vĐồng tin tức tài chính 365

Chuyển đổi số tạo đột phá cho miền Trung – Tây Nguyên

2023-03-17 19:29

Chiều 17-3, Bộ Ngoại giao, UBND TP Đà Nẵng và Tạp chí Kinh tế Việt Nam (VN) phối hợp tổ chức Diễn đàn Nhịp cầu phát triển VN năm 2023 với chủ đề “Đột phá mới cho miền Trung – Tây Nguyên: Chuyển đổi kép xanh và công nghệ số trong chiến lược tăng trưởng kinh tế bền vững”.

Chuyển đổi số tạo đột phá cho miền Trung – Tây Nguyên ảnh 1

Các diễn giả trao đổi tại diễn đàn. Ảnh: TẤN VIỆT

2 thách thức hàng đầu

Tham luận tại diễn đàn, bà Stefanie Stallmeister, Giám đốc Danh mục dự án của Ngân hàng thế giới (WB) tại VN cho hay, miền Trung đang đối mặt với hai thách thức hàng đầu trong tăng trưởng xanh.

Cụ thể ở khía cạnh thích ứng, bà Stefanie Stallmeister cho hay, miền Trung đang đối diện với biến đổi khí hậu tương đối lớn và ngày càng tăng.

“Chỉ riêng khu vực ven biển, việc trì hoãn hành động trong 10 năm có thể làm mất đi 4,3 tỉ USD tăng trưởng kinh tế trước các cú sốc tự nhiên. Các hệ thống dựa vào thiên nhiên thường không được đánh giá đúng vai trò trong việc thúc đẩy khả năng phục hồi của vùng ven biển. 30 năm qua, VN đã mất hơn một nửa diện tích rừng ngập mặn, chủ yếu do phá rừng và lấy đất làm ao nuôi tôm”, bà Stefanie Stallmeister nói.

Thách thức thứ hai nằm ở khía cạnh khử carbon. Theo bà Stefanie Stallmeister, đã đến lúc miền Trung phải xem xét nền nông nghiệp phát thải thấp thế nào để xuất khẩu nông nghiệp duy trì tính cạnh tranh trên toàn cầu.

“Đã đến lúc ngành du lịch sôi động của VN được tiếp cận với năng lượng tái tạo và quản lý chất thải rắn bền vững để VN có thể tiếp tục thu hút du khách có ý thức bảo vệ môi trường. Đã đến lúc các ngành sản xuất ở miền Trung tiếp cận với năng lượng tái tạo, không xả thải và sản phẩm có thể được xuất khẩu thông qua chuỗi hậu cần carbon thấp”, bà Stefanie Stallmeister cho hay.

Theo Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Hồng Sơn, mọi giải pháp từ chuyển đổi số, tăng trưởng xanh đều cần hướng tới các trọng tâm phát triển.

Đó là gắn với tiềm năng, lợi thế của từng vùng. Định hướng phát triển bền vững, không đánh đổi kinh tế lấy xã hội, môi trường. Đồng thời gắn với ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững và thích nghi với biến đổi khí hậu.

Ông Sơn cho rằng cần có sự chuẩn bị về cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực và lộ trình thực hiện. Bởi miền Trung – Tây Nguyên có địa hình phức tạp, khí hậu khắc nghiệt, thiên tai bão lũ nhiều. Nhiều chỉ số phát triển kinh tế xã hội khu vực này đang thấp hơn trung bình cả nước.

Chuyển đổi số tạo đột phá cho miền Trung – Tây Nguyên ảnh 2

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang. Ảnh: TẤN VIỆT

Tránh việc “cạnh tranh xuống đáy”

Theo ông Nguyễn Hồng Sơn, câu chuyện liên kết phát triển vùng đã được thảo luận nhiều nhưng thực tế không có nhiều tiến triển. Nguyên nhân từ cơ chế, chính sách nhưng cũng có nguyên nhân từ nhận thức của lãnh đạo.

“VN chưa hình thành được cơ quan hành chính cấp vùng. 63 tỉnh/TP được ví như 63 nền kinh tế, cái gì cũng có, tình trạng cục bộ cản trở liên kết. Nhiều lãnh đạo địa phương chỉ muốn liên kết với các trung tâm kinh tế lớn chứ không muốn liên kết với tỉnh nhỏ, khó khăn. Hệ quả là tình trạng cạnh tranh xuống đáy. Nền kinh tế không giải quyết được các vấn đề chung như môi trường, sử dụng hiệu quả tài nguyên”, ông Sơn phân tích.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc cho hay, Nghị quyết của Bộ Chính trị xác định vùng Tây Nguyên phải tập trung cơ cấu lại kinh tế theo hướng phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là trọng tâm. Sản xuất nông nghiệp chuyển sang kinh tế nông nghiệp, dựa trên ứng dụng công nghệ cao và chuyển đổi số.

Vùng Bắc Trung Bộ và miền Trung tập trung phát triển các ngành kinh tế biển, phấn đấu trở thành vùng mạnh về biển, giàu từ biển. Đồng thời nâng cao hiệu quả kết cấu hạ tầng hiện có, các khu kinh tế ven biển, khu công nghiệp, hệ thống đô thị ven biển.

“Miền Trung và Tây Nguyên có đường biển dài, khí hậu nhiệt đới, có lượng nhiệt mặt trời tương đối lớn là ưu điểm để các địa phương xây dựng và phát triển ngành công nghiệp năng lượng xanh. Từ đó đóng góp thiết thực và hiệu quả vào định hướng phát triển nền kinh tế của khu vực cũng như của VN trong tương lai”, ông Ngọc cho hay.

Phát biểu tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho hay, năm 2023 có ý nghĩa quan trọng trong lộ trình chuyển đổi số quốc gia với mục tiêu đề ra là “Năm tạo lập và khai thác dữ liệu để tạo ra những giá trị mới của VN”.

Phó Thủ tướng biểu dương các địa phương, doanh nghiệp khu vực miền Trung – Tây Nguyên đã xây dựng, ban hành và thực hiện các chiến lược, kế hoạch hành động về tăng trưởng xanh, chuyển đổi số. Nhất là tích cực tìm kiếm các mô hình phát triển theo hướng thân thiện với môi trường, đề cao đổi mới sáng tạo.

“Để có thể đạt được những kết quả mang tính đột phá thì còn rất nhiều việc phải làm. Cần quyết tâm cao hơn nữa, nỗ lực lớn hơn nữa, triển khai các biện pháp một cách quyết liệt hơn nữa. Đặc biệt là trong đổi mới tư duy, thống nhất nhận thức, huy động các nguồn lực trong và ngoài nước, tổ chức triển khai thực hiện”, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh.

Là địa phương chủ nhà, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh cho hay TP đã và đang đón đầu xu thế, xác định chuyển đổi số là động lực để giải quyết các “điểm nghẽn”, tạo sự đột phá trong phát triển TP. Đặc biệt tạo thêm các lĩnh vực mới, hướng đến xây dựng Đà Nẵng thành đô thị sinh thái hiện đại, thông minh, đáng sống.

Đà Nẵng hiện thuộc nhóm 3 địa phương dẫn đầu về chuyển đổi số và dẫn đầu về an toàn thông tin, thương mại điện tử của cả nước. Đà Nẵng đặt mục tiêu đến năm 2025, kinh tế số chiếm hơn 20% GRDP của TP.

TẤN VIỆT

Xem thêm: lmth.514427tsop-neyugn-yat-gnurt-neim-ohc-ahp-tod-oat-os-iod-neyuhc/nv.olp

“Chuyển đổi số tạo đột phá cho miền Trung – Tây Nguyên”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools