Ngày 15-3, Ban chỉ đạo 389 tỉnh An Giang tổ chức ký kết liên tịch phối hợp đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về khoáng sản (cát sông) trên đường thủy nội địa tỉnh An Giang năm 2023.
Theo đó, ba lực lượng: Công an tỉnh, Cục Thuế tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh sẽ phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan lĩnh vực tài nguyên và môi trường trên đường thủy nội địa.
Đặc biệt là huy động lực lượng sử dụng đồng bộ các biện pháp đấu tranh và xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật đối với các hành vi vi phạm pháp luật về khai thác, kinh doanh, vận chuyển, xuất khẩu khoáng sản trên các tuyến đường thủy nội địa, góp phần đảm bảo tạo điều kiện thuận lợi, công bằng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân…
Đối tượng cần tập trung là các doanh nghiệp được cấp phép hoạt động khai thác, xuất khẩu khoáng sản và các dự án nạo vét thông luồng chỉnh trị dòng chảy có tận thu khoáng sản. Các doanh nghiệp hoạt động tạm nhập, tái xuất cát từ Campuchia đi các nước qua địa bàn tỉnh An Giang.
Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh có chứa mặt hàng khoáng sản (kể cả bến và bãi tập kết cát, sỏi lòng sông, đất mặt đất nông nghiệp, đá). Tập trung vẫn là các tuyến sông, kênh thuộc các khu vực có khả năng xảy ra khai thác, vận chuyển khoáng sản trái phép.
Kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về hoạt động khai thác, kinh doanh, vận chuyển khoáng sản; việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn giao thông đường thủy; vị trí được khai thác, thời gian hoạt động khai thác; kiểm tra việc thực hiện nghĩa vụ thuế trong lĩnh vực tài nguyên; kiểm tra phát hiện xử lý nghiêm đối với các điểm tập kết và phương tiện khai thác, vận chuyển khoáng sản trái phép.
Theo kế hoạch, Công an tỉnh An Giang sẽ thành lập 5 tổ công tác để kiểm tra, ngăn chặn và xử lý cát trên các nhánh sông Tiền, sông Hậu. Mỗi tổ có từ 8 đến 11 cán bộ, chiến sĩ.
Phát biểu tại hội nghị, đại tá Lâm Phước Nguyên - giám đốc Công an tỉnh An Giang - yêu cầu các đơn vị phối hợp liên ngành xử lý cát phải liên kết chặt chẽ xử lý nghiêm hơn, để chống thất thoát khoáng sản.
"Hướng tới, có thể lắp đặt camera tại các khu vực khai thác cát để kiểm tra ngăn chặn, chống thất thu. Nếu có 10 sà lan vào mỏ cát mà lát nữa di chuyển ra chỉ có 2 hóa đơn cát là không ổn. Vậy 8 sà lan còn lại đang ở đâu? Do đó, chúng ta chỉ cần trang bị camera đầy đủ và có thêm vài cán bộ để giám sát đường sông và biên giới", đại tá Nguyên nói.
TTO - Trước tình hình khan hiếm nguồn cung, hai tỉnh An Giang và Đồng Tháp đã siết chặt đầu ra các mỏ khai thác cát, yêu cầu cam kết cung cấp cho các dự án quan trọng.