Đưa ra thông tin này tại hội thảo "Đổi mới tiếp cận tài chính toàn diện cho chuỗi cung ứng" do công ty Validus Việt Nam và tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) phối hợp tổ chức ngày 16-3 ở TP.HCM, bà Phạm Thị Thanh Huyền, phụ trách chương trình cơ sở hạ tầng tài chính Việt Nam của IFC - cho biết tỉ lệ các khoản vay có đảm bảo tài sản là động sản như khoản phải thu, hàng hóa luân chuyển trong kinh doanh... trên thế giới thường chiếm 60-70%.
Trong khi tại Việt Nam, quan điểm chỉ cho vay bằng tài sản đảm bảo là bất động sản đang trở thành rào cản lớn nhất trong tiếp cận vốn vay của các doanh nghiệp và hiện chiếm đến 70% tỉ trong dư nợ tín dụng cho vay.
Khảo sát của tổ chức này cho thấy có đến 70% doanh nghiệp khó hoặc không thể tiếp cận tài chính. Trong đó lý do chính là thiếu tài sản đảm bảo, không có đất đai nhà cửa mà chỉ có các khoản phải thu, hàng hóa luân chuyển trong kinh doanh hay các động sản khác, đặc biệt thiếu các dịch vụ tài chính ngân hàng phù hợp cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa.
Ở chiều ngược lại, do tính minh bạch tài chính của các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa cao dẫn đến ngân hàng cũng rất khó thẩm định cho vay. Vì vậy, các ngân hàng cần một tài sản đảm bảo chắc chắn hơn là bất động sản.
Nhiều ý kiến cho rằng đi vay phải có tài sản bất động sản đảm bảo nhưng theo bà Huyền, điều này là sai lầm vì khi khách hàng có vấn đề gì, thì để thanh lý tài sản đảm bảo đó cũng không hẳn dễ dàng.
Nếu khoản vay được đảm bảo bằng hàng hóa, các khoản thu thì người cho vay hoàn toàn dễ dàng kiểm soát được chu trình vận hành kinh doanh, nắm được nguồn tiền mặt của người đi vay, đòi hỏi sự minh bạch tài chính ngay từ đầu.
Đáng tiếc tại Việt Nam, các công ty tài chính thương mại phù hợp với các thức cho vay này lại chưa có nhiều và đây là khoảng trống khiến các doanh nghiệp vừa và nhỏ khó tiếp cận tài chính.
IFC đang làm việc với các hệ thống tài chính phi ngân hàng và khuyến nghị các tổ chức này tận dụng nguồn tài sản động sản là hàng hóa, các khoản phải thu bởi đó chính là những tài sản gần tiền mặt nhất mà các tổ chức cho vay có thể kiểm soát, giảm thiểu những rủi ro lớn.
Theo ông Đặng Hồng Anh, chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, trong năm qua có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như gói hỗ trợ 2% lãi suất, gói phục hồi kinh tế 350.000 tỉ đồng… nhưng thực tế nhiều doanh nghiệp vẫn chưa thể tiếp cận.
Nguyên nhân chủ yếu do các doanh nghiệp thiếu tài sản thế chấp, hệ thống báo cáo tài chính chưa chuẩn chỉnh, việc quản trị dòng tiền vẫn còn nhiều hạn chế… Do đó, cần giải quyết bài toán đổi mới tiếp cận tài chính toàn diện, góp phần vào sự phát triển bền vững cho các doanh nghiệp này.
TTO - Dù tỉ trọng cấp tín dụng cho nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam tăng trong 5 năm gần đây, kể từ khi Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa có hiệu lực, nhưng đa phần vẫn là những khoản vay có tài sản đảm bảo.