Sau khi tiếp quản công việc kinh doanh từ cha hơn 35 năm trước, Ohashi đã phục vụ bát cơm với cá ngừ cuối cùng trong sự nghiệp của mình.
Khi chuẩn bị rời đi trong chuyến vận chuyển cuối, ông tự hỏi liệu có nên làm phiền người con trai đang làm nhân viên văn phòng ở gần đó hay không. Ông muốn nhờ đứa con vốn không có hứng thú với công việc kinh doanh của gia đình có thể đến tháo dỡ giúp tấm biển quảng cáo lớn của nhà hàng.
“Nói chuyện với thằng bé rất khó khăn. Suốt mấy năm qua, gần như lúc nào hai cha con cũng cãi vã về chuyện kế nghiệp,” ông nói.
Ohashi đã hơn 74 tuổi. Ông thuộc thế hệ đã đưa Nhật Bản trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới. Bây giờ, khi ông nghỉ hưu, nền kinh tế có vẻ như lại sắp được định hình thêm lần nữa.
Nhà hàng của ông là một trong số hàng chục nghìn cơ sở kinh doanh sẽ đóng cửa trong năm vì không có người kế nghiệp nắm quyền. Có những cơ sở được người ngoài mua lại, có những cơ sở được người trong nhà thừa kế. Nhưng hầu hết đều có số phận giống như nhà hàng của Ohashi: Biến mất.
Cuộc khủng hoảng đến từ lý do bất ngờ
Nhân khẩu học từ lâu đã đặt ra những thách thức to lớn đối với dân số đang già đi và thu hẹp nhanh chóng ở Nhật Bản. Nhưng tình trạng thiếu người thừa kế đã không được chú trọng. Đại dịch bùng phát mới khiến mọi người cảm thấy cấp bách. Nhiều chủ sở hữu ở độ tuổi ngoài 70 đã chọn đẩy nhanh kế hoạch chuyển giao quyền quản lý hoặc nhìn những công ty yêu quý của mình bước đến ‘ngày tàn’.
Kết quả là, Nhật Bản phải đối mặt với nỗi lo rằng những bí quyết và sự lưu truyền về văn hoá doanh nghiệp cũng như các kỹ năng đã được tích luỹ hàng chục năm, thậm chí là hàng trăm năm sẽ ‘bay màu’ khi không có ai tiếp nhận. Quá trình này thậm chí sẽ khiến cha mẹ và con cái ngày càng xa cách nhau và đó là một điều đáng buồn đối với bất cứ quốc gia nào.
Nhìn từ một góc độ khác, cuộc khủng hoảng ‘người thừa kế’ lại là hệ quả đến từ sự thành công của Nhật Bản. Nhiều thập kỷ tăng trưởng kinh tế xuất sắc sau chiến tranh đã tạo ra một lực lượng lao động lớn và có trình độ đại học trở lên.
Vốn dĩ thế hệ trẻ này là niềm tự hào to lớn đối với cha mẹ họ nhưng nhiều người đã lựa chọn quay lưng lại với công việc kinh doanh của gia đình. Trong một nền văn hoá từ lâu đã đề cao lòng hiếu thảo và sự gắn kết gia đình, điều này lại càng khiến các bậc phụ huynh cảm thấy thất vọng.
Nhiều đứa trẻ thuộc thế hệ “baby boomer” đã chuyển đến thành phố để sống và không quan tâm đến việc tiếp quản các nhà máy hoặc cửa hàng sửa chữa nhỏ do cha mẹ gây dựng nữa. Và các miền quê đang ngày càng giảm dân số vì nguyên do này.
Theo dữ liệu của chính phủ Nhật Bản, hơn 40.000 công ty nhỏ mỗi năm đang cần người kế nhiệm.
Giờ đây, các ngân hàng, công ty kế toán và các nhà tư vấn tài chính khác đã làm lại mô hình kinh doanh của họ để cung cấp dịch vụ cho các chủ sở hữu công ty muốn chuyển giao công việc kinh doanh của mình. Có những công ty mở ra chuyên để thực hiện các thương vụ sáp nhập và mua lại giữa các công ty nhỏ.
Tham khảo FT