Vướng mắc lớn nhất hiện nay là quan điểm của Bộ Tài chính khi bộ này không đồng tình với giải pháp tình thế của VEC là dùng nguồn thu phí do VEC quản lý để tự cân đối vốn để tiếp tục thi công. Đây là một trong nhiều giải pháp tháo gỡ cho dự án.
Bộ Tài chính không đồng tình khi cho rằng nguồn thu phí của VEC quản lý là thuộc sở hữu nhà nước, không phải vốn chủ sở hữu của VEC, do vậy không thể cho VEC tự lấy để làm vốn đối ứng. Bộ Tài chính không sai, nhưng...
Bộ Tài chính nắm "tay hòm chìa khóa" quốc gia phải cầm cương kỷ luật tài chính. Tiền nào khoản ấy, không có chuyện tiền cho khoản này choàng chi khoản kia.
Đã là tiền ngân sách thì không thể để cho doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp được giao nhiệm vụ đặc biệt làm đường cao tốc như VEC, có thể đem ra xử lý tình huống dù khơi thông vốn cho tuyến cao tốc.
Khuôn thước ấy phải tuân thủ nhưng cần triệt để ngay từ đầu, tức các thủ tục liên quan đến vốn cho tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành phải đầu xuôi đuôi lọt.
Đằng này, vừa triển khai đã gián đoạn (khi chuyển chủ quản VEC từ Bộ GTVT qua Ủy ban Quản lý vốn nhà nước) nên không thể bố trí vốn. Từ đó vướng một chỗ đổ ra trăm chỗ. Lúc này không thể khư khư với nguyên tắc kỷ luật ngân sách mà là tập trung gỡ.
Bởi đây là làm ăn kinh tế (với các nhà thầu), là quan hệ quốc tế (vay vốn nước ngoài), là đền bù cho người dân, là dự án đúng tiến độ... Một thực tế đáng sợ đó, buộc chúng ta phải làm gì đó để ngăn phát sinh thêm hậu quả.
Thủ tục do ta. Gỡ vướng thủ tục cũng do ta. Chúng ta đã từng chứng kiến nhiều vấn đề rất cấp bách của cuộc sống nếu cứ theo đúng thủ tục mà làm, hậu quả sẽ cực kỳ lớn. Như vụ mua vắc xin AstraZeneca từ Công ty cổ phần Vắcxin Việt Nam (VNVC), nếu cứ theo thủ tục đấu thầu, có mà... chết.
Một nghị quyết của Chính phủ cho phép lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt để mua 30 triệu liều vắc xin theo giá phi lợi nhuận của VNVC đã gỡ rối toàn bộ. Liệu có đáng "xé rào" không? Nào ai trách cứ trước hành động bảo vệ dân trước dịch bệnh.
Tương tự, nếu cứ theo quy trình, thủ tục về cấp phép khai thác mỏ, phần lớn các dự án thi công trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía đông phải đắp chiếu vì không có đất và cát đắp nền. Một nghị quyết về tháo gỡ vật liệu xây dựng làm cao tốc ra đời vẫn chưa đủ.
Có thêm nghị quyết 113, gỡ khó hàng loạt các thủ tục hành chính đã quy định tại Luật khoáng sản, Luật bảo vệ môi trường phần nào giúp các công trình thi công cao tốc sáng đèn. Và còn nhiều nghị quyết khác nữa.
Các nghị quyết, cơ chế linh hoạt gỡ vướng như nêu trên đều đã được cân lên nhắc xuống sao cho chặt chẽ, không vượt quá luật vì mục đích chung và trong quá trình triển khai phải giám sát chặt để không bị lạm dụng hay gây hậu quả khác.
Bạn đọc Tuổi Trẻ đã được thông tin đầy đủ về vướng mắc và hướng đề xuất giải quyết cho đường cao tốc Bến Lức - Long Thành. Bộ Tài chính và các đơn vị liên quan phải hành động ngay, nếu không "càng ôm nguyên tắc càng gây hệ lụy".
Cũng đừng để người dân nghĩ dự án này khó sống lại vì "quan điểm của Bộ Tài chính"!
Cao tốc Bến Lức - Long Thành chậm trễ dẫn tới nhiều nhà thầu khởi kiện, đòi bồi thường chi phí phát sinh khi dừng chờ.
Xem thêm: mth.99050719041303202-yul-eh-yag-gnac-cat-neyugn-mo-gnac/nv.ertiout