Từ năm 2017, những tuyến xe buýt Đà Nẵng trợ giá đầu tiên ra đời. Được đầu tư mới, bài bản nên thời gian đầu thành phố đã tổ chức được 12 tuyến xe.
Tuy nhiên đến hiện nay chỉ còn 7 tuyến xe, trong đó có 5 tuyến trợ giá.
Điều đáng nói là sau hơn 1 năm vận hành trở lại sau dịch, xe buýt Đà Nẵng vẫn gặp cảnh "chợ chiều" vắng hoe.
Tài xế xe buýt Đà Nẵng liên tục đình công
Ngày 13-3, trên tuyến TMF từ Vũng Thùng - Công viên 29 Tháng 3 - Công viên Biển Đông chỉ có 3 hành khách suốt tuyến.
Giờ cao điểm, hành trình qua những khu dân cư đông đúc nhưng vẫn không mấy người chọn di chuyển bằng phương tiện này.
Tài xế Phan Lưu, lái xe tuyến TMF, cho biết trung bình mỗi lượt chạy chỉ phục vụ 5-7 hành khách. Trong đó tuyến chủ yếu đông vào sáng sớm.
"Khách xe tui là nhóm người cao tuổi đi tắm biển. Thỉnh thoảng có mấy anh Tây từ khu bên biển đi sang các chợ trung tâm mua hàng", tài xế Lưu cho biết.
Tương tự, tuyến R17A nối trung tâm huyện Hòa Vang với cảng Sông Hàn cũng không khá khẩm hơn là bao. Dù tuyến này có lộ trình dài nối vùng nông thôn với trung tâm thành phố nhưng hành khách chủ yếu là người lớn tuổi đi khám bệnh và học sinh.
Ông Lê Tâm Tuệ - phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ, một hành khách thường sử dụng xe buýt tuyến này để đi làm - cho biết so với trước đây thời gian chờ có kéo dài hơn. Ông từng quen nhiều hành khách chung chuyến, tuy nhiên nhiều tháng nay họ "rơi rụng" dần.
"Nhiều bữa tài xế đình công, xe nghỉ chạy 3-4 ngày liền. Mình phải tìm xe khác xuống thành phố. Có người vì xe buýt không chạy mà lỡ việc nên nghỉ đi luôn" - ông Tuệ nói.
Người dân vẫn chuộng xe máy
Cũng theo ông Tuệ, mật độ giao thông ở Đà Nẵng không quá đông đúc, chưa kẹt xe nên nhiều người vẫn chọn đi bằng xe cá nhân cho thuận tiện hơn là xe công cộng.
Theo nhận định của đơn vị quản lý - điều hành là Trung tâm Điều hành đèn tín hiệu giao thông và Vận tải công cộng thành phố Đà Nẵng (DATRAMAC), lượng khách đi xe buýt vẫn chưa thể phục hồi so với thời điểm trước dịch.
Trong hơn 1 năm vận hành trở lại sau dịch, đơn vị đang triển khai các giải pháp nhằm kéo khách trở lại với vận tải hành khách công cộng.
Trong đó ngoài việc tổ chức quy hoạch lại bến bãi, thay đổi lộ trình cho phù hợp thì sẽ triển khai 61 trạm cho thuê xe đạp vào tháng 3-4 ở gần các trạm xe buýt, tạo điều kiện cho người dân dễ đi lại.
TTO - Gia tăng xe cá nhân khiến đô thị Đà Nẵng đối mặt với nguy cơ ùn tắc giao thông khu trung tâm trong vài năm nữa. Phát triển xe buýt để kéo chậm kẹt xe là giải pháp của thành phố này.
Xem thêm: mth.14861255141303202-col-gnort-nav-aig-ort-coud-gnan-ad-tyub-ex/nv.ertiout