nhận sâu sắc, tận mắt chứng kiến cuộc sống sinh hoạt, học tập, công tác của cán bộ, chiến sĩ và người dân trên các đảo, điểm đảo.
Ðó là sự khâm phục, tự hào trước sự phấn đấu, hy sinh, khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, khẳng định sự tin tưởng vào ý chí của cán bộ, chiến sĩ và người dân trên quần đảo Trường Sa một lòng quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Những chuyến thăm hỏi đầy ý nghĩa này là những chuyến đi tràn đầy cảm xúc thiêng liêng và tự hào, giúp mỗi cá nhân thực sự nâng cao ý thức chính trị trong việc thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền biển, đảo, tạo sự đồng thuận trong nhân dân theo tinh thần "Cả nước vì Trường Sa - Trường Sa vì Tổ quốc".
Qua đó, tôi muốn chia sẻ rằng chủ quyền của chúng ta về quần đảo Trường Sa là không thể chối cãi, chứng cứ lịch sử hết sức rõ ràng. Trường Sa là những cột mốc vững chắc chứa đựng thông điệp về chủ quyền hợp pháp của Việt Nam, không thể tranh chấp trên Biển Ðông. Những cột đá chủ quyền với những vĩ độ, kinh độ được thừa nhận dựa theo Công ước quốc tế về luật Biển năm 1982.
Do vậy, mỗi người dân Khánh Hòa nói riêng và cả nước nói chung cần giữ vững quan điểm, nhận thức sâu sắc hơn về trách nhiệm tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22.10.2018 của Ban Chấp hành T.Ư Ðảng khóa XII về "Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" và Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 28.1.2022 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; hướng tới mục tiêu đẩy mạnh xây dựng và phát triển huyện đảo Trường Sa trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội trên biển của cả nước và là thành trì vững chắc bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
* Ông có thể nói cụ thể hơn về sự quan tâm, chăm lo của Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân Khánh Hòa với huyện đảo Trường Sa thời gian qua như thế nào ?
- Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa luôn có sự quan tâm đặc biệt đối với huyện đảo Trường Sa trong suốt những năm vừa qua cả về nguồn nhân, vật lực cũng như đời sống tinh thần cho người dân huyện đảo Trường Sa; tổ chức tốt đời sống dân cư trên các xã, thị trấn thuộc huyện Trường Sa. Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân Khánh Hòa đã quyết tâm củng cố bộ máy chính quyền địa phương, đổi mới phương thức hoạt động các UBND xã, thị trấn của huyện đảo Trường Sa nhằm phát triển kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội.
Ðến nay, đời sống người dân ở các đảo được nâng cao, ổn định cuộc sống; đồng thời đảm bảo về an sinh xã hội như dự trữ nước ngọt sử dụng hằng ngày, điện sinh hoạt được duy trì 24/24 giờ, học sinh được tổ chức học tập theo các chương trình và sách giáo khoa của Bộ GD-ÐT; hệ thống y tế, công tác chăm sóc sức khỏe, vệ sinh, phòng chống dịch bệnh cho cán bộ, công chức và người dân được nâng cao…
Là huyện đảo có tính đặc thù cao trong hệ thống hành chính nhà nước, xa đất liền, thời tiết, khí hậu khắc nghiệt… Song, vượt lên tất cả, Ðảng bộ, chính quyền, quân và nhân dân trong huyện sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của nhà nước, của tỉnh, các cấp, ngành và nhân dân cả nước trao tặng, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội gắn với củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh cũng như ổn định, nâng cao đời sống nhân dân.
Những công trình kinh tế kết hợp với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế, phục vụ dân sinh được đầu tư xây dựng cơ bản, phù hợp với thực tiễn, đi vào hoạt động hiệu quả, tạo nên một Trường Sa "mạnh về phòng thủ, tốt về lối sống, đẹp cảnh quan, môi trường, mẫu mực tình đoàn kết quân dân".
Dâng hương tưởng niệm các chiến sĩ Gạc Ma
Kỷ niệm 35 năm trận chiến bảo vệ đảo Gạc Ma - quần đảo Trường Sa (14.3.1988 - 14.3.2023), chiều tối 13.3, tại Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma (H.Cam Lâm, Khánh Hòa), Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ VN tỉnh Khánh Hòa đã tổ chức Lễ tưởng niệm 64 cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam đã hy sinh để bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị; nguyên Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình cùng có mặt dâng hương.
Đến thắp hương cho bố và 63 đồng đội của bố, thiếu tá Nguyễn Tiến Xuân (con trai liệt sĩ Nguyễn Mậu Phong), cho biết bản thân đang công tác tại Vùng 4 Hải quân, thường xuyên ra Trường Sa làm nhiệm vụ. "Mỗi lần ra đó tâm trạng tôi rất xúc động cảm thấy như bố đang dõi theo từng bước chân của mình. Tôi nguyện sẽ noi gương của bố quyết đem hết sức mình hiến dâng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc", anh Xuân nghẹn ngào.
Thế Quang
Bí thư Tỉnh ủy Bình Định thăm cựu binh Gạc Ma
Chiều 13.3, ông Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định, đã đến thăm hỏi tình hình đời sống, sức khỏe và động viên cựu binh Lê Minh Thoa (ở đường Tăng Bạt Hổ, TP.Quy Nhơn, Bình Định), 1 trong 9 chiến sĩ hải quân sống sót sau trận hải chiến bảo vệ Gạc Ma năm 1988.
Ông Lê Minh Thoa sinh năm 1968, nhập ngũ năm 1985, sau đó được điều động về công tác tại Hải đội 1, Lữ đoàn 125 Hải quân, đóng tại TP.HCM. Đầu tháng 3.1988, ông Thoa được điều sang tàu vận tải HQ 604 của Lữ đoàn 125, làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Sáng 14.3.1988, trong trận hải chiến bảo vệ Gạc Ma, tàu vận tải HQ 604 bị bắn chìm khi đang thả neo cho Phân đội công binh Trung đoàn 83 bốc dỡ vật liệu xây dựng xuống đảo chìm. Lúc đó, ông Thoa đang làm nhiệm vụ bảo vệ, sửa chữa tàu HQ 604 thì tàu bị trúng đạn và cháy. Trong lúc chữa cháy cho tàu HQ 604, ông Thoa bị thương.
Khi tàu bị chìm, ông Thoa may mắn ôm được 2 trái bí xanh (lương thực trên tàu) làm phao cứu sinh. Sau gần 1 ngày lênh đênh trên biển, ông Thoa bị phía Trung Quốc bắt giữ.
Cựu binh Lê Minh Thoa đã được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng ba, Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng nhì và hạng ba.
Thanh Quân